Vì sao F-35 vẫn là máy bay chiến đấu kém thành công nhất?

Lầu Năm Góc vừa xác định thêm các vấn đề trong hoạt động của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning liên quan đến thân máy bay, mất kiểm soát và thiết bị điện tử hay bị hỏng hóc.

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. (Nguồn: Sputnik)

Lỗi mới nhất được phát hiện liên quan đến phần mềm theo dõi độ hao mòn và tình trạng các bộ phận máy bay.

Đánh giá này của phía quân đội Mỹ có thể khiến hãng sản xuất Lockheed Martin thiệt hại hàng chục triệu USD.

Một vụ kiện tụng giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và nhà sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning bắt đầu từ vài tháng trước. Quân đội Mỹ đang đòi nhà sản xuất bồi thường hơn 70 triệu USD cho việc phần mềm Nhật ký Thiết bị Điện tử (EEL) hoạt động không chính xác.

Phần mềm này sẽ cung cấp các báo cáo về lỗi và hỏng hóc trong các hệ thống trên bo mạch, cũng như theo dõi tình trạng và tuổi thọ các bộ phận F-35. Phần mềm này ghi lại lịch sử của mọi linh kiện từ thời điểm nó được lắp đặt trên máy bay cho đến khi vứt bỏ. Người ta cho rằng cách tiếp cận này sẽ giúp phát triển các phương pháp bảo dưỡng tiết kiệm hơn cho máy bay chiến đấu mới nhất.

Nhưng gần đây người ta được biết máy tính đã mô tả sai con số của 15 nghìn phụ tùng thay thế mà Không quân Hoa Kỳ nhận được. Phải mất rất nhiều tiền và thời gian để kiểm tra lại tất cả các chi tiết và tạo ra bản sao điện tử. Thực tế là, theo quy định, các thành phần có thể được sử dụng trên máy bay hoặc chỉ được gửi đến kho sau khi đã lập danh mục.

Các nhà phát triển thiết bị điện tử cố gắng đẩy trách nhiệm cho quân đội, cáo buộc họ sử dụng sai mục đích.

Lầu Năm Góc nói vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Đặc biệt, họ chỉ trích hệ thống tự chẩn đoán chính của máy bay chiến đấu (còn gọi là Hệ thống thông tin hậu cần tự động ALIS), trong đó phần mềm EEL là một phần không thể thiếu.

Những khó khăn với chương trình ALIS đã nảy sinh ngay lập tức trên những phiên bản F-35B đầu tiên hoạt động trên đường băng cất hạ cánh ngắn. Theo các nhà phân tích, một hệ thống phức tạp như vậy khó có thể nhanh chóng được hoàn thiện.

Hiện tại, Lầu Năm Góc khuyến nghị quân đội nên tự mình giải quyết các trục trặc của quá trình tự động hóa hoặc thực hiện một số hoạt động theo cách thủ công.

Phi công bị ảnh hưởng

Điều này không phải là nhược điểm duy nhất của máy bay chiến đấu mới nhất, vốn được cho là sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của Không quân Mỹ. Hơn nữa, nhiều tính toán sai lầm của các kỹ sư vẫn chưa được sửa chữa. Theo các báo cáo của Lầu Năm Góc, điều này gây ra rủi ro thậm chí đối với tính mạng và sức khỏe của các phi công và nói chung, gây nghi ngờ về khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Có rất nhiều vấn đề liên quan đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning đến mức chúng được chia thành nhiều loại và đánh số. Quan trọng nhất là số 13. Ví dụ, áp suất đột ngột tăng lên trong buồng lái, do đó phi công có thể bị chấn thương sọ não trong chuyến bay. Các phi công bị đau dữ dội ở tai và xoang. Ít nhất 2 sự cố như vậy đã được biết đến. Lockheed Martin nói giải pháp đã được tìm thấy. Các nhà phát triển hứa sẽ cải tiến hệ thống kiểm soát áp suất cabin.

