Vẽ tranh kiếng - nghề mưu sinh lưu giữ ký ức trăm năm vùng Chợ Lớn

Đầu thế kỷ 20, từ người Hoa di cư, tranh kiếng đã xuất hiện và cung ứng cho nhu cầu trang trí, thờ tự của người dân vùng Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn. Tranh kiếng đã trở thành nét đẹp mang sắc màu tín ngưỡng hoặc đơn thuần là trang trí, tăng vẻ đẹp mỹ thuật cho nhà cửa, đình chùa, miếu mạo…

Hiện nay, dòng tranh này đã không còn phổ biến trong đời sống văn hóa tại Sài Gòn, TPHCM nhưng đâu đó vẫn còn nơi treo tranh kiếng như một tập tục truyền thống hoặc sưu tầm. Ở tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê, quận 5, TPHCM có lẽ là nơi cuối cùng còn có những thợ vẽ tranh kiếng thủ công ở vùng Chợ Lớn vào thế kỷ XXI này.

Năm nay hơn 85 tuổi, bà Trần Tiên là người hiếm hoi chứng kiến sự thăng trầm của dòng tranh kiếng thủ công của đất Chợ Lớn xưa. Tiệm tranh kiếng Vĩnh Huê là nơi gia đình bà không chỉ buôn bán mà còn lưu giữ ký ức về dòng tranh độc đáo này. Lần bước lau đi những mảng bụi từ những khung ảnh, trong bà là ký ức về người chồng quá cố - nghệ nhân Tôn Hà - người nghệ nhân cuối cùng vẽ tranh kiếng của vùng Chợ Lớn cùng thời kỳ thịnh vượng của dòng tranh đặc sắc này.

Theo nghề vẽ tranh kiếng ở tiệm Vĩnh Huê ngay từ thuở thiếu niên, ông Lưu Văn Quảng là một trong những người thợ còn còn bền bỉ với lối vẽ tranh kiếng thủ công này hàng chục năm nay.

Dù biết rằng nuôi nghề đã khó và giữ nghề, giữ nghệ thuật vẽ tranh kiếng thủ công này lại càng khó gấp bội phần nhưng bà Tiên cùng những hậu duệ của bà vẫn đang từng ngày duy trì như chính hơi thở, mạch ký ức trăm năm của văn hóa truyền đời từ dòng nghệ thuật đang dần mai một này. Vĩnh Huê nghĩa là điều tốt đẹp vĩnh cửu. Cái tên tiệm như ngụ ý cho giá trị còn mãi với thời gian của nghệ thuật vẽ tranh kiếng thủ công đặc biệt của đồng bào người Hoa vùng Chợ Lớn, TPHCM.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Việt Phong - Đỗ Khoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ve-tranh-kieng-nghe-muu-sinh-luu-giu-ky-uc-tram-nam-vung-cho-lon-242789.htm