Vì sao cần luật hóa quy định thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô?

Tại kỳ họp Quốc hội tới đây, dự kiến dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông sẽ được thông qua, trong đó có nội dung quan trọng nhằm bảo vệ trẻ giảm thương vong nếu xảy ra tai nạn giao thông. Đó là quy định thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô.

Khoảng trống pháp luật

Gần 3 tháng trôi qua nhưng người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước nỗi đau của gia đình anh Phan Đình Q (trú tại Thanh Hóa) sau vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo các chuyên gia, nếu trẻ được bảo vệ bởi các thiết bị an toàn phù hợp khi đi ô tô, nếu xảy ra va chạm sẽ giảm thiểu rủi ro về thương vong.

Khoảng 10h sáng 18/2, xe ô tô con BKS 36A - 485.67 của gia đình anh Q do ông Phan Đình K (SN 1969, chú anh Q) điều khiển, trong lúc vượt ẩu đã xảy ra va chạm với xe container BKS 63C-136.59 lưu thông cùng chiều và ô tô chở hàng BKS 63H - 005.68.

Cú va chạm mạnh khiến ô tô con bay qua hộ lan cao 80 cm, rơi xuống vệ đường, làm cháu Phan Đ.Q (8 tuổi, con trai anh Q) tử vong tại hiện trường, chị Lê Thị H (15 tuổi) và cháu Phan Lê K.V (vợ và con gái anh Q) tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu. Anh Q và ông K bị thương.

Thời điểm xảy ra tai nạn, anh Q và ông K ngồi ghế trước, thắt dây an toàn. Chị H và hai con ngồi ghế sau, không thắt dây an toàn, cháu Q không có thiết bị an toàn trên ô tô phù hợp với trẻ em.

Tại Nam Định, ngày 14/7/2023, ô tô 4 chỗ di chuyển từ TP Nam Định về xã Hợp Hưng đã va chạm với xe tải. Trên ô tô lúc này có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Cú va chạm mạnh khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong.

Đây chỉ là hai trong nhiều vụ tai nạn giao thông cho thấy các rủi ro dẫn tới thương tích với trẻ em trên xe ô tô đang diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, các thiệt hại trên hoàn toàn có thể phòng tránh và giảm thiểu nếu trẻ được bảo vệ bởi các thiết bị an toàn phù hợp khi đi trên ô tô.

PGS.TS. Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, các thiết bị này bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (cho trẻ dưới 2 tuổi); ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2-6 tuổi) và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6-10 tuổi).

Báo cáo của Hiệp Hội An toàn giao thông Đường bộ Toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34% - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Với trẻ sơ sinh (dưới 2 tuổi), dùng ghế nôi hướng về phía sau xe giảm rủi ro tử vong hoặc chấn thương nặng tới 90% (so với trẻ không có thiết bị an toàn). Việc đặt nôi hướng về sau xe cũng giảm rủi ro gặp chấn thương nặng/tử vong xuống 5 lần so với đặt hướng về phía trước.

Ngoài ra, báo cáo chuyên sâu về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô của WHO cũng cho thấy: Thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng.

"Tại Việt Nam hiện nay chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là một khoảng trống về pháp luật cần được sớm bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới để bảo vệ trẻ em tốt hơn", TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận.

Khuyến cáo của WHO là ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cá nhân với trẻ cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi.

Sửa luật, giảm thương vong do TNGT cho trẻ trên ô tô

Hiện nay trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đã đề xuất quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải hướng dẫn, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Việt Cường, trong bối cảnh ô tô gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao, nên quy định rõ việc cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế) và trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em.

Ông Cường cho biết, căn cứ vào cân nặng và chiều cao của trẻ, chiều cao dưới 135 cm của phần lớn trẻ em Việt Nam sẽ tương đương độ tuổi dưới 10 tuổi.

Khuyến cáo của WHO là ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cá nhân với trẻ cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi.

Theo Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu WHO đến nay, đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Trong khu vực ASEAN, có khá nhiều quốc gia áp dụng quy định này, trong đó, Singapore (thông qua năm 2011) quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân cho trẻ dưới 135 cm ; Malaysia (thông qua năm 2020) quy định bắt buộc với trẻ dưới 136 cm và dưới 12 tuổi ; Philippines (thông qua năm 2019) quy định bắt buộc với trẻ dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm; Campuchia và Lào cũng đã có yêu cầu.

Ở các quốc gia khác như Đức cũng quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân cho trẻ dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm, Singapore áp dụng cho trẻ dưới 135 cm, Pháp quy định với trẻ dưới 10 tuổi,…

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Việt Cường đã thực hiện đánh giá tác động của việc bổ sung sửa đổi quy định, cho thấy người dân phản ứng rất tích cực với đề xuất này. Hiện nay mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2020 - 2023, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.

Về tính khả thi, PGS.TS Cường cho rằng, quy định về tuổi bảo đảm tính dễ thực thi và mang tính giáo dục cao (do bố mẹ luôn biết tuổi con), chọn mức 10 tuổi là mức tiên tiến trên thế giới. Lực lượng chức năng có thể dùng cơ sở dữ liệu quốc gia để xác định độ tuổi trong trường hợp cần xác minh.

Đề xuất chỉ quy định với xe con cá nhân, theo ông Cường là hợp lý, vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ, người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này.

Đối với các loại xe vận tải công cộng, khuyến khích nhưng không bắt buộc vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, và có thể gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em.

Tuy nhiên, có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ ở độ tuổi này.

Về mặt kinh tế, báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, chi phí một thiết bị an toàn dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/thiết bị, tương đương với 0,5% so với chi phí mua xe ô tô con tầm trung trên thị trường.

"Đây là mức mà phần lớn người sở hữu ô tô sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng chi trả dễ dàng. Thiết bị có thể điều chỉnh suốt quãng thời gian 1-10 tuổi bởi vậy chi phí đầu tư chỉ có một lần. Dịch vụ cho thuê thiết bị có thể giải quyết được lo ngại với những gia đình con đã gần 10 tuổi và không muốn đầu tư một thiết bị mới", ông Cường nhìn nhận.

Cũng theo ông Cường, thống kê có khoảng 1.800 - 2.000 vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em.

Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400 - 500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam

Đặc biệt, quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng.

Vì sao dây an toàn trên xe không đủ để bảo vệ trẻ?

Theo nghiên cứu của WHO, dây an toàn trên xe ô tô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với hành khách trên xe. Tuy nhiên dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành.

Trong trường hợp trẻ em còn nhỏ, dây an toàn không giữ được cơ thể trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ em bị chấn thương bởi chính dây an toàn.

Một nghiên cứu công phu của Klinich và các đồng nghiệp, sử dụng dữ liệu từ Hệ thống đăng ký các vụ va chạm giao thông của Mỹ (NASS) từ năm 1988 đến năm 1991, cho thấy kích thước tối thiểu để một đứa trẻ sử dụng dây an toàn ba điểm của người lớn là: chiều cao đứng 148cm; chiều cao ngồi 74cm và cân nặng 37kg.

Klinich và các đồng nghiệp kết luận rằng cân nặng ít quan trọng hơn chiều cao; và trẻ em ở mọi lứa tuổi cần đạt chiều cao 148cm để sử dụng dây an toàn tiêu chuẩn trên ô tô. Điều đó đồng nghĩa với việc dưới 148 cm, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn phù hợp trên ô tô.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/vi-sao-can-luat-hoa-quy-dinh-thiet-bi-an-toan-cho-tre-tren-o-to-192240509170417788.htm