Vì sao bất động sản công nghiệp liên tục duy trì vị thế 'ngôi sao'?

Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức.

Liên tục duy trì vị thế dẫn đầu

Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong những năm gần đây, với nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu,.. BĐS công nghiệp nổi lên, liên tục duy trì là phân khúc dẫn đầu trong thị trường bất động sản Việt Nam.

Sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, cải thiện cơ sở hạ tầng, và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

Theo đó, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, môi trường chính trị ổn định, chi phí lao động cạnh tranh, và các chính sách ưu đãi thuế, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu BĐS công nghiệp tại Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu

Bất động sản công nghiệp duy trì vị thế dẫn đầu

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, tính đến hết quý 1/2024, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn hecta.

Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn hecta. Bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu

Các KCN, KKT đã thu hút trên 10.400 dự án đầu tư trong nước và trên 11.200 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng trên 2,54 triệu tỉ đồng và 231 tỉ USD. Vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước trong những năm gần đây.

Tính đến năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp; tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các KCN đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía nam đạt 92%.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp

Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,15 triệu lao động trực tiếp

Ngoài ra, nhu cầu ở mức cao và đang trong xu hướng tăng đẩy giá thuê đất khu công nghiệp lên cao, với mức tăng ổn định từ 8-12% theo năm. Khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất với giá thuê KCN trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê.

"Ngôi sao đang lên" của khu vực Đông Nam Á

VARS cho rằng thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, sự phát triển của ngành logistics sẽ kéo theo nhu cầu về kho bãi và trung tâm logistics gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. Các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước cũng đã và đang tích cực mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động tại Việt Nam.

Các "ông lớn" BĐS công nghiệp cũng đã nhanh chóng đón đầu cơ hội bằng cách nghiên cứu phát triển các KCN hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tự động hóa vào sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp

Quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp

Các khu công nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, cũng đang được khuyến khích. Các khu công nghiệp này không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tìm kiếm sự bền vững trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng. Với lực lượng lao động trẻ, đông đảo và chi phí cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp bứt phá, phát triển nhanh. Khi thực tế cho thấy, tất cả các nước công nghiệp mới NICs (con rồng châu Á) đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng.

Không ít thách thức

Tuy vậy, theo VARS, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức.

Theo đó, các khu vực kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất công nghiệp do tình trạng đô thị hóa nhanh chóng và sự cạnh tranh cao về đất đai. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của các KCN.

Chính sách và thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, mất thời gian, và chi phí, gây khó khăn cho các nhà đầu tư; các chính sách liên quan đến đầu tư và phát triển KCN đôi khi thiếu nhất quán và thay đổi đột ngột, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch dài hạn.

Còn nhiều thách thức trong phát triển khu công nghiệp

Còn nhiều thách thức trong phát triển khu công nghiệp

Hạn chế nữa là thiếu hụt lao động trình độ cao, việc quản lý môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các KCN cũ và các khu vực phát triển nhanh; sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực có các chính sách ưu đãi và hạ tầng phát triển tốt như Thái Lan, Indonesia, và Malaysia; rủi ro đầu tư khi chi phí đất đai và xây dựng tăng cao, đặc biệt là chi phí tạo lập quỹ đất khi Luật Đất đai mới chính thức có hiệu lực…

Do đó, theo VARS, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics, và các tiện ích công nghiệp để hỗ trợ sự phát triển của các KCN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

VARS cũng cho rằng cần thiết đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và tự động hóa, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng 15 năm còn lại của thời kỳ dân số vàng.

Thêm nữa, cần thực hiện các biện pháp quản lý môi trường chặt chẽ hơn, phát triển các khu công nghiệp sinh thái để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; tạo ra các chính sách ưu đãi hấp dẫn và ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi và áp dụng các mô hình phát triển thành công.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-bat-dong-san-cong-nghiep-lien-tuc-duy-tri-vi-the-ngoi-sao-217647.html