Vị doanh nhân nuôi chí khi 'nghiến ngấu' sách về các nhà tài phiệt

Đồng sáng lập đế chế Burger King say sưa đọc sách về những câu chuyện nước Mỹ gây dựng khối tài sản khổng lồ từ niên thiếu.

Tôi rất thích đọc những cuốn sách viết về những năm 1800, thời điểm những khối tài sản khổng lồ ban đầu của nước Mỹ được gây dựng. Những câu truyện của Horatio Alger1 được rất nhiều người tìm đọc trong giai đoạn diễn ra cuộc suy thoái và trong những năm 1940, cá nhân tôi rất thích đọc những cuốn sách này và say sưa với những câu chuyện thành công trong đó.

Những cuốn sách viết về Vanderbilt, Astor, Jay Gould, E. H. Harriman, James J. Hill, Rockefeller, và Flagler khiến tôi say mê. Tôi đặc biệt thích đọc những cuốn sách viết về Phố Wall, lĩnh vực tài chính, các hoạt động xây dựng các tuyến đường sắt, và các công ty lớn trong lĩnh vực công nghiệp.

Tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về những “doanh nhân tướng cướp”2 và về những khối tài sản khổng lồ được tạo nên bởi những nhân vật như J. P. Morgan, Henry Ford, Andrew Carnegie, và nhiều người khác. Câu trả lời nằm trong những cuốn sách, và tôi đọc rất nhiều cuốn sách như vậy.

Sau khi rời trường Mount Hermon và lên đại học, mục tiêu sự nghiệp mà tôi đặt ra cho mình là xây dựng một sự nghiệp kinh doanh thành công, qua đó kiếm tiền để làm giàu.

Một số người có thể sẽ nói rằng làm giàu là một việc làm sai trái. Một số người cho rằng người ta sở dĩ phất lên được là vì sẵn sàng đạp lên những người khác. Dĩ nhiên, quan điểm đó không đúng, nhưng thật khó mà thuyết phục được mọi người về vấn đề này.

Thực tế đáng tiếc ở đây là có quá nhiều doanh nhân tham lam và thiếu trung thực luôn tìm cách lợi dụng những tình huống giúp họ kiếm được tiền về túi bất chấp những tổn thất mà người khác phải hứng chịu. Không có cách nào có thể kiểm soát một cách hiệu quả và triệt để những trường hợp như thế này trong một xã hội dân chủ và tự do.

Doanh nhân Jim McLamore. Ảnh: Flame.

Tôi vẫn tin rằng việc theo đuổi thành công trên thương trường và việc tích lũy tài sản đi kèm với nó là một mục tiêu cá nhân có giá trị và đáng trân trọng. Nhưng cách xử lý khối tài sản mới gây dựng được lại là một vấn đề khác hẳn. Khi bản thân việc tích lũy tài sản trở thành một mục tiêu độc lập và là nỗi ám ảnh thường trực, nó có thể lại trở thành rào cản thành công, thường khiến cho con người ta khổ sở và mất đi những giá trị sống tốt đẹp.

Tôi đã chứng kiến không ít người rơi vào tình huống này. Rắc rối thường bắt đầu từ việc đặt ra những mối ưu tiên sai lầm và tập trung thái quá vào bản thân trong khi lẽ ra chúng ta nên tham gia vào những hoạt động giúp làm giàu thêm cho cuộc sống của những người khác.

Tôi may mắn có được những mục tiêu dài hạn đó trong đầu ngay từ khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Mong muốn của tôi là tìm được một trường đại học có mức học phí phải chăng và có chương trình học phù hợp có thể hỗ trợ tôi khởi dựng sự nghiệp riêng trong thế giới kinh doanh. Tôi quyết định chọn Đại học Cornell, sau đó hỏi họ có những chương trình đào tạo kinh doanh gì và được cho biết rằng khoa duy nhất trong Cornell có khóa đào tạo kinh doanh là Khoa Quản trị Khách sạn. Tôi nộp hồ sơ đăng ký ứng tuyển và được duyệt.

Trong buổi lễ tốt nghiệp trường Mount Hermon, tôi đứng lên đọc bài diễn văn trên cương vị chủ tịch hội đồng học sinh, và sau đó 149 người bạn cùng khóa và cùng lớp với tôi được trao bằng tốt nghiệp. Một giai đoạn cũ đã khép lại, một giai đoạn mới mở ra. Tôi đang bước những bước tiếp theo trên hành trình của mình, trong đầu đã hình dung rõ về đích đến.

James W. McLamore/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-doanh-nhan-nuoi-chi-khi-nghien-ngau-sach-ve-cac-nha-tai-phiet-post1456323.html