Văn hóa – 'Sức mạnh mềm' đưa Hà Nội lên tầm cao
Trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước', Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.
Hà Nội, trải qua 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô, đã chứng kiến một chặng đường phát triển đáng ghi nhận. Mặc dù khoảng thời gian 70 năm không dài so với lịch sử hàng nghìn năm của mảnh đất Thăng Long, nhưng đây là một thời kỳ đặc biệt khi Hà Nội vươn mình mạnh mẽ dưới thời đại mới. Thủ đô đã đạt được những bước tiến vượt bậc trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, đặt nền móng cho một Hà Nội hiện đại và phát triển hài hòa.
Trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.
Phát triển văn hóa - Động lực từ sự kiên định và đổi mới
Trong 70 năm qua, đặc biệt là 40 năm gần đây, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ, Hà Nội đã kiên trì triển khai nhiều chương trình chiến lược để phát huy văn hóa và xây dựng con người, một phần quan trọng trong hệ thống các chương trình xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Sự kiên định này không chỉ thể hiện trong các nghị quyết cụ thể như Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, hay Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương, mà còn là một cam kết xuyên suốt nhiều thập kỷ.
Thực hiện Nghị quyết 33 với tinh thần trách nhiệm cao, Hà Nội không chỉ tuân thủ mà còn sáng tạo trong quá trình triển khai. Thành phố xác định rõ vai trò của mình là trung tâm văn hóa lớn của đất nước, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam. Với sự gia tăng nhanh chóng của dân số và tốc độ đô thị hóa, Hà Nội không ngừng phát triển các kế hoạch và nghị quyết phù hợp với thực tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa đáp ứng nhu cầu của một đô thị hiện đại.
Hành động cụ thể để bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô
Một trong những bước tiến lớn của Hà Nội là ban hành các tiêu chí về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khởi xướng từ năm 2017 và cập nhật định kỳ. Đây là cách mà thành phố thể hiện nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa, không chỉ trên phương diện lý thuyết mà còn trong hành động thực tiễn.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được Đảng bộ TP Hà Nội đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.
Đặc biệt, Hà Nội đã tiên phong trong việc đưa giáo dục nếp sống thanh lịch vào hệ thống giáo dục phổ thông. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa vào các cấp học giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ ràng hơn về bản sắc, tinh thần thanh lịch của người Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố đã mạnh dạn thí điểm đưa nghệ thuật sân khấu vào giảng dạy, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và giá trị nghệ thuật dân tộc.
Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, thế hệ trẻ hôm nay được thừa hưởng các giá trị văn hóa truyền thống quý báu và có cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến thế giới. Nhận thức rõ sứ mệnh của mình, thanh niên Thủ đô tích cực tham gia chuyển đổi số, phát triển công nghiệp văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao quốc tế.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, Đoàn Thanh niên Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch hành động, xây dựng lớp thanh niên chủ động, sáng tạo, vững vàng tư tưởng, thực hiện nhiệm vụ xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu là phát triển một thế hệ thanh niên “Khát vọng - Tiên phong - Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển,” góp phần xây dựng Hà Nội thành “Thành phố thông minh, hiện đại”.
Phát triển công nghiệp văn hóa và khẳng định bản sắc
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho các lĩnh vực như thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, và khai thác giá trị di sản. Các làng nghề truyền thống của Thủ đô như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc đã trở thành điểm đến văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống người dân. Tiềm năng văn hóa đó đã trở thành nguồn lực lớn lao, là “sức mạnh mềm” vô cùng quý báu để phát triển Thủ đô.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn thành phố luôn được chú trọng.
Nổi bật là di tích Nhà tù Hỏa Lò, từ một di tích lịch sử đã được chuyển mình thành điểm du lịch văn hóa có sức thu hút lớn. Không chỉ là một điểm tham quan, Nhà tù Hỏa Lò còn trở thành nơi lưu giữ ký ức lịch sử và khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội của mỗi người dân. Sự phát triển của các di tích văn hóa không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn là cách để Hà Nội giữ gìn giá trị văn hóa lâu đời.
“Với mục tiêu đưa Di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc sáng tạo ra các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là để thế hệ trẻ Thủ đô thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho hay.
Địa phương đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo và khát vọng vươn ra thế giới
Không chỉ có bề dày văn hóa truyền thống đáng tự hào, Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo. So với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội có nhiều không gian sáng tạo nhất với khoảng hơn 200 không gian sáng tạo - nơi nuôi dưỡng và phát triển các tài năng trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, tiêu biểu là những mô hình, như: Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, bích họa Phùng Hưng, kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam...
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tổ hợp vui chơi, giải trí bên trong các nhà máy, xí nghiệp cũ cho thấy nhu cầu cấp thiết về không gian văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo dành cho giới trẻ. Tiêu biểu tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm-khu công nghiệp cũ đã trở thành sân chơi cộng đồng rộng mở cho nghệ thuật và văn hóa. Hơn 200.000 người đến thăm địa điểm này và tận hưởng 20 hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là con số biết nói.
Hà Nội còn là một trong những thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng mang tầm quốc tế, chính điều này đã thúc đẩy việc tạo nên thương hiệu mới cho Thành phố.
Năm 2019, Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc lựa chọn lĩnh vực thiết kế thay vì những thế mạnh truyền thống như ẩm thực hay thủ công mỹ nghệ là một bước đi táo bạo. Thành phố hướng đến xây dựng một nền tảng sáng tạo mới, không chỉ bảo tồn mà còn sáng tạo và đóng góp vào dòng chảy văn minh của nhân loại.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Hà Nội, khẳng định rằng Thủ đô không chỉ lưu giữ văn hóa truyền thống mà còn hướng đến tương lai. Với nền tảng văn hóa phong phú và nguồn nhân lực sáng tạo, thành phố đang tạo nên một môi trường thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, và các doanh nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế sáng tạo.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, với những thành quả đạt được, Hà Nội đã khẳng định tầm nhìn dài hạn và trách nhiệm là một trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ của cả nước. Những nền tảng pháp lý và quan điểm phát triển văn hóa đã được cụ thể hóa trong Luật Thủ đô và các quy hoạch phát triển dài hạn, đảm bảo cho Thủ đô ngày càng vững mạnh và tự tin trên hành trình phát triển tiếp theo.