Việt Nam có quan sát được siêu trăng đêm Trung Thu?

Tại Việt Nam, thời điểm trăng tròn tuyệt đối sẽ là 16 giờ 57 phút ngày 29/9, tức chỉ trước thời điểm hoàng hôn của đêm Trung thu một chút.

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), siêu trăng cuối cùng của năm nay sẽ xuất hiện vào ngày 29/9, trùng với Tết Trung thu 15/8 âm lịch. Thời điểm trăng tròn tuyệt đối sẽ là 16 giờ 57 phút ngày 29/9, tức chỉ trước thời điểm hoàng hôn của đêm Trung thu một chút. Khi quan sát siêu trăng tròn nhất vào thời điểm hoàng hôn, người Việt Nam sẽ có cái nhìn rất đẹp mắt do hiệu ứng "ảo ảnh Mặt Trăng", xảy ra do việc nhìn thiên thể này khi còn treo thấp, xuyên qua lớp khí quyển dày. Ảo ảnh này sẽ khiến siêu trăng mang một màu hồng cam huyền ảo và trông còn to hơn nữa.

Siêu trăng tháng 9 còn có bạn đồng hành là Sao Mộc và Sao Thổ, hiện ra rất rõ trong những ngày này. Trong đó Sao Mộc sẽ nằm ngay cạnh bên trái siêu trăng, trong chòm sao Bạch Dương.

Siêu trăng cuối cùng của năm 2023 rơi vào đúng Tết Trung thu.

Siêu trăng cuối cùng của năm 2023 rơi vào đúng Tết Trung thu.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) định nghĩa siêu trăng là trăng tròn có thể lớn hơn tới 14% và sáng hơn 30% so với Mặt Trăng mờ nhất trong năm. Nguyên nhân, khi siêu trăng diễn ra, Mặt Trăng ở điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo, gọi là cận điểm (perigee). Mặc dù siêu trăng 29/9 không phải siêu trăng lớn nhất năm 2023 (danh hiệu này thuộc về siêu trăng xanh hồi tháng 8) nhưng nó vẫn sẽ lớn hơn mức trung bình.

Theo quan niệm xưa, trăng rằm tháng 8 âm lịch (Trung thu) tròn và sáng nhất trong năm, song các chuyên gia cho rằng không chính xác. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) lý giải, khi Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất, phần được chiếu sáng có lúc không về phía Trái Đất, có lúc chỉ một phần và có lúc hướng toàn bộ. Vì thế, người quan sát nhìn thấy các pha tròn - khuyết - bán nguyệt - lưỡi liềm... của Mặt Trăng. Ở mỗi chu kỳ trăng, luôn có một lần toàn bộ phần được chiếu sáng của nó hướng về phía Trái Đất, các nhà thiên văn gọi đó là điểm Trăng tròn.

Theo ông Sơn, mỗi năm có vài lần trăng tròn rơi vào đúng thời điểm Mặt Trăng đang ở gần điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó). Khi đó người từ Trái Đất có thể thấy trăng lớn hơn và sáng hơn một chút và gọi hiện tượng đó là siêu trăng. Tuy nhiên, siêu trăng cũng không có sự ưu tiên nào cho tháng 8 âm lịch, và vì thế hoàn toàn không có căn cứ cho việc rằm tháng 8 thì trăng sáng hơn.

Một điều thú vị nữa bạn nên biết là xác suất mà điểm trăng tròn (lúc nó tròn gần như hoàn hảo) rơi vào ngày 16 âm lịch cao hơn rơi vào ngày 15. Lý do là vì chu kỳ pha của mặt trăng là 29,53 ngày, có nghĩa là nửa chu kỳ (từ điểm hoàn toàn không trăng tới điểm tròn hoàn hảo và ngược lại) kéo dài khoảng 14,76 ngày.

Trong khi đó ngày mùng 1 âm lịch được quy ước là ngày có chứa điểm hoàn toàn không trăng (trong âm lịch gọi là điểm sóc). Điểm đó có thể rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mùng 1, cộng thêm nửa chu kỳ pha thì sẽ ra gần đúng điểm trăng tròn. Như vậy, chỉ cần điểm sóc rơi vào đâu đó quá 7 giờ sáng ngày mùng 1 của tháng âm lịch nào đó, thì điểm trăng tròn sẽ rơi vào ngày 16 thay vì 15.

Năm nay, người yêu thiên văn có thể quan sát hiện tượng siêu trăng như trăng tròn thông thường, chỉ cần trời ít mây là có thể nhìn thấy Mặt Trăng, và không cần chuẩn bị dụng cụ bảo vệ mắt khi quan sát.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-co-quan-sat-duoc-sieu-trang-dem-trung-thu-169230928144745382.htm