Vì sao Nga và Trung Quốc siết chặt quan hệ?
Trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, Moscow và Bắc Kinh đã nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược song phương lên một tầm cao mới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai bên đang tìm cách chống lại sức ép từ Mỹ.
Siết chặt hợp tác dưới sức ép của Mỹ
Quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới" được Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo ở Moscow ngày 5-6.
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, ông Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Putin rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Nga "hiện đứng trước thách thức của thời gian trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi. Từng bước một, chúng ta đã xoay xở và đưa mối quan hệ của chúng ta lên một mức mới, mức cao nhất trong lịch sử."
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai nước dự định tăng cường hợp tác chiến lược nhằm bảo vệ sự ổn định khu vực và toàn cầu. Tuyên bố chung nêu rõ: "Hai bên thừa nhận thực tế rằng an ninh quốc tế đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Về khía cạnh này, hai bên dự định tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực chiến lược nhằm kiên quyết bảo vệ sự ổn định chiến lược tại khu vực và toàn cầu".
Chuyến công du Nga của ông Tập Cận Bình đã được chuẩn bị trong suốt 7 tháng qua, tuy nhiên tầm quan trọng của chuyến đi này ngày càng tăng lên khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt trở lại sau thời gian "đình chiến" ngắn ngủi. Theo mạng tin The Diplomat, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ - đối tác thương mại hàng đầu từ lâu nay của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang đặc biệt muốn nhấn mạnh tới khía cạnh kinh tế của mối quan hệ với Nga.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đặc biệt đưa tin về mối quan hệ thương mại Trung Quốc-Nga, và có một số dấu hiệu sớm cho thấy mối quan hệ này đã đem lại lợi ích, trong khi Trung Quốc đang tách dần khỏi việc nhập khẩu năng lượng và các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Willy Lam, một trợ lý giáo sư tại ĐH Hong Kong của Trung Quốc và là một nhà phân tích chính trị Trung Quốc lâu năm, nói: "Điều này nhằm thể hiện với Mỹ rằng có một liên minh mạnh giữa Bắc Kinh và Moscow và có thể được sử dụng để chống lại điều mà Bắc Kinh gọi là chủ nghĩa đơn phương Mỹ."
Điểm yếu nhất trong quan hệ Nga-Trung
Thương mại Trung-Nga đã tăng 27% trong năm 2018, và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2019 (quý I năm 2019, thương mại hai nước đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong một bài trả lời phỏng vấn bằng văn bản với giới truyền thông Nga, ông Tập đã ca ngợi tăng trưởng thương mại Nga-Trung khi nói: "Những kết quả đáng ghi nhận trong hợp tác thương mại giữa hai nước đặc biệt có giá trị trong môi trường phức tạp hiện nay của tăng trưởng thương mại và đầu tư toàn cầu chậm chạp và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới."
Tuy nhiên, những con số "màu hồng" ở trên và giọng điệu lạc quan đang che giấu một bức tranh phức tạp hơn. Mức trao đổi thương mại lớn giữa Nga và Trung Quốc trong năm ngoái chủ yếu tập trung vào xuất khẩu năng lượng của Nga, và đầu tư của Trung Quốc vào Nga thực ra đã giảm xuống trong năm 2018. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Nhìn chung, Nga chiếm chưa tới 2% trong tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2017, và chỉ hơn 2% trong tổng sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã nhận ra điều này. Năm 2011, họ đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế bằng cách đặt ra những mục tiêu tham vọng: đạt 100 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2015, và 200 tỷ USD vào năm 2020. Cho dù thương mại giữa hai nước tiếp tục đà tăng 27% như trong năm 2018 trong 2 năm tới - nhiệm vụ quá khó khăn do thương mại giữa hai nước chỉ tập trung vào lĩnh vực năng lượng - thì hai nước vẫn không thể đạt được mục tiêu 200 tỷ USD vào năm 2020. Đó có thể là lý do tại sao Moscow dường như đã lặng lẽ lùi mục tiêu này tới năm 2024.
Cuối cùng, tiềm năng thương mại Nga-Trung còn bị cản trở bởi sự can thiệp sâu của chính trị. The Diplomat đã từng đánh giá trong một bài viết rằng “sự hợp tác thực sự đòi hỏi phải có những cải cách lớn trong chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước, nơi mà Moscow phải trợ cấp để vực dậy các khu vực xa xôi hẻo lánh, thỏa mãn yêu cầu của các tập đoàn và người dân... Đó là vấn đề không khả thi về mặt chính trị.” Những hạn chế về mặt cơ cấu sẽ khó có thể được xóa bỏ sớm tại mỗi quốc gia.
Thay vào đó, quan hệ Nga-Trung có một sự tập trung rõ rệt vào vấn đề địa chính trị. Những cụm từ như “kinh tế” và “thương mại” chỉ được nhắc tới một lần trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình khi cùng ông Putin tham gia một buổi họp báo chung hôm 5-6. Tổng thống Nga Putin cũng không nhắc tới lĩnh vực này. Thay vào đó, ông Putin nhấn mạnh lập trường gần gũi hoặc thống nhất giữa Nga và Trung Quốc về các vấn đề trọng tâm toàn cầu.
Rõ ràng rằng khi ca ngợi hợp tác Trung-Nga đang ở mức độ cao nhất trong lịch sử, ông Putin đã không nói tới vấn đề thương mại. Tương tự như vậy, ông Tập Cận Bình dường như quan tâm nhiều hơn đến việc ca ngợi nền tảng chính trị và chiến lược trong mối quan hệ Trung-Nga, đặc biệt nhấn mạnh tới chi tiết hai bên ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau, đồng thời bảo vệ lợi ích sống còn của nhau. Như vậy là rõ ràng là quan hệ Trung-Nga sẽ còn một chặng đường dài phía trước mà hai nước sẽ phải tiếp tục bước đi.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-nga-va-trung-quoc-siet-chat-quan-he-151362.html