Việc kháng cáo quá hạn trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Mai Thúc Trung ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết việc kháng cáo quá hạn trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 335 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự số 05/VBHN-VPQH của Văn phòng Quốc hội. Cụ thể như sau:

1. Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

2. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn, tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho tòa án cấp phúc thẩm.

3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), tòa án cấp phúc thẩm thành lập hội đồng gồm 3 thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.

4. Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 3 ngày trước ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.

5. Quyết định của hội đồng xét kháng cáo quá hạn được gửi cho người kháng cáo quá hạn, tòa án cấp sơ thẩm và viện kiểm sát cùng cấp với tòa án cấp phúc thẩm.

Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo quá hạn thì tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và gửi hồ sơ vụ án cho tòa án cấp phúc thẩm.

* Bạn đọc Huỳnh Văn Nam ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của gia đình người nghiện ma túy và cộng đồng?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:

a) Hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng;

b) Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.

2. Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm sau đây:

a) Động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-khang-cao-qua-han-trong-to-tung-hinh-su-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-751315