Lầu Năm Góc cũng rất lo ngại về hệ thống phóng ghế cứu nạn phi công - các cuộc thử nghiệm cho thấy phi công có thể dễ dàng bị gãy đốt sống cổ nếu anh ta nặng dưới 60 kg.

Một vấn đề đau đầu khác đối với Không quân Mỹ là sự bất ổn của F-35 sau khi thực hiện một số thao tác trên không, cụ thể là hoạt động tránh tên lửa. Khi F-35 bay với góc tấn lớn hơn 20 độ, khả năng cao là mất quyền điều khiển máy bay. Theo các phi công, máy bay trở nên rất bất ổn và khó đoán. Có giả thiết cho rằng đây là kết quả của lỗi và trục trặc trong phần mềm cần phải sửa đổi gấp, nếu không sẽ không thể vận hành F-35 ở các chế độ mức tối đa.

Các chuyên gia đồng ý với nhau rằng vấn đề lớn nhất trong phiên bản F-35B là khả năng cất hạ cánh thẳng đứng. Khi hạ cánh ở nhiệt độ 30 độ, động cơ thường không thể đối phó với tải trọng và không cung cấp đủ lực đẩy để hạ cánh an toàn. Các phi công phải ném máy bay của họ xuống đường băng hoặc boong tàu theo đúng nghĩa đen. Người ta ước tính điều này sẽ dẫn đến việc phá hủy hoàn toàn thân máy bay và thậm chí là một vụ nổ.

Không quân Mỹ đã mất một số máy bay hạm tàu. Đặc biệt, năm 2018, một chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến đã bị rơi ở Nam Carolina. Mới đây, một chiếc máy bay cùng loại va chạm trên không với một máy bay tiếp dầu - máy bay chiến đấu rơi xuống đất, nhưng máy bay tiếp dầu vẫn hạ cánh được.

Sản phẩm "lỗi"?

Tính toán sai lầm quan trọng nhất của các nhà thiết kế Mỹ là thân máy bay quá yếu của F-35. "Tia chớp" này không thể bay siêu âm trong thời gian dài vì có nguy cơ bị phá hủy. Ở tải trọng cao, máy bay chiến đấu bị vỡ ăng ten, lớp vỏ và phần đuôi.

Lầu Năm Góc không vội vã sửa chữa thiếu sót, bởi vì việc này sẽ đòi hỏi những khoản tiền khổng lồ và thiết kế lại hoàn toàn cấu trúc. Các phi công được khuyến cáo giảm thời lượng của chuyến bay tốc độ cao xuống mức tối thiểu. Tức là, buộc phải thay đổi triệt để chiến thuật sử dụng F-35 và từ bỏ ưu điểm chính — đánh chặn mục tiêu trên không ở vận tốc siêu thanh.

Và tất cả những điều này chỉ là một phần nhỏ trong những thiếu sót của một trong những dự án quân sự tốn kém nhất trong lịch sử. Chi phí của chương trình này đang lên tới 1500 tỷ USD. Đồng thời, phần lớn kinh phí được phân bổ cho việc bảo trì máy móc. Các chuyên gia cho rằng F-35 sẽ tiếp tục hút tiền ra khỏi ngân sách Mỹ, chủ yếu là vì cần phải được cải thiện liên tục.

Theo kế hoạch, tổng cộng Lockheed Martin sẽ lắp ráp khoảng 2500 máy bay loại này cho Không quân Mỹ và các đồng minh.

Lô hàng máy bay "tàng hình" lớn nhất - khoảng 140 chiếc sẽ được giao cho Vương quốc Anh, 100 chiếc cho Nhật Bản và Australia. Hàn Quốc đã ký hợp đồng cho 60 máy bay chiến đấu, hàng chục chiếc F-35 sẽ được Na Uy, Israel, Ba Lan và các nước châu Âu khác vận hành.

(theo Sputnik)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-f-35-van-la-may-bay-chien-dau-kem-thanh-cong-nhat-126024.html