Vật vờ chờ đợi ở bến xe đến nửa đêm để về quê ăn Tết

Lo ngại tình trạng kẹt xe vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Tết Ất Tỵ 2025, nhiều người mang theo cả vali đến nơi làm việc để kịp ra bến xe rời TPHCM tối 24/1.

Tối 24/1 (25 Tết), bên trong bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TPHCM) chật kín, người dân lỉnh kỉnh đồ đạc chờ đến giờ khởi hành về quê đón Tết.

Phạm Vy và các bạn kéo theo hơn 10 chiếc vali cùng 3 con mèo chờ xe về Gia Lai ăn Tết. Hôm nay cả nhóm đã mang sẵn vali đến công ty chờ hết giờ làm để ra bến xe chờ sẵn.

"Chúng mình tới trước giờ xe chạy 2 tiếng, ngồi chờ khá lâu, nhưng không sao vì sắp được được về quê rồi. Ngày Tết, tàu xe đông là chuyện bình thường", Vy vui vẻ nói. Trước đó, cả nhóm đã đặt vé từ sớm với 480.000 đồng/người, không tăng nhiều so với năm trước.

Chị Mận (làm công nhân tại quận Tân Phú) cùng em gái ngồi chờ mua vé để về KonTum. "Năm nay tôi được nghỉ việc sớm nên đã đặt vé về ngày 21/1 nhưng do em bé còn nhỏ lúc đó chưa được ra viện, hôm nay mới có thể về quê", chị nói.

Mặc dù đã "chia lửa" với bến xe Miền Đông mới, tại bến xe cũ vẫn đông đúc. Hành khách đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum... ra vào liên tục. Nhiều người chưa đặt vé từ trước phải chờ từ 2-3 tiếng mới có vé về quê.

Tại bến xe miền Tây (quận Bình Tân, TPHCM) tối 24/1, khu vực chờ lên xe cũng kín khách, mọi người vật vờ chờ xe xuất bến.

Mặc dù đã mua được vé xe về An Giang từ trước, Ngọc Trân (24 tuổi) vẫn có mặt ở bến xe sớm 2 tiếng. "Mình ở Củ Chi, khá xa bến xe nên mang theo vali đến chỗ làm, sau giờ tan ca tranh thủ thay đồ , bắt grab để đến đây. Mấy năm trước, mình về muộn rơi vào những ngày cao điểm kẹt xe, năm nay tình hình thông thoáng hơn", cô bạn chia sẻ.

Cũng như Vy, chị Nọc (quê Sóc Trăng) bắt xe buýt từ quận 7 đến bến xe miền Tây ngay sau giờ tan ca. "Tôi chưa mua vé trước nên đến luôn bến xe để mua vé, thấy khung giờ gần nhất là 23h. Phải đợi nhiều tiếng nhưng nôn nóng về quê, hai mẹ con sẵn sàng đợi", chị Nọc tâm sự.

Nhóm bạn của Trân (quận Tân Bình) đã gửi trước hành lý về quê để chủ động thời gian. Trên đường ra bến xe, cô bạn kịp mua hoa mang về làm quà cho mẹ. "22h xe chạy nhưng chúng tôi đã có mặt từ 20h, chỉ sợ đến muộn do kẹt xe, tắc đường", Trân chia sẻ.

Nhân viên một nhà xe về Kiên Giang vận chuyển hành lý của khách để cho vào cốp trước khi khởi hành. "Những ngày Tết, chúng tôi làm việc liên tục, nhà xe tăng thêm chuyến, đảm bảo đủ phương tiện cho khách về quê", người đàn ông nói.

Gần 22h ngày 25 Tết, quầy vé các hãng xe đi miền Tây vẫn đông khách ra vào liên tục.

Mặc dù chưa phải là ngày nghỉ đầu tiên, nhiều người vẫn chấp nhận cảnh vật vờ ở bến xe lúc nửa đêm để được về quê đón Tết sớm.

Đại diện Bến xe miền Tây cho biết, ngày cao điểm dự báo rơi vào 27, 28 và ngày 29 Tết. Trong đó cao điểm nhất là ngày 27 Tết (26/1). Dự báo lượng hành khách qua bến có thể đạt 62.500 người, so với ngày thường tăng khoảng 200%.

Đào Phương

Nguyễn Huế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vat-vo-cho-doi-o-ben-xe-den-nua-dem-de-ve-que-an-tet-2366520.html