Văn hóa, văn nghệ góp phần thu hút khách du lịch về với xứ Thanh

Hẳn mỗi người dân, du khách khi về với biển Sầm Sơn vào dịp khai mạc lễ hội du lịch biển, khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn ngày 27/4/2024 đều vô cùng ấn tượng với chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề 'Sầm Sơn - Rực rỡ sắc màu'. Chương trình góp phần đem đến sự thành công cho buổi lễ và là điểm nhấn mở màn cho chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, du lịch biển Sầm Sơn năm 2024.

Đội văn nghệ bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách về tham quan Pù Luông.

Đội văn nghệ bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách về tham quan Pù Luông.

Tại khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2024, chương trình nghệ thuật đã được những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trong và ngoài tỉnh thể hiện, ngợi ca những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời của Thanh Hóa nói chung, vùng biển Sầm Sơn nói riêng trên hành trình vươn tầm thành điểm đến du lịch bốn mùa. Đã có hàng vạn Nhân dân, du khách về dự. Không chỉ năm 2024 mà những năm trước đó, vào dịp khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn luôn là niềm háo hức, mong chờ của Nhân dân, du khách gần xa. Sức hút đó phải nhắc đến thành công của chương trình nghệ thuật luôn được dàn dựng công phu, khắc họa đậm nét một Sầm Sơn linh thiêng, mộng mơ, quyến rũ và năng động.

Không chỉ Sầm Sơn, mà Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Nghi Sơn)... cũng mở màn lễ hội du lịch biển hằng năm với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng về chương trình nghệ thuật và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần tạo nên sự đa dạng về các hoạt động du lịch, dịch vụ. Du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” mà còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, đặc sắc.

Ở miền biển là vậy, còn ở miền núi cao, biên giới lại thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là sự hấp dẫn từ những giá trị văn hóa tốt đẹp được đồng bào các dân tộc kiến tạo nên. Điểm nhấn trong hoạt động du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Thanh là các khu, điểm du lịch như bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa); bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa); Pù Luông (Bá Thước), bản Mạ (khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân). Du khách về với địa phương không chỉ được tham quan cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực địa phương, nét đặc sắc hơn đó chính là hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được trao truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng.

Có dịp về với bản Mạ, du khách thực sự thích thú bởi cảnh quan thiên nhiên sông nước, những nếp nhà sàn, cánh đồng lúa xanh mướt yên bình - đây là điểm nhấn cho những du khách yêu thích hoạt động trải nghiệm cộng đồng. Gia đình chị Hà Thị Tuyến, chủ của homestay Tuyến Tính là những hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở bản Mạ. Chị Tuyến cho biết: Bản Mạ mang vẻ đẹp nguyên sơ đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, các hộ dân trong bản cũng ý thức được việc giữ gìn các nét đẹp trong văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt tín ngưỡng và giữ gìn các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Thái. Bản đã thành lập đội văn nghệ truyền thống chuyên biểu diễn, giới thiệu đến du khách những bài múa hát truyền thống của dân tộc Thái như hội diễn khua luống, nhảy sạp, cồng chiêng, múa xòe, khặp Thái. Đội văn nghệ tổ chức thêm các trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách tham gia.

Cũng như gia đình chị Tuyến, gia đình chị Hà Thị Tuyệt, chủ homestay Mạnh Cường ở bản Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước) là những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở bản Báng. Chị Tuyệt cũng là thành viên đội văn nghệ của bản. Chị Tuyệt cho biết: Với lợi thế nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, cảnh quan thiên nhiên đẹp, người dân gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, Mường đã góp phần thu hút du khách về với Pù Luông. Đặc biệt, du khách là người nước ngoài quan tâm, thích thú khi được tham gia vào các buổi biểu diễn văn nghệ của bản. Chúng tôi tự hào vì được giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái thông qua biểu diễn văn hóa, văn nghệ đến với du khách.

Ông Hà Nam Khánh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước cho biết: UBND huyện Bá Thước đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu chung, phát triển du lịch trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi, tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước. Phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.

Được sự quan tâm và hỗ trợ của UBND tỉnh, các ban, sở, ngành của tỉnh, huyện Bá Thước đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son - Bá - Mười từ năm 2015, Khu du lịch Thác Hiêu năm 2018, Khu du lịch Thác Muốn năm 2020. Năm 2019, UBND huyện cũng đã phê duyệt Quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Đôn (xã Thành Lâm) và Bản Kho Mường (xã Thành Sơn). Khu du lịch sinh thái Pù Luông, điểm du lịch: bản Đôn (xã Thành Lâm), bản Kho Mường, bản Báng (xã Thành Sơn), thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Hiện nay, một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng phân khúc nghỉ dưỡng chất lượng, đạt chuẩn mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Bá Thước như: Khu nghỉ dưỡng Puluong Retreat, Puluong Ebino Spa and Resort, Puluong Casa, Puluong Bocbandy Retreat, Puluong Eco Garden, Puluong Natura... với doanh thu hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình homestay hộ gia đình cũng đã mang lại thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng điển hình như: Hộ gia đình ông Hà Văn Sĩ (bản Hiêu, xã Cổ Lũng), ông Hà Văn Giáp, Hà Văn Lịch, Hà Văn Thược (bản Đôn, xã Thành Lâm), ông Lò Văn Nam (bản Kho Mường, xã Thành Sơn)...

Thời gian qua, Bá Thước đã tập trung chỉ đạo, lựa chọn 2 bản (bản Đôn, xã Thành Lâm và bản Kho Mường, xã Thành Sơn) hỗ trợ làm điểm xây dựng bản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng và XDNTM. Cụ thể là lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn bản, mua trang âm, nhạc cụ dân tộc, khôi phục các nét đẹp văn hóa, các điệu khặp, múa sạp của người Thái, xường của người Mường, các ngành nghề truyền thống như làm rượu cần, mây tre đan, dệt thổ cẩm... Phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về du lịch, ngoại ngữ, ẩm thực, văn hóa văn nghệ. Thành lập các đội văn nghệ phục vụ cho các hoạt động văn hóa, chính trị của địa phương, đồng thời phục vụ khách du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, phù hợp với bản sắc văn hóa của địa phương.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa-van-nghe-gop-phan-thu-hut-khach-du-lich-ve-voi-xu-thanh-31094.htm