Vicem muốn bán trụ sở nghìn tỷ dở dang: Cẩn trọng

Chuyên gia lưu ý một số điểm để tránh trường hợp Vicem bán được trụ sở nghìn tỷ mà các sai sót trước đây được xóa bỏ.

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa xin bán trụ sở 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thu hồi vốn.

Trước đó, vào năm 2010, Hội đồng thành viên Vicem đã quyết định đầu tư trung tâm điều hành hoạt động của Vicem kết hợp với kinh doanh cho thuê văn phòng thương mại cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.

Vốn đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.743 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2018 Vicem mới hoàn thành phần ngầm và phần thân công trình, và đã rót 1.430 tỷ đồng vào dự án.

Về đề xuất bán trụ sở dở dang nghìn tỷ của Vicem, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, tòa nhà 31 tầng là tài sản của Vicem bởi họ đã mua đất đai, đầu tư tiền vốn vào để xây dựng tòa nhà dù nó chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng, cả ngàn tỷ đã đổ vào dự án mà đến nay Vicem chưa thu hồi được.Chính vì thế, việc Vicem muốn bán tòa nhà để thu hồi vốn là hoạt động bình thường.

Chỉ có điều tòa nhà cần được đem ra đấu giá, bán theo giá thị trường để có cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch trong việc bán tài sản công, thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem chậm tiến độ, nằm đắp chiếu nhiều năm nay. Ảnh: Dân trí

"Nếu Vicem bán được tòa nhà đó và có lời sau khi đã trừ đi chi phí mua đất và xây dựng thì đó là điều tốt cho Vicem, còn hơn là tòa nhà mãi không hoàn thiện xong, đưa vào sử dụng, khi ấy nó chỉ là một tài sản chết, vô cùng lãng phí. Bán được cho nhà đầu tư khác để họ rót thêm vốn, đưa tòa nhà vào sử dụng, đó cũng là điều tốt cho xã hội và nền kinh tế", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phải cẩn trọng khi bán tòa nhà này. Theo đó, trước khi bán phải xem xét việc đầu tư tòa nhà này của Vicem có phù hợp không, đúng quy định không.

"Đã có quy định những dự án xây dựng ở tầm bao nhiêu ngàn tỷ đồng thì thuộc tầm quyết định của tổng công ty hay bộ chủ quản.

Vì thế, phải xem khi Vicem quyết định mua đất và đầu tư tòa nhà này liệu nó có vượt tổng dự toán quy định không, có vượt thẩm quyền được xét của Vicem hay bộ chủ quản không.

Mặt khác, khi bán tòa nhà này phải quay trở lại xem chi phí xây dựng tòa nhà là bao nhiêu, thực tế xây dựng là bao nhiêu, giữa dự toán tòa nhà đó với thực tế xây dựng thế nào... Tất cả cần phải có kiểm toán tính toán đầy đủ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Lý giải cho lưu ý này của mình, vị chuyên gia cho biết, mảnh đất xây dựng trụ sở 31 tầng của Vicem là mảnh đất vàng nên có thể sẽ bán được với giá rất cao. Nhưng phải tính đến khả năng khi Tổng Công ty mua mảnh đất đó, tính toán chi phí xây dựng, lượng vốn đầu tư có đi hết vào tòa nhà hay đi vào túi cá nhân/nhóm nào đó.

"Nếu không cẩn trọng, người ta chỉ nhìn thấy lời lãi từ việc bán trụ sở mà quên đi những sai sót, thất thoát... có thể xảy ra trong quá trình mua bán đất, xây dựng tòa nhà.

Vì lẽ đó, như đã nói ở trên, phải xem xét cẩn trọng các chi phí, dự toán xây dựng, các yếu tố cấu thành tòa nhà trước khi nó hình thành để xem có vượt thẩm quyền không, tính toán đầu tư đúng không, tỷ trọng vốn vào dự án bao nhiêu...", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đề xuất bán trụ sở nghìn tỷ bỏ hoang được Vicem đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang ôm hàng ngàn tỷ đồng tiền nợ của các công ty con.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Vicem, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 27.867 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 2.389 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, Vicem quản lý khối tài sản "khủng" 42.674 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,6% sau một năm.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vicem tính đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 20.554 tỷ đồng, tăng 4,1% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 22.120 tỷ đồng, giảm 9,9%.

Dù Vicem lãi lớn nhưng các công ty con của tổng công ty này đang ôm các khoản nợ tổng cộng hàng ngàn tỷ đồng.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Tương tự, hai công ty con khác là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Trong đó, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ đồng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vicem-muon-ban-tru-so-nghin-ty-do-dang-can-trong-3381623/