Vì sao người Việt không nên đến Maldives thời gian này?
Quốc đảo Maldives vốn nổi tiếng tươi đẹp và thanh bình bất ngờ rơi vào cuộc khủng hoảng giữa một bên là Tổng thống Yameen, một bên là Tòa án Tối cao và phe chính trị đối lập.
Sau khi ra lệnh bắt giữ chánh án Tòa án Tối cao, một số thành viên của phe đối lập, một số đối thủ chính trị và cựu tổng thống (người đồng thời cũng là anh trai cùng mẹ khác cha của ông), đẩy đất nước Maldives vào hỗn loạn, Tổng thống Abdulla Yameen phát biểu: Lỗi thuộc về những người kia.
"Tôi buộc phải đi đến nước này", nhà lãnh đạo của quốc đảo Ấn Độ Dương phát biểu trên truyền hình hôm 6/2. Đây là lần lên tiếng chính thức đầu tiên trước công chúng của Tổng thống Yameen sau khi Maldives rơi vào cuộc khủng hoảng.
Ngày hỗn loạn trên quốc đảo vốn thanh bình
Nằm trên Ấn Độ Dương, phía tây nam Ấn Độ và Sri Lanka, quốc đảo xinh đẹp Maldives nổi tiếng với những vùng biển lấp lánh, cuộc sống đại dương tuyệt vời, trên tất cả là sự thanh bình.
Nhưng tuần vừa qua, Maldives bỗng trở thành đề tài nóng về chính trị khi rơi vào cuộc khủng hoảng giữa một bên là Tổng thống Yameen, một bên là Tòa án Tối cao và phe chính trị đối lập.
Maldives nằm trên Ấn Độ Dương, phía tây nam Ấn Độ và Sri Lanka, là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Ảnh: Getty.
Một loạt diễn biến đã liên tiếp xảy ra trong ngày 6/2. Khoảng 3 giờ sáng (giờ địa phương), lực lượng an ninh của ông Yameen xông vào tòa nhà Tòa án Tối cao và bắt giữ hai thẩm phán (có 5 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Maldives). Chiều cùng ngày, lực lượng an ninh của tổng thống bao vây tòa nhà Quốc hội, ngăn các nghị sĩ tổ chức họp.
Trước đó vài giờ, ông Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp, động thái này mang lại cho ông quyền hạn đủ lớn để ra lệnh bắt giữ đối với Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và Thẩm phán Ali Hameed.
Văn phòng Tổng thống nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp áp đặt một số giới hạn nhất định nhưng sẽ không có bất kỳ lệnh giới nghiêm nào được đưa ra.
"Tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp bởi vì chẳng có cách nào để những thẩm phán này chịu trách nhiệm", ông tuyên bố. Yameen khẳng định tình hình hiện nay không nghiêm trọng và kêu gọi người dân Maldives giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, ông chỉ trích Tòa án Tối cao đã hành động hấp tấp và khẳng định ông hành động như vậy nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính.
Tối 6/2, thủ đô Male yên bình, các cửa hiệu vẫn mở và xe cộ vẫn lưu thông bình thường, thế nhưng nỗi lo sợ bao trùm toàn thành phố.
"Chúng ta đang trên con đường phá hoại hoàn toàn nền dân chủ này", Ahmed Tholal, điều phối viên chương trình tại tổ chức Minh bạch Maldives, một nhóm chống tham nhũng, nói với New York Times. "Sự việc tối qua còn hơn cả một cuộc đảo chính quân sự".
Tòa án Tối cao chống lại sức ép của tổng thống
Căng thẳng giữa đương kim Tổng thống Yameen và phe chính trị đối lập kéo dài đã nhiều năm nay. Cuộc khủng hoảng chính trị lên tới đỉnh điểm vào tuần trước khi Tòa án Tối cao Maldives ngày 1/2 bất ngờ ra phán quyết yêu cầu thả 9 tù nhân chính trị, đồng thời khôi phục chức vụ cho 12 nhà lập pháp từng bị sa thải vì rời bỏ đảng của ông Yameen. Phán quyết trên sẽ giúp phe đối lập chiếm đa số ghế ở hội đồng lập pháp, theo CNN.
