Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sử dụng nền tảng học trực tuyến miễn phí
Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới (ngoại trừ Hoa Kỳ) trong năm 2023 với việc sử dụng nền tảng học trực tuyến miễn phí Khan Academy cho việc học tập tại nhà trường.
Tổ chức Khan Academy (trụ sở tại Silicon Valley, Hoa Kỳ) vừa ra công bố cho biết trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới (ngoại trừ Hoa Kỳ) trong việc sử dụng nền tảng học trực tuyến miễn phí Khan Academy cho việc học tập tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông. Hai vị trí đầu thuộc về Brazil và Ấn Độ.
Được tài trợ bởi Microsoft, Google, Quỹ Bill & Melinda Gates và nhiều quỹ lớn, nền tảng học trực tuyến miễn phí nổi tiếng toàn thế giới Khan Academy được thành lập từ năm 2008, hiện được sử dụng phổ biến tại 192 quốc gia trên thế giới với 51 ngôn ngữ, hoàn toàn miễn phí tới hơn 145 triệu người dùng.
Tại Việt Nam, Khan Academy Vietnam (KAV) là Chương trình giáo dục phi lợi nhuận do tổ chức The Vietnam Foundation (VNF) thực hiện. Tính đến hết năm 2023, KAV đã có trên 1 triệu tài khoản học, gần 1.300 “Trường học mở KAV” đã được tạo lập và sử dụng bởi hơn 10.000 giáo viên trong việc giảng dạy.
Ngoài ra, trên cộng đồng mạng đã có trên 40 lớp học chuyên môn được mở bởi các tình nguyện viên để học sinh khắp mọi miền cùng nhau tự học tập dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của nhiều sinh viên và học sinh đã có kinh nghiệm học tập trên Khan Academy. Tất cả 22 triệu học sinh Việt Nam đều có cơ hội đăng ký và tham gia học tập hoàn toàn miễn phí chương trình Toán tư duy tân tiến cùng các môn học khác trên nền tảng Khan Academy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Ông Phạm Đức Trung Kiên, người sáng lập The Vietnam Foundation, cho biết: "Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mỗi em học sinh Việt Nam có tài khoản sử dụng nền tảng trực tuyến Khan Academy để có thể tìm tòi tự học các nội dung Toán và các môn học khác với chất lượng tốt nhất và được dùng miễn phí trọn đời. Việc này có thể thực hiện được vì Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng thông tin số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học trực tuyến".