Văn hóa súng 2.0 của nước Mỹ

Các chuyên gia cho rằng văn hóa súng hiện tại của Mỹ là sản phẩm của lịch sử hình thành đất nước và sự quảng bá của các nhà sản xuất súng, đánh vào tâm lý sợ hãi tội phạm.

Những ngày sau khi 19 học sinh và hai giáo viên bị giết trong thảm kịch ở Texas, các cuộc tranh luận gay gắt lại một lần nữa bùng nổ, đặt câu hỏi cho việc từ đâu mà người Mỹ bị cuốn vào những cuộc thảm sát bằng súng kinh hoàng với tần suất đáng kể.

Tính từ đầu năm đến nay, 213 vụ xả súng đã nổ ra ở Mỹ, theo Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng. Con số đó trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 610 và 692. Mỹ định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt gồm ít nhất 4 người bị bắn.

Theo các chuyên gia, câu trả lời nằm ở phần lịch sử nền tảng giúp nước này giành được độc lập từ Anh, và ở chính tâm lý sợ hãi của người dân trước tội phạm.

Trong hai thập kỷ qua, hơn 200 triệu khẩu súng được tung ra thị trường Mỹ. Đất nước này đã chuyển từ "Văn hóa súng 1.0" - với súng chỉ dành cho thể thao và săn bắn, sang "Văn hóa súng 2.0" - với nhiều người Mỹ xem chúng là vật dụng cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình.

Ngành công nghiệp trị giá gần 20 tỷ USD đã thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi đó nhờ quảng cáo đánh vào nỗi lo về tội phạm và sự biến động về chủng tộc, theo Ryan Busse, một cựu giám đốc điều hành trong ngành.

Những vụ giết người hàng loạt gần đây "là sản phẩm phụ của một mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp súng được thiết kế để thu lợi từ việc gia tăng hận thù, sợ hãi và âm mưu", Busse viết trong tuần này trên tạp chí Bulwark.

Sơ khai văn hóa súng

Đối với những người lập quốc của Mỹ những thập niên 1770-1780, họ tin rằng sự độc quyền về súng của chế độ quân chủ ở và quân đội châu Âu là nguồn gốc của sự áp bức mà Mỹ đang chiến đấu để chống lại.

Nhân viên thực thi pháp luật bên ngoài hiện trường vụ xả súng tại trường tiểu học Robb, nơi một tay súng giết chết 19 trẻ em và 2 người lớn ở Uvalde, Texas, ngày 24/5. Ảnh: Reuters.

James Madison, "cha đẻ của hiến pháp", đã trích dẫn "lợi thế từ việc được trang bị vũ khí mà người Mỹ có được so với người dân của hầu hết quốc gia khác”.

Nhưng ông và những nhà lập pháp khác hiểu rằng vấn đề này rất phức tạp. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Liệu súng tư nhân có cần thiết để chống lại bạo quyền không? Lực lượng dân quân vũ trang địa phương không thể đảm đương được vai trò đó sao? Hay lực lượng dân quân sẽ trở thành một nguồn áp bức cục bộ?

Tuy nhiên, các tiểu bang mới thành lập không tin tưởng vào chính phủ liên bang non trẻ, và muốn có luật riêng và vũ khí riêng của họ.

Họ nhận ra rằng người dân cần phải săn bắn và bảo vệ mình trước động vật hoang dã và kẻ trộm, nhưng một số người lo lắng hơn về việc súng tư nhân có thể chỉ làm tăng tình trạng vô pháp ở biên giới.

Năm 1791, một thỏa hiệp đã được đưa ra trong “Tu chính án thứ hai” nhằm đảm bảo quyền sử dụng súng - điều đã trở thành cụm từ được phân tích nhiều nhất trong hiến pháp Mỹ.

"Một lực lượng dân quân được quản lý tốt, vốn cần thiết cho an ninh của một quốc gia tự do, quyền của người dân được giữ và mang vũ khí sẽ không bị xâm phạm", văn bản ghi.

Kiểm soát súng những năm 1960

Trong hai thế kỷ sau đó, súng đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người Mỹ.

“Văn hóa súng 1.0”, như giáo sư David Yamane của Đại học Wake Forest mô tả, xem súng như một công cụ quan trọng trong việc chống lại kẻ gian, trong cuộc chinh phục người Mỹ bản địa và kiểm soát nô lệ, cũng như trong các môn thể thao săn bắn.

Nhưng vào đầu thế kỷ 20, súng đạn ngày càng phát triển song song với tốc độ đô thị hóa của nước này. Cùng với đó, người dân Mỹ bắt đầu chứng kiến mức độ tội phạm súng đáng chú ý, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cảnh sát giúp kéo học sinh ra khỏi trường từ cửa sổ trong vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, ngày 24/5. Ảnh: Reuters.

Theo cố sử gia Richard Hofstadter, từ năm 1900 đến năm 1964, đất nước đã ghi nhận hơn 265.000 vụ giết người bằng súng, 330.000 vụ tự sát bằng súng và 139.000 vụ tai nạn súng đạn.

Để đối phó với sự gia tăng của tội phạm bạo lực, năm 1934, chính phủ liên bang đã cấm súng máy và yêu cầu súng phải được đăng ký và đánh thuế.

Các bang riêng lẻ đã thêm những biện pháp kiểm soát riêng của họ, chẳng hạn như lệnh cấm mang súng đến nơi công cộng.