Song thay vì tuân theo lệnh của tòa án, tổng thống đã điều quân đội tới chiếm quyền kiểm soát Tòa án Tối cao ở thủ đô Male, không những vậy còn bắt giữ nhiều người hơn. Chiến thuật này rõ ràng cho thấy đây là một cuộc thanh trừng toàn diện của ông Yameen.
Cảnh sát ứng phó với các cuộc biểu tình của những người ủng hộ phe đối lập tại Maldives sau phán quyết của tòa án. Ảnh: Reuters.
Ngày 5/2, lực lượng an ninh "phong tỏa và khóa chặt tòa nhà trụ sở Tòa án Tối cao từ bên ngoài, vì thế các thẩm phán không có lương thực và nước uống", cựu Bộ trưởng tư pháp Maldives Husnu Al Suood viết trên Twitter.
Ngày 6/2, lực lượng an ninh của ông Yameen bắt giữ cựu tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, anh trai cùng mẹ khác cha của chính ông, với cáo buộc hối lộ mà phe đối lập mô tả là "rõ ràng là dựng chuyện".
Ông Gayoom là người nắm quyền điều hành đất nước trong suốt 30 năm cho đến khi Maldives chuyển sang chế độ dân chủ. Liên minh giữa ông Gayoom và ông Yameen bị chia rẽ vào năm 2016. Năm ngoái, ông Gayoom đã quyết định gia nhập lực lượng với cựu Tổng thống Mohamed Nasheed để thành lập một liên minh đối lập mới.
Là chính trị gia chuyên nghiệp, đương kim Tổng thống Yameen rất không được lòng dân. Ông bị nghi là đã bòn rút hàng triệu USD từ các thỏa thuận bí mật mà theo đó Maldives bán các hòn đảo cho các công ty nước ngoài.
Các công ty này một ngày nào đó sẽ biến những rặng san hô của Maldives thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Quốc đảo Maldives vốn nằm trong số những điểm du lịch độc đáo và xa xỉ nhất trên thế giới, với nhiều khu nghỉ dưỡng giá tới 2.000 USD/đêm.
Điều làm phức tạp thêm tình hình đó là Tòa án Tối cao và một số nhân vật đối lập cũng bị nghi ngờ tham nhũng. Nhiều người Maldives tin rằng tòa án đã nhận hối lộ từ các nhân vật đối lập giàu có để chống lại tổng thống. Đây là điều mà ông Yameen liên tục đề cập tới trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 6/2, cáo buộc chính các thẩm phán đã lên kế hoạch đảo chính.
Tối 6/2, 3 thẩm phán không bị bắt còn lại của Tòa án Tối cao thay đổi quyết định theo hướng có lợi cho ông Yameen. Họ vô hiệu hóa một số phần của phán quyết ban đầu, nói rằng không nên thả các tù nhân chính trị và nên tiếp tục giam giữ những người này. Có nhiều người nghi ngờ rằng các thẩm phán bị tổng thống ép phải hành động như vậy.
Các nhóm nhân quyền kêu gọi Tổng thống Yameen không nên lạm quyền như vậy. "Cả thế giới đang dõi theo Maldives vào lúc này", Biraj Patnaik, giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế Nam Á, cho biết. "Không thể lấy việc ban bố tình trạng khẩn cấp để tiến hành một cuộc thanh trừng như vậy đối với Tòa án Tối cao và phe đối lập".
Bất ổn từ lâu
Đây không phải là lần đầu tiên trong những năm gần đây, quốc đảo Maldives chứng kiến những biến động chính trị. Cựu Tổng thống Mohamed Nasheed, người trở thành nhân vật nổi tiếng thế giới vì đã đấu tranh chống biến đổi khí hậu, là nhà lãnh đạo đầu tiên và duy nhất được bầu cử dân chủ ở nước này.
