Vì sao vợ cựu Phó vụ trưởng của Bộ Công Thương không bị xác định là đồng phạm?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đồng thời đề nghị truy tố bị can Nguyễn Lộc An và 3 bị can liên quan với nhiều tội danh khác nhau, do có các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong việc cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu.
“Thoát” tội “Rửa tiền” vì mua biệt thự để ở
Trong đó, bị can Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) bị đề nghị truy tố tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 14 tỷ đồng; bị can Nguyễn Tuấn Quỳnh (Chủ tịch Công ty Long Hưng) bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”, số tiền 5 tỷ đồng.
Liên quan, bà Trần Thị Loan Phương (cựu Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt) đã đưa hơn 9 tỷ đồng cho bị can Nguyễn Lộc An để được tạo điều kiện cấp phép phân phối xăng dầu, cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo cơ quan điều tra (CQĐT), hành vi đưa 9 tỷ đồng của bà Trần Thị Loan Phương phạm vào tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, khi CQĐT chưa có thông tin, tài liệu về việc này, bà Phương nhận thức sai phạm, chủ động làm đơn tố giác việc Nguyễn Lộc An nhận hối lộ và tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án.
Căn cứ Điều 364 – BLHS và áp dụng Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, CQĐT miễn trách nhiệm hình sự đối với cựu Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt nhưng cần tịch thu số tiền 9,2 tỷ đồng đưa hối lộ sung công quỹ Nhà nước.
Kết quả điều tra cho thấy, toàn bộ số tiền số tiền Nguyễn Lộc An nhận của bà Phương và nhận của bị can Nguyễn Tuấn Quỳnh được chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Kim Ngọc (vợ bị can An) và được dùng để mua căn Biệt thự tại số 14D3 Khu đất đấu giá 18,6 ha, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Tuy nhiên, bà Ngọc không biết 19 tỷ đồng này có nguồn gốc từ hành vi nhận hối lộ của chồng. Do vậy, CQĐT không đủ căn cứ xác định hành vi của bà Nguyễn Kim Ngọc có yếu tố đồng phạm với bị can Nguyễn Lộc An về tội “Nhận hối lộ”.
Mục đích bà Nguyễn Kim Ngọc Ngọc và Nguyễn Lộc An mua căn biệt thự là dùng để ở. Vì vậy, không đủ căn cứ xác định hành vi của bà Nguyễn Kim Ngọc và bị can Nguyễn Lộc An phạm vào tội “Rửa tiền”.
Về hành vi ký cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, CQĐT xác định, vị này không biết việc bị can Nguyễn Lộc An nhận hối lộ để đề nghị cấp giấy phép và cũng không biết doanh nghiệp của bà Phương không đủ điều kiện.
Việc ông Đỗ Thắng Hải ký giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu không phải nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại ngân sách Nhà nước 105 tỷ đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG).
Quá trình cấp giấy phép, ông Đỗ Thắng Hải không được hưởng lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất gì. Vì vậy, hành vi của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.
Nhiều cá nhân không bị xử lý hình sự
Đoàn kiểm tra điều kiện cấp phép xuất nhập xăng dầu đối với Công ty Long Hưng, Công ty Bách Khoa Việt còn có thành viên gồm các ông bà: Phí Quang Hải, Lục Thị Trang, Nguyễn Hương Ly, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Cẩm Trang, Phạm Tuấn Long.
Quá trình kiểm tra, bị can Nguyễn Lộc An chỉ đạo chỉ kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất các cửa hàng, đại lý xăng dầu mà không thực hiện kiểm tra hết toàn bộ hệ thống cửa hàng, đại lý.
Bị can An cũng chỉ đạo không kiểm tra thực tế tại kho tiếp nhận xăng dầu và cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu. Việc sắp xếp lịch trình, đi kiểm tra ở đâu, kiểm tra như thế nào là do An quyết định, không thành viên nào có ý kiến khác và phải ký vào biên bản kiểm tra.
Các thành viên này không được hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất gì. Vì vậy, hành vi của những người nêu trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, nhưng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Trong giai đoạn Công ty Bách Khoa Việt chưa bị thu hồi giấy phép xuất khẩu xăng dầu, quy định về việc kiểm tra, giám sát Quỹ BOG chưa rõ ràng, chỉ có quy định công ty và ngân hàng nơi mở tài khoản Quỹ BOG phải báo cáo, chưa có quy định không báo cáo thì sẽ bị xử lý như thế nào.
Ngoài ra cũng chưa có quy định ngân hàng phải kiểm tra giám sát doanh nghiệp thực hiện chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi Quỹ BOG… Do đó, theo CQĐT chưa đủ căn cứ xác định trách nhiệm các cá nhân có liên quan tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Từ vụ án này, CQĐT kiến nghị các ngân hàng BIDV, SHB, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Công ty cổ phần Xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Bách Khoa Việt phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu thu hồi số tiền vượt quá dư nợ thì liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước, khắc phục hậu quả vụ án.
CQĐT cũng đề nghị Cục thuế TP HCM áp dụng các biện pháp theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi số tiền nợ thuế của Công ty Bách Khoa Việt. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định đầy đủ, cụ thể đảm bảo tính thực tiễn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và Quỹ BOG.
Ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố còn có một số các nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tình chất, mức độ của hành vi sai phạm, CQĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định.