Những biện pháp như vậy từng được công chúng Mỹ ủng hộ rộng rãi. Nhà thăm dò ý kiến Gallup nói rằng vào năm 1959, 60% người Mỹ ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với súng ngắn cá nhân.

Các vụ ám sát John F. Kennedy, Robert F. Kennedy và Martin Luther King, cũng đã thúc đẩy quy định nghiêm ngặt vào năm 1968.

Tu chính án thứ hai

Tuy nhiên, các nhà sản xuất súng và Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ngày càng quyết liệt trong việc bảo vệ quyền tự do sở hữu súng, viện dẫn Tu chính án thứ hai, nhằm ngăn cản các nhà lập pháp cải cách luật kiểm soát súng.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, NRA đã xây dựng lập luận chung với các đảng viên Cộng hòa, nhấn mạnh rằng Tu chính án thứ hai là tuyệt đối và nó bảo vệ quyền sử dụng súng, bất kỳ sự điều chỉnh nào đều là một cuộc tấn công vào "tự do" của người Mỹ.

Người dân biểu tình bên ngoài nơi tổ chức hội nghị thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) ở Houston, Texas, ngày 27/5. Ảnh: Reuters.

Theo Matthew Lacombe, giáo sư Đại học Barnard, để đạt được tầm ảnh hưởng như ngày nay, NRA đã tạo ra và quảng bá một hệ tư tưởng lấy súng làm trung tâm, cũng như vẽ nên một bản sắc xã hội khác biệt cho những người sở hữu súng.

Các chủ sở hữu súng đã tập hợp lại với nhau xung quanh hệ tư tưởng đó, tạo thành một khối vận động hành lang mạnh mẽ cho các cuộc bầu cử, đặc biệt là ở các vùng nông thôn mà đảng Cộng hòa tìm cách giành lấy từ đảng Dân chủ.

Jessica Dawson, giáo sư tại học viện quân sự West Point, nói rằng NRA đã liên kết với tôn giáo cánh hữu, một nhóm chính trị tin tưởng vào tính ưu việt của Cơ đốc giáo trong văn hóa Mỹ và hiến pháp.

"Dựa trên niềm tin của Tân Cơ đốc Cánh hữu vào sự suy đồi đạo đức, sự không tin tưởng vào chính phủ và niềm tin vào cái ác”, ban lãnh đạo NRA "bắt đầu sử dụng ngôn ngữ được mã hóa theo hướng tôn giáo hơn để nâng cao Tu chính án thứ hai lên trên những hạn chế của một chính phủ thế tục", Dawson viết .

“Văn hóa súng 2.0”

Tuy nhiên, việc chuyển trọng tâm sang Tu chính án thứ hai đã không giúp ích cho các nhà sản xuất súng, khi doanh số bán hàng không ổn định do sự sụt giảm mạnh mức độ yêu thích các môn thể thao săn bắn và bắn súng vào thập niên 1990.

Điều đó đã mở đường cho “Văn hóa súng 2.0”, khi NRA và ngành công nghiệp súng bắt đầu nói với người tiêu dùng rằng họ cần súng cá nhân để tự bảo vệ mình, theo ông Busse.

Các nhà tiếp thị súng lập luận rằng ngày càng có nhiều người chịu sự tấn công từ những kẻ bạo loạn và trộm cắp. Nhu cầu về thiết bị "chiến thuật" cá nhân cũng được các nhà sản xuất thổi phồng.

Sự chuyển đổi “2.0” này diễn ra song song với sự kiện ông Barack Obama trở thành tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, cũng như với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Ông Trump ca ngợi NRA khi phát biểu tại hội nghị súng thường niên của tổ chức ở Houston, Texas, hôm 27/5. Ảnh: Reuters.

“Mười lăm năm trước, theo yêu cầu của NRA, ngành công nghiệp vũ khí đã bước vào một bước ngoặt đen tối khi bắt đầu tiếp thị các loại súng và thiết bị chiến thuật ngày càng có sức tấn công cao và quân sự hóa”, ông Busse viết.

Trong khi đó, nhiều bang đã giải quyết lo lắng về việc gia tăng tội phạm bằng cách cho phép người dân mang súng đến nơi công cộng mà không cần giấy phép.

Trên thực tế, tội phạm bạo lực tại Mỹ đã có xu hướng giảm trong 2 thập kỷ qua, dù số vụ giết người liên quan đến súng tăng trong những năm gần đây.

Giáo sư Yamane của Đại học Wake Forest cho biết đó là một bước ngoặt quan trọng đối với ngành công nghiệp súng, thúc đẩy mạnh doanh số bán súng ngắn khi mọi người thuộc mọi chủng tộc đều muốn mua trong bối cảnh lo ngại về bạo lực.

Kể từ năm 2009, doanh số bán hàng đã tăng vọt, lên đến hơn 10 triệu khẩu một năm kể từ năm 2013, chủ yếu là súng trường tấn công loại AR-15 và súng lục bán tự động.

“Phần lớn những người sở hữu súng ngày nay - đặc biệt là những người mới sở hữu - coi việc tự vệ là lý do chính để mua súng”, Yamane viết.

Hiện trường bên ngoài vụ xả súng khiến 19 học sinh thiệt mạng ở Mỹ Video từ bên ngoài trường tiểu học nơi xảy ra vụ xả súng tại Texas, Mỹ cho thấy thời điểm cảnh sát có mặt tại hiện trường.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-hoa-sung-20-cua-nuoc-my-post1321439.html