Văn Miếu - Quốc Tử Giám biểu tượng văn hóa Việt Nam
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam, là di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, nơi chứa đựng những giá trị tinh hoa văn hóa, giáo dục của những giai đoạn lịch sử phong kiến và lưu giữ những giá trị truyền thống của đất nước.
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử, Chu Công và các nhà hiền triết Nho giáo khác. Ngoài việc thờ phụng, Văn Miếu còn là nơi dạy học cho thái tử Lý Càn Đức (sau này là vua Lý Nhân Tông, con trai của vua Lý Thánh Tông). Năm 1076, nhà vua cho xây dựng thêm Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để dạy học cho các thái tử và con cái của quan lại trong triều đình. Đến năm 1253, vua Trần Thái Tông cho phép các sĩ tử tài giỏi trên cả nước đến đây để học.
Đến đời vua Trần Nhân Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng). Khi ông mất, vua cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 1484, Bia Tiến Sĩ được xây dựng để khắc tên những vị tiến sĩ đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai khu chính là Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu là khu vực thờ các bậc tiên thánh và Khổng Tử (551 - 479 TCN) một bậc hiền triết, Tiên sư của đạo Nho Trung Quốc. Quốc Tử Giám là trường học quốc gia đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là nơi thờ Chu Văn An người thầy giáo tiêu biểu, mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ được coi là Bảo vật Quốc gia. Đây được xem là một trong những di sản văn hóa vô cùng quý giá, là những tư liệu bằng đá của cha ông để lại. 82 tấm bia Tiến sĩ được chia đều hai bên, mỗi bên 41 tấm bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang Tỉnh. 82 bia đá tương ứng với 82 khoa thi (tính từ năm 1484 đến 1780). Đây là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam ghi danh các vị đỗ đại khoa trong mỗi kỳ thi. Mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật, được thực hiện bởi bàn tay, khối óc của những người thợ tài hoa trong suốt thời gian gần 300 năm. Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, ngày 27/7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Ngày nay, trong mỗi hành trình tìm hiểu về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là địa chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi vinh danh, khen tặng cho học sinh xuất sắc. Đặc biệt, nơi đây còn được vinh dự giới thiệu với các nguyên thủ quốc gia mỗi khi tới thăm Việt Nam.
Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa 3D cho toàn bộ di tích, nhất là những hạng mục quan trọng của di tích, những hiện vật, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ và cả những giá trị phi vật thể, những tài liệu nghiên cứu liên quan, những tác phẩm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám... mỗi khu vực đều có những câu chuyện gắn với tinh thần hiếu học của người Việt. Những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của nước ta được tái hiện qua công nghệ Leap Motion (điều khiển chuyển động 3D) hấp dẫn hơn khi du khách được sử dụng cảm ứng bằng tay để khám phá nội dung tại khu Văn Miếu.
Tại sân Bái đường - khu trưng bày Quốc Tử Giám, du khách được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo rất mới lạ. Còn toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường tại sân Thái học được trình chiếu 3D mapping theo chủ đề "Tinh hoa đạo học". Nơi đây tái hiện lại con đường đạo học thời xưa đến nay giúp du khách cảm nhận và nắm bắt được những giá trị tinh túy, cô đọng nhất của đạo học Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa là nơi đào tạo và biểu dương nhân tài của đất nước, nay là một khu di tích lịch sử - văn hóa lớn nhất ở trung tâm Thủ đô, biểu trưng cho tiến trình văn hóa Việt Nam, với những hoạt động văn hóa, khoa học năng động, đang góp phần to lớn vào công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho Thủ đô xứng đáng là viên ngọc "Ngàn năm văn hiến" của đất nước.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/van-mieu-quoc-tu-giam-bieu-tuong-van-hoa-viet-nam-3173692.html