Vẫn 'khát' nhân lực chất lượng cao

Việc gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng tìm kiếm việc làm mà còn giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn lao động có chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất... Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn 'khát' nhân lực chất lượng cao.

Vẫn thiếu khoảng trống nhân lực dẫu “cung- cầu” gắn kết

Thông tin trên được chia sẻ tại “Ngày hội gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2024", do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan vừa tổ chức mới đây.

Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề tại Ngày hội gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2024

Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề tại Ngày hội gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2024

Theo Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương, việc gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, giữa đào tạo và việc làm nhằm giảm khoảng cách, và thực hiện hiệu quả mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giảm chi phí đào tạo lại, tăng năng lực cạnh tranh. “Đây là một giải pháp đột phá hữu hiệu để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện của giáo dục nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề”, bà Hương cho biết. Thông qua mối quan hệ gắn kết đó cũng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển toàn diện nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lê Phương - Phó Tổng Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần sản xuất và kinh doanh VinFast, cho biết tại thời điểm này các doanh nghiệp đang rất khát nhân lực cho quá trình phát triển công nghệ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết với các chương trình đào tạo của các trường để tạo ra đội ngũ có thể sử dụng được ngay. Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ, công nghiệp, ông Phương nói, VinFast thấu hiểu việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đã có những bứt phá mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã đầu tư hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại.

Theo ông Phương, từ thực tế đó, Công ty luôn không ngừng thu hút, tuyển dụng nhân sự, học viên để tham gia đào tạo, huấn luyện, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư ô tô hàng đầu thế giới. Điều này đã giúp đơn vị chủ động được nguồn lao động và nâng cao năng lực sản xuất.

Hiện mức độ tự động hóa tại các nhà máy của VinFast lên đến 90%, do đó, ông Phương cho biết từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và đào tạo với hàng nghìn học viên để đáp ứng cho quá trình này. “Thông qua việc đào tạo, chúng tôi không yêu cầu các bạn cam kết sau này phải làm việc cho VinFast mà còn mong muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành ô tô Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.

Chú trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhân lực chất lượng cao

Thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội cho thấy, hiện Thành phố có hơn 300 cơ sở có hoạt động GDNN. Năm qua, Thành phố đã tuyển sinh đào tạo cho 246.100 lượt người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,23%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,53%.

Đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã hợp tác với gần 1.000 lượt doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp; đặt hàng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, người lao động; hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở trong quá trình đào tạo…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình ở các trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, trong đó có xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao…Đáng nói là các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường ngày càng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và cho hiệu quả cao hơn.

Với những hiệu quả thấy rõ, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng nhiều giải pháp tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp, trong đó có việc thường niên tổ chức Hội nghị gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động. Năm 2024 là năm thứ 5 Ngày hội được tổ chức, có quy mô lớn nhất trong các lần tổ chức trước đây, với khoảng 11.000 người trực tiếp tham dự, bao gồm 54 cơ sở GDNN trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, trình diễn kỹ năng nghề tại 73 gian hàng.Khoảng 8.000 học sinh năm cuối cấp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh.

Ngày hội diễn ra các hoạt động chính gồm: Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; khởi động hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp năm 2024; trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ ô tô...Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 3.000 chỉ tiêu lao động.

Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, năm 2024, lĩnh vực GDNN, giải quyết việc làm của Thành phố đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 30.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000).Thành phố cũng phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%; giải quyết việc làm mới cho 165.000 lao động. Và Ngày hội gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động là một trong nhiều hoạt động do Sở LĐTBXH tổ chức để thực hiện các mục tiêu nói trên, cũng như hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng GDNN, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/van-khat-nhan-luc-chat-luong-cao-170719.html