Nhưng ông Nasheed bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2012 và sau đó phải ngồi tù vì cáo buộc khủng bố, mặc dù những người ủng hộ ông nói tất cả bằng chứng buộc tội đều là giả mạo. Hiện ông sống lưu vong ở Sri Lanka và được tị nạn ở Anh.
Năm 2013, Yameen lên nắm quyền trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi, các đối thủ nói rằng đó là kết quả được dàn xếp. Kể từ đó, ông bị cáo buộc phá hoại nền dân chủ, đàn áp những người bất đồng chính kiến và bỏ tù các lãnh đạo đối lập. Năm 2016, Maldives rút khỏi Khối Thịnh vượng chung sau khi những tranh cãi về vấn đề nhân quyền và Maldives bị cáo buộc gây rạn nứt các thể chế dân chủ.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (áo xanh chính giữa). Ảnh: AP.
Nasheed hy vọng sẽ đánh bại Tổng thống Yameen trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2018. Thời điểm Tòa án Tối cao Maldives ra phán quyết dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, ông Nasheed đang ở Colombo, thủ đô Sri Lanka. Ông đã kêu gọi Mỹ và Ấn Độ can thiệp vào cuộc đàn áp chính trị.
Ấn Độ cho biết họ cảm thấy "bối rối" trước những diễn biến này, đồng thời kêu gọi quốc gia láng giềng Maldives tuân thủ luật lệ. "Với tinh thần dân chủ và pháp quyền, các cơ quan chính phủ Maldives cần tôn trọng và tuân thủ mệnh lệnh từ Tòa án Tối cao", thông báo của chính phủ Ấn Độ cho hay. Một số chính phủ phương Tây chỉ trích cuộc đàn áp của Yameen.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ ở Maldives, cho rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết nội bộ.
Tới tối 6/2, chưa rõ Tổng thống Yameen có kế hoạch tiếp theo như thế nào, ông được cho là đồng minh thân cận của Saudi Arabia và Trung Quốc.
Maldives có còn an toàn cho khách du lịch?
Thiên đường nghỉ dưỡng Maldives là điểm du lịch thu hút lượng khách du lịch rất lớn, đặc biệt là khách từ Trung Quốc. Khoảng 1,4 triệu lượt khách trên khắp thế giới tới nghỉ ở Maldives trong năm 2017, theo số liệu của chính phủ, trong đó có hàng trăm nghìn người Trung Quốc và Anh.
Chính phủ Malidves ngày 6/2 đã ra thông báo thông qua Bộ Ngoại giao, tái đảm bảo với khách du lịch rằng tình hình hiện nay vẫn ổn định và không ảnh hưởng tới du lịch.
"Mọi hoạt động thương mại du lịch sẽ diễn ra như thường lệ và tình hình Maldives vẫn ổn định", thông báo cho biết. "Tình trạng khẩn cấp không gây ra bất kỳ hạn chế nào đối với việc tới Maldives hay đi lại bên trong Maldives".
Tuy nhiên, Trung Quốc đã ra cảnh báo cho người dân về việc tới quốc đảo trước Tết âm lịch (bắt đầu từ ngày 16/2), và đây là mùa du lịch cao điểm ở Trung Quốc.
"Chúng tôi khuyến cáo khách du lịch Trung Quốc có ý định tới Maldives không nên tới đó cho tới khi tình hình lắng xuống", người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông báo hôm 5/2. Ấn Độ và Anh ra cảnh báo tương tự.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/2 cũng đã khuyến cáo công dân không nên đến Maldives cho đến khi chính phủ đảo quốc Ấn Độ Dương gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.
VIDEO: Thiên đường du lịch Maldives trong cơn khủng hoảng chính trị
Maldives, đảo quốc xinh đẹp trên Ấn Độ Dương, bỗng trở thành điểm nóng chính trị khi rơi vào cuộc khủng hoảng giữa một bên là tổng thống, một bên là Tòa án Tối cao.
Ngụy An