Vì sao sinh viên ĐH Công thương TPHCM chọn khởi nghiệp dự án về nui gạo ăn liền?

Việc phát triển sản phẩm nui gạo ăn liền Prebiotic dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng với lối sống hiện đại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong nước.

Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh (HUIT) vừa có hai dự án đạt giải tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức.

Đó là dự án “Lotusleep – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam” giành giải Nhì chung cuộc lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp và dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” giành giải Nhì chung cuộc lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” giành giải Nhì chung cuộc lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội. Ảnh: NTCC.

Trong đó, Dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” là dự án khởi nghiệp của năm sinh viên gồm bạn Lê Hà Phương lớp 11DHTP8, Trần Thị Mỹ Anh lớp 11DHTP2, Võ Thị Trúc Mai lớp 13DHTPTD (Khoa Công nghệ thực phẩm) và bạn Nguyễn Thị Minh Nhàn lớp 11DHNH8, Dương Minh Khôi lớp 11DHNH8 (Khoa Tài chính kế toán) cùng thực hiện, dưới sự hướng dẫn của ban cố vấn gồm Thạc sĩ Võ Thị Thúy Hằng và Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh (giảng viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh).

Nui gạo ăn liền Prebiotic – sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhanh, gọn, tiện dụng của cuộc sống hiện đại

Bày tỏ cảm xúc của mình, sinh viên Trần Thị Mỹ Anh – đại diện nhóm cho biết, bản thân cảm thấy vô cùng vinh dự và vui mừng khi dự án của nhóm đã vượt qua rất nhiều ý tưởng xuất sắc khác để giành giải Nhì tại cuộc thi.

“Xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống hiện đại, khi mọi người ngày càng bận rộn, ít có đủ thời gian để chuẩn bị một bữa ăn hoàn chỉnh, đầy đủ dinh dưỡng và có xu hướng lựa chọn thức ăn nhanh đã gây nên những tác động xấu cho sức khỏe. Điều đó khiến chúng em có suy nghĩ mong muốn cải thiện chất lượng bữa ăn của mọi người.

Hơn nữa, bối cảnh Việt Nam là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển, với sản lượng lúa gạo dồi dào. Để tận dụng ưu thế đó, nâng cao giá trị hạt gạo và giúp cho bà con nông dân trồng lúa có thể cải thiện thu nhập, dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” được thành lập.

Dự án này nhằm hiện thực hóa tất cả những mong muốn trên” – bạn Trần Thị Mỹ Anh chia sẻ về ý tưởng ban đầu thực hiện dự án.

Với ý tưởng ban đầu trên, nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến một bộ sản phẩm thực phẩm tiện dụng, an toàn có tên là “Nui gạo ăn liền Prebiotic”.

Bộ sản phẩm này gồm có 3 dòng sản phẩm chính là Nui súp ăn liền Prebiotic, Nui sốt trộn ăn liền Prebiotic, Nui snack Prebiotic. Các sản phẩm này đều được làm từ 3 giống gạo khác nhau (gạo IR504, gạo Huyết rồng và gạo cẩm). Ngoài ra, để đa dạng sản phẩm và mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn khác nhau, mỗi dòng sản phẩm đều được nhóm sản xuất theo cả hai loại là món chay và món mặn.

Sản phẩm nui gạo ăn liền Prebiotic được nghiên cứu và phát triển dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng với lối sống hiện đại. Khách hàng mục tiêu được nhóm xác định là những người bận rộn, làm việc văn phòng, ít có thời gian cho việc nấu nướng.

“Sản phẩm này đáp ứng các tiêu chí: Nhanh, gọn, tiện dụng. Cụ thể, đối với nui súp, nui sốt và nui snack, người tiêu dùng chỉ cần hâm nóng sản phẩm trong vi sóng từ 1 – 2 phút là có thể sử dụng được liền.

Bên cạnh đó, nhóm cũng chú trọng về mặt chất lượng của sản phẩm, nhằm đảm bảo với mỗi khẩu phần, sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng” – bạn Mỹ Anh thông tin thêm.

Bộ sản phẩm Nui gạo ăn liền Prebiotic gồm có 3 dòng sản phẩm chính là Nui súp ăn liền Prebiotic, Nui sốt trộn ăn liền Prebiotic, Nui snack Prebiotic. Ảnh: NTCC.

Đánh giá về dự án khởi nghiệp này của nhóm sinh viên, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh (giảng viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) – cố vấn nhóm dự thi cho biết: “Trước hết, điểm đặc biệt của dự án đến từ việc nui gạo ăn liền Prebiotic là những sản phẩm có chứa tinh bột bền trên 4.52% phù hợp với hàm lượng khuyến nghị của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), giúp hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát cân nặng và chỉ số đường huyết cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, giống gạo Huyết rồng và gạo cẩm được sử dụng để tạo ra sản phẩm là những giống gạo có chứa anthocyanin với hàm lượng 3.37mg/100g, có tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.

