Vẹn nguyên cảm xúc ngày Giải phóng

Những người dân Hà Nội từng chứng kiến không khí hào hùng năm đoàn quân tiến về Thủ đô vào ngày 10/10/1954 nay cũng đã ở tuổi ngoài thất tuần. Nhưng với họ, khí thế hừng hực của đoàn quân chiến thắng, của rừng cờ hoa cách đây 69 năm vẫn còn vẹn nguyên.

'Tự hào lắm... có người vừa vẫy hoa, vừa khóc...', đó là cảm xúc của bà Hoàng Lan Hương, sống tại phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm Hà Nội, khi nhắc nhớ về ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954.

'Khi đó, tôi mới học tiểu học, 11-12 tuổi. Chạy ra phố thấy các bà, các mẹ, các anh chị đứng dọc phố vẫy chào các chú bộ đội. Trang nghiêm và hùng dũng vô cùng. Đi qua nhà tôi đây, dẫn đầu là một khẩu pháo...', bà Hoàng Lan Hương kể lại.

Khẩu 'pháo' dẫn đầu vào ngày 10/10/1954 đi qua khu phố hàng Đào mà bà Hoàng Lan Hương kể

16 giờ ngày 09/10/1954, những tên lính thực dân cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Sáng 10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiến vào nội thành Hà Nội.

Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ, hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp quản Thủ đô.

Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía tây xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa). Đó là những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” trở về với thành phố quê hương - nơi sinh ra trung đoàn.

Đoàn đi qua Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.

Một cách quân chiến thắng tiến vào Thủ đô đi qua phố Hàng Đào ngày 10/10/1954

Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại vào đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị).

Riêng đoàn chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng sang ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.

Các đơn vị bộ đội ta đi đến đâu, gương mặt thành phố biến đổi đến đó. Cờ Tổ quốc tung bay dưới nắng Thu. Nhân dân ùa ra hai bên đường, phất cờ, tung mũ, reo mừng, ca hát, tặng hoa bộ đội. Cổng chào, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ các đường phố, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên các số nhà.

Vợ chồng ông Lê Sửu và bà Hoàng Lan Hương kể lại khoảnh khắc tự hào của người Hà Nội vào ngày Giải phóng

'Lạ lắm... ngày hôm trước không có thông tin gì, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Sáng ngày hôm sau 10/10, phố phường có phần vắng vẻ hơn thường nhật. Rồi khi đoàn quân chiến thắng đi qua, mọi người từ khắp mọi nẻo đường, con ngõ ùa ra chào đón... lúc đó tôi 17 tuổi, ở ngay tại phố Hàng Đào này, cũng chạy ra theo... Và cũng đến lúc đó tôi mới nhận ra, tất cả mọi người đều biết đoàn quân giải phóng Thủ đô sẽ tiến vào Hà Nội sáng 10/10. Các tổ chức đoàn thể đã sẵn sàng chuẩn bị sự chào đón này bằng niềm hân hoan, phấn khởi và lòng tự hào của người con Hà Nội. Đó là một ngày hội chiến thắng', ông Lê Sửu, chồng bà Hoàng Lan Hương vừa chia sẻ, vừa kể về bức ảnh mà tự tay ông chụp trên phố Hàng Đào cách đây 69 năm.

Ông Lê Sửu kể về bức ảnh do ông chụp vào ngày 10/10/1954

15 giờ ngày 10/10/1954, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.

Trong lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn.

Nhưng Bác cũng khẳng định: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh.”

Tất cả mọi người đều rưng rưng xúc động. Ngày 10/10/1954 đã trở thành một dấu ấn thật khó quên! Và với những người con Hà Nội đã từng chứng kiến thời khắc lịch sử của Thủ đô, của đất nước, họ vẫn mãi không thể nào quên hình ảnh đoàn quân tiến vào thành phố, mở ra một trang mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vn-nguyen-cam-xuc-ngay-giai-phong-196919.htm