Vì sao giá vàng bất ngờ tăng mạnh?

Cùng với nhu cầu mua vàng dự trữ của nhiều nền kinh tế lớn, nỗi lo suy thoái kinh tế và lạm phát là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với vàng và đẩy giá vàng đi lên.

Nhu cầu dự trữ vàng tăng cao

Trên thị trường thế giới giá vàng tăng nhiều phiên liên tiếp. Cụ thể, cuối giờ chiều nay 8/9 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco niêm yết ở mức 1.928 USD/ounce. Trước đó, giá vàng có lúc lập đỉnh 1.949 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 4/2022 đến nay.

Giá vàng đang leo thang (Ảnh minh họa: KT)

Giá vàng đang leo thang (Ảnh minh họa: KT)

Các nhà phân tích cho rằng, nỗi lo suy thoái kinh tế và lạm phát là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với vàng. Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn cũng đang thúc đẩy mua vàng dự trữ. Đà tăng mới của vàng xuất hiện khi lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD tiếp tục giao dịch ở mức thấp. Chỉ số US Dollar Index tiếp tục dao động ở mức thấp nhất trong 7 tháng ở quanh mốc 102 điểm.

Đơn cử như ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc, nhu cầu vàng đang tăng khi ngân hàng trung ương nước này bổ sung thêm kim loại quý vào dự trữ ngoại hối tháng thứ 10 liên tiếp.

Theo dữ liệu dự trữ ngoại hối cập nhật, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua 29 tấn vàng trong tháng 8, nâng lượng mua từ đầu năm lên 155 tấn. Dữ liệu tháng trước cũng là đợt mua lớn nhất của ngân hàng này kể từ tháng 12 năm ngoái. PBOC hiện là ngân hàng trung ương dẫn đầu thị trường vàng.

Nhiều nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì nước này củng cố uy tín quốc tế của đồng nhân dân tệ để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ với tư cách là tiền tệ dự trữ thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Chantelle Schieven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Capitalight Research, cho biết, Trung Quốc sẽ vẫn là nước mua vàng dài hạn như một phần của xu hướng phi đô la hóa.

Giá vàng tiến sát mốc 69 triệu đồng/lượng

Còn tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC tăng mạnh trong mấy phiên giao dịch gần đây, hiện đã tiến sát mốc 69 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới đi lên.

Cuối giờ chiều 8/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào 68,2 triệu đồng/lượng, bán ra 68,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tập đoàn DOJI đẩy giá vàng SJC lên sát mốc 69 triệu đồng/lượng, quanh 68,15 triệu đồng/lượng mua vào, 68,95 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là mức tăng cao nhất của giá vàng trong những ngày qua. Đồng thời, biến động này cũng giúp vàng SJC đang ở vùng cao nhất trong năm 2023, vượt cả vùng giá cao của dịp Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng vừa qua).

Lý giải cho đà tăng giá bất ngờ này của vàng SJC, một số chuyên gia và doanh nghiệp vàng cho biết sức mua vàng SJC có tăng nhưng không đột biến. Có điều, nguồn cung vàng SJC khan hiếm nên chỉ cần sức mua cao hơn sẽ khiến giá vàng tăng mạnh.

Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, cho rằng giá vàng SJC tăng chủ yếu do tâm lý, sức mua không mạnh nhưng không ai bán ra nên đẩy giá vàng miếng lên cao. Trên thị trường quốc tế, nỗi lo lạm phát ở nhiều nước khiến nhu cầu mua vàng dự trữ tăng. Như Nhật Bản, thống kê cho thấy một bộ phận người dân chuyển sang mua vàng để tích trữ và đầu tư dài hạn.

Theo số liệu mới cập nhật của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 8/2023 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 3,93% so với tháng 12/2022; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 1,54%.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/gia-vang/vi-sao-gia-vang-bat-ngo-tang-manh-post1044622.vov