Sản phẩm của dự án này cũng đã đạt được các chỉ tiêu vi sinh và hóa lý do Bộ Y tế kiểm nghiệm và được đăng ký kí bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ để độc quyền về công nghệ sản xuất”.

Định hướng phát triển hệ sinh thái các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe được làm từ nguyên liệu lúa gạo bản địa

Bắt tay thực hiện dự án này từ đầu năm 2023, ban đầu, nhóm sinh viên này gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt, do thành viên nhóm là những sinh viên đến từ những khoa khác nhau, nên khi mới tiếp xúc và làm việc, các bạn không tránh khỏi việc bất đồng quan điểm.

Tuy nhiên, nhờ việc phân chia vị trí làm việc rõ ràng (03 bạn sinh viên thuộc khoa Công nghệ thực phẩm được giao phụ trách phần kỹ thuật, nghiên cứu phát triển sản phẩm; 02 bạn thuộc khoa Khoa Tài chính kế toán phụ trách phần hoạch định tài chính), cách thức làm việc khoa học,… nhóm đã cải thiện được tình hình làm việc.

Dẫu vậy, với một cuộc thi mang tính đặc thù như Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, lại diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, nhóm sinh viên này cũng gặp phải không ít khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn này, Mỹ Anh cho biết: “Hiện tại, cả 05 thành viên của nhóm đều là sinh viên, vì vậy bên cạnh việc thực hiện dự án dự thi, chúng em vẫn phải đảm bảo hoàn thành việc học tập. Có những ngày, tụi em phải ở lại trường, lên phòng thí nghiệm làm sản phẩm đến tối muộn, dù mệt nhưng cả nhóm đều vui vẻ động viên nhau cố gắng.

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này, khó khăn lớn nhất mà chúng em cũng gặp phải liên quan đến phần cấu trúc sản phẩm. Do thời gian đầu, cấu trúc sản phẩm không đạt được yêu cầu đặt ra, nên nhóm của mình đã mất khá nhiều thời gian tìm cách khắc phục. Chúng em phải họp bàn, đọc rất nhiều tài liệu, tham khảo ý kiến của giảng viên cố vấn,… thực sự đó là khoảng thời gian không hề dễ dàng”.

Chia sẻ thêm về những áp lực của nhóm, giảng viên cố vấn cho biết, nhóm đã gặp phải khá nhiều vấn đề trong quá trình hoàn thiện và thống nhất quy trình sản xuất.

Bên cạnh đó, những sinh viên của nhóm đều là lần đầu tham gia một cuộc thi lớn với tỉ lệ cạnh tranh cao (năm nay có 707 dự án đăng ký dự thi), tâm lý áp lực, sự lo lắng của sinh viên là không tránh khỏi. Do đó, các thầy/cô cố vấn luôn cố gắng theo sát quá trình làm việc của nhóm, động viên, khích lệ tinh thần cho các bạn nhằm duy trì sự hăng hái và tạo không khí thoải mái để nhóm sinh viên yên tâm thi đấu hết mình.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thuyết trình dự án tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Ảnh: NTCC.

Ngoài ra, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng: “Nói đến thành công của dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” của sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, không thể không kể đến sự quyết tâm và cố gắng của tất cả thành viên trong nhóm dự thi. Dù gặp khó khăn, vướng mắc, các bạn sinh viên cũng vẫn luôn nỗ lực, kiên trì bàn bạc, thảo luận với giảng viên cố vấn để tìm ra hướng giải quyết cuối cùng để khắc phục và tạo ra chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Tiếp đến, giá trị mà sản phẩm mang lại cho cộng đồng và xã hội mới chính là đóng góp to lớn mang đến sự thành công của cả dự án”.

Hiện tại, dự án “Nui gạo ăn liền Prebiotic” đã đưa sản phẩm đi tiếp thị. Hoạt động tiếp thị này dự kiến sẽ kéo dài hết quý 2/2024. Sau đó, sản phẩm sẽ được điều chỉnh và sản xuất hàng loạt, đi vào phân phối trong thị trường từ 2024 – 2025.

“Hiện nay, dự án chưa được đưa ra thương mại hóa. Trong thời gian tới, nhóm chúng mình đang có định hướng về việc nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác chứa tinh bột bền nhằm tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe được làm từ nguyên liệu lúa gạo bản địa, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo – một thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.

Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà” – bạn Trần Thị Mỹ Anh chia sẻ về kế hoạch phát triển của dự án sau cuộc thi.

Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 (SV-STARTUP-lần thứ VI) được phát động từ tháng 8/2023 đã thu hút hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường phổ thông tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu học sinh, sinh viên.

Cuộc thi có 5 lĩnh vực dự thi công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp và kinh doanh tạo tác động xã hội.

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-sinh-vien-dh-cong-thuong-tphcm-chon-khoi-nghiep-du-an-ve-nui-gao-an-lien-post242773.gd