Vì sao Hà Nội không sáp nhập quận Hoàn Kiếm?
Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện.
Giảm 46 xã, 15 phường
Sáng 15/5, tại Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hà Nội khóa XVI, 100% đại biểu có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP Hà Nội.
Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị.
Báo cáo tại Kỳ họp, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, số lượng đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp là: ĐVHC cấp huyện là 30 đơn vị (gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã); ĐVHC cấp xã là 579 đơn vị (gồm 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn).
Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp: ĐVHC cấp huyện là 30 đơn vị (gồm: 12 quận, 17 huyện, 01 thị xã); ĐVHC cấp xã là 518 đơn vị (gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn).
Như vậy, số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã giảm do sắp xếp cụ thể là: ĐVHC cấp huyện không có đơn vị nào; ĐVHC cấp xã giảm là 61 đơn vị (gồm 46 xã, 15 phường).
Sau sắp xếp các phường, 6 quận (Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Thanh Xuân) và thị xã Sơn Tây có đơn vị hành chính mới.
Riêng quận Cầu Giấy chỉ điều chỉnh địa giới hành chính và dân số một số phường để phù hợp quy định nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường.
Quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần phường Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần phường Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân.
Tại 12 huyện (Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh) có 36 xã mới được sắp xếp từ 76 xã.
Không sắp xếp lại quận Hoàn Kiếm do yếu tố đặc thù
Hà Nội có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là quận Hoàn Kiếm. Nguyên nhân do quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố Hà Nội.
Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển; đảm bảo hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Nâng cao đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo theo tinh thần chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ông Trần Đình Cảnh cũng cho biết, thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16 của Thành ủy Hà Nội với nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.
Cụ thể, thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh, thành phố Hà Nội đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào ngày 4/7/2023.
Bên cạnh đó, thành phố biết chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm cũng đã được thông qua vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm sẽ được thực hiện trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.
Với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, hiện thành phố đang triển khai công tác xây dựng đề án thành lập quận và các phường thuộc quận, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Theo báo cáo Thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hà Nội đã đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Thành ủy và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ban Pháp chế yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị thành phố, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và Nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố.
Chỉ đạo các sở, ngành liên quan của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện để cho nhân dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, chuyển đổi các giấy tờ cho cá nhân, tổ chức.