Việt Nam - Bỉ ký kết hợp tác phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu, đặc biệt với Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: Thắng Trung/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: Thắng Trung/BNEWS/TTXVN

Chiều 31/3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ, đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có buổi làm việc với bà Leen Govaerts, Giám đốc Bộ phận Năng lượng và Nước, Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders (VITO, Bỉ). Đồng thời, ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khí hậu đô thị, biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững và quản lý tài nguyên nước. Trước đó, Biên bản ghi nhớ đã được bà Inge Neven, Giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders ký tại Bỉ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu, đặc biệt với Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh đó, việc ký kết Biên bản ghi nhớ với Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders – tổ chức nghiên cứu hàng đầu châu Âu mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc.

Đề cập đến nội dung của Biên bản ghi nhớ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà cho hay, về khía cạnh khoa học công nghệ, hợp tác này tạo cơ hội để Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders cùng phát triển các giải pháp đột phá trên 4 lĩnh vực trọng tâm. Đó là, nghiên cứu khí hậu đô thị (ứng dụng mô hình độ phân giải cao không chỉ cho đô thị,ngập lụt đô thị, rủi ro khí hậu đô thị, các hệ thống giám sát và cảnh báo rủi ro khí hậu đô thị); giảm phát thải khí nhà kính (phát triển các công nghệ tiên tiến về năng lượng tái tạo, thu giữ carbon phù hợp với điều kiện Việt Nam); quản lý tài nguyên nước (xây dựng hệ thống giám sát và dự báo thông minh cho các lưu vực sông lớn); kinh tế tuần hoàn (nghiên cứu các giải pháp bền vững trong quản lý chất thải và tái chế tài nguyên).

Đối với thực tiễn, hợp tác sẽ mang lại những lợi ích cụ thể như việc xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu đô thị độ phân giải cao; các hiện tượng cực đoan ở đô thị như ngập lụt đô thị, nhiệt độ cao ở đô thị, rủi ro khí hậu đô thị; ô nhiễm đô thị, xây dựng các hệ thống giám sát và cảnh báo rủi ro khí hậu đô thị ở Việt Nam; xây dựng các mô hình thí điểm về đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi toàn quốc; phát triển các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các ngành kinh tế trọng điểm như nông nghiệp, thủy sản, năng lượng; ứng dụng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo -AI, Internet vạn vật - IoT, dữ liệu lớn - Big Data) trong giám sát môi trường và khí hậu.

Về lĩnh vực đào tạo, hợp tác cũng giúp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình trao đổi chuyên gia, nghiên cứu sinh; khóa đào tạo ngắn hạn về công nghệ tiên tiến; chuyển giao tri thức và kinh nghiệm quản lý.

Bà Leen Govaerts, Giám đốc Bộ phận Năng lượng và Nước, Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders bày tỏ sự cảm ơn Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đối với sự hợp tác này, đồng thời nêu rõ việc Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders đang triển khai dự án quản lý lũ tại Việt Nam và nhận thấy tiềm năng hợp tác mở rộng, bà cam kết việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam một cách minh bạch nhằm nâng cao năng lực cho các địa phương về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài các lĩnh vực hợp tác chính nêu trên, hai bên sẽ linh hoạt mở rộng hợp tác sang các chủ đề mới dựa trên nhu cầu thực tế và thế mạnh của mỗi bên. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders sẽ cùng phối hợp tích cực trong việc tìm kiếm, vận động các nguồn tài trợ quốc tế.

Để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, hai bên sẽ thiết lập cơ chế làm việc chặt chẽ bao gồm việc duy trì kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa lãnh đạo và chuyên gia; xây dựng các thỏa thuận cụ thể cho từng dự án.

Từ năm 2024, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders đã có những thảo luận kỹ thuật để xây dựng dự án hợp tác nghiên cứu chung "Dịch vụ khí hậu đô thị ở Việt Nam". Trong đó, phía Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders sẽ hỗ trợ các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nghiên cứu và ứng dụng mô hình khí hậu đô thị độ phân giải cao (lên tới 100m) của Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders, tính toán các rủi ro khí hậu đô thị và xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho các đô thị.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu là viện nghiên cứu hàng đầu về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thành lập năm 1977. Trải qua gần 50 năm lịch sử hình thành và phát triển, Viện đã khẳng định vị thế quan trọng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu. Nhiều nghiên cứu khoa học của Viện đã được áp dụng trong thực tiễn giám sát, cảnh báo và dự báo; áp dụng trong các TCVN, QCVN của các bộ, ngành như QCVN 02:2021/BXD. Viện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu.

Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders là viện nghiên cứu công nghệ hàng đầu châu Âu, trực thuộc Chính phủ Flanders (Bỉ), thành lập năm 1991. Với gần 800 chuyên gia, Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ Flanders đã triển khai thành công nhiều dự án toàn cầu về nghiên cứu khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thế mạnh về khí hậu đô thị (mô hình toán độ phân giải cao, cực đoan khí hậu đô thị, ngập lụt đô thị), năng lượng bền vững (công nghệ hydro xanh, lưới điện thông minh, thu giữ và lưu trữ carbon - CCUS), kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên, các mô hình dịch vụ khí hậu thông minh, AI, IoT và Big Data./.

Thắng Trung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-bi-ky-ket-hop-tac-phat-trien-ben-vung-va-ung-pho-bien-doi-khi-hau/368243.html