Viễn cảnh đáng sợ về một tiểu hành tinh sẽ đâm vào Trái Đất

Sau khi đâm vào Trái Đất, tiểu hành tinh Bennu có đường kính 0,5 km, nặng ước tính 67 triệu tấn có thể khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 4 độ C và lượng mưa giảm khoảng 15%.

 Tiểu hành tinh Bennu có đường kính 0,5 km, nặng ước tính 67 triệu tấn dự kiến sẽ đâm vào Trái Đất vào tháng 9/2182. Ảnh: IBS.

Tiểu hành tinh Bennu có đường kính 0,5 km, nặng ước tính 67 triệu tấn dự kiến sẽ đâm vào Trái Đất vào tháng 9/2182. Ảnh: IBS.

Tiểu hành tinh Chicxulub lao vào Trái Đất 66 triệu năm trước đã đẩy thế giới vào một mùa đông dài, dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của khủng long cùng với 75% số loài.

Theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ trong vòng 157 năm nữa, cụ thể là tháng 9/2182, thảm họa tương tự có thể xảy ra khi tiểu hành tinh có tên Bennu sẽ đâm vào Trái Đất.

Để so sánh, tiểu hành tinh Bennu với đường kính 0,5 km, nặng ước tính 67 triệu tấn nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước ước tính từ 10-15 km của Chicxulub.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, các nhà khoa học khí hậu ở Hàn Quốc đã mô phỏng những gì sẽ xảy ra nếu vụ va chạm như vậy xảy ra.

Để hiểu rõ hơn về tác động của những vụ va chạm trong tương lai, hai nhà khoa học Lan Dai và Axel Timmerman từ Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc đã sử dụng siêu máy tính Aleph tại Trung tâm Vật lý Khí hậu IBS để mô phỏng viễn cảnh về một tiểu hành tinh có đường kính 500 m va chạm với Trái Đất.

Máy tính sẽ thực hiện các mô phỏng về các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước mà các mô phỏng trước đây từng bỏ qua.

Kết quả cho thấy không phải vụ va chạm ngay lập tức sẽ tàn phá Trái Đất, mà chính là những hậu quả sau đó.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng một vụ va chạm như vậy sẽ phóng ra từ 100-400 triệu tấn bụi vào khí quyển của hành tinh, gây rối loạn hóa học khí quyển, làm giảm ánh sáng Mặt Trời đến mức can thiệp vào quá trình quang hợp và tác động mạnh mẽ đến khí hậu như một quả cầu tàn phá.

Bên cạnh việc nhiệt độ và lượng mưa giảm, kết quả còn cho thấy mức độ suy giảm tầng ozone lên đến 32%. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sự suy giảm ozone như vậy có thể tàn phá đời sống thực vật trên Trái Đất.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu chỉ ra đám mây bụi lớn như vậy có thể khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 4 độ C và lượng mưa giảm khoảng 15%.

Bụi mù có thể dẫn tới mùa đông toàn cầu với ánh sáng Mặt Trời yếu đi, nhiệt độ lạnh và lượng mưa sụt giảm. Điều này sẽ làm chậm sự phát triển của cây trồng trên đất liền và quang hợp ở đại dương.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/vien-canh-dang-so-ve-mot-tieu-hanh-tinh-se-dam-vao-trai-dat-post1530061.html