Vận động viên Nguyễn Văn Bích: Mong người khuyết tật có thêm sân chơi

Ông Nguyễn Văn Bích là vận động viên ở Đồng Nai có 20 năm gắn bó với môn thi đấu xe lăn dành cho người khuyết tật. Dù đã ngoài 57 tuổi nhưng hiện ông Bích vẫn luôn nỗ lực để theo đuổi niềm đam mê từ thời trẻ của mình.

Vận động viên Nguyễn Văn Bích. Ảnh: Đ.Lê

Vận động viên Nguyễn Văn Bích. Ảnh: Đ.Lê

Theo ông Bích, vận động viên nói chung, nhất là đối với người khuyết tật, thi đấu thể thao thành tích cao rất khó khăn. Các vận động viên người khuyết tật mong muốn có thêm ngày càng nhiều sân chơi bổ ích để họ thỏa đam mê, cống hiến. Được thi đấu, được cống hiến hết mình cho thể thao luôn là điều tuyệt vời nhất, đem lại cho họ sự tự tin vững bước trong cuộc sống.

Cần nhất vẫn là sự đam mê

* Điều gì đã đưa ông đến với bộ môn thể thao xe lăn và qua đó, ông đã tìm thấy ý nghĩa gì cho cuộc sống của mình?

- Lúc nhỏ, tôi bị sốt và sau đó thì liệt 2 chân, không cử động được cho tới tận bây giờ. Tôi tham gia thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật từ khi đang là sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đó, tôi chơi thể thao là do đam mê và để rèn luyện sức khỏe.

Từ năm 2004 đến nay, tôi thi đấu cho Đồng Nai và chuyên về môn xe lăn. Với một người khuyết tật, xe lăn là vật dụng như hình với bóng, thế nên tôi gắn bó với nó cũng là bình thường. Từ gắn bó rồi tìm thấy niềm vui, niềm đam mê để tham gia thi đấu.

* Sau hàng chục năm chơi thể thao, theo ông để gắn bó lâu dài với sự lựa chọn của mình thì điều gì là cần nhất?

- Chơi thể thao tất nhiên đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ năng khiếu, thể lực, điều kiện gia đình đến vấn đề tập luyện, đầu tư… Nhưng muốn bắt đầu thì điều đầu tiên là phải có sự đam mê. Vì đây là yếu tố quyết định sự thành bại, sự gắn bó của bạn đối với thể thao. Nếu không có đam mê, vận động viên dễ bỏ dở khi các kết quả không như ý.

Để trở thành vận động viên, gắn bó với bộ môn thể thao này, 3 ngày trong tuần, tôi đều đến sân vận động tỉnh để tham gia luyện tập, bất kể thời tiết nắng, mưa. Tôi phải luôn tự duy trì việc luyện tập và đi thi đấu khi có yêu cầu từ đơn vị chủ quản. Ngoài tập luyện ở trung tâm, mỗi sáng sớm, tôi còn tự luyện tập môn xe lăn khoảng 20km. Đều đặn như vậy nên mới duy trì được thể lực và tham gia các cuộc thi của tỉnh, của quốc gia. Thi đấu thể thao chuyên nghiệp với người bình thường đã khó nhưng với người khuyết tật đôi chân như tôi, điều đó lại càng khó khăn gấp bội, đòi hỏi mỗi vận động viên phải vượt qua chính mình, duy trì được động lực để theo đuổi.

* Là vận động viên kỳ cựu của tỉnh, đạt được rất nhiều giải thưởng ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương, ông có những kỷ niệm gì đáng nhớ?

- Sau hơn 20 năm là vận động viên, tôi đạt được rất nhiều giải thưởng. Những giải thưởng là sự ghi nhận, khích lệ lớn để tôi cố gắng và nỗ lực hơn nữa. Đây cũng là một trong những động lực giúp tôi duy trì được niềm đam mê lâu dài. Tôi luôn coi đi thi các giải là để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho các lần sau. Dù tôi đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước nhưng nếu so với các cuộc thi quốc tế thì khả năng của tôi vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, tôi phải tiếp tục học hỏi và rèn luyện để có thể tham gia các giải thi đấu quốc tế.

Mới đây, tại Giải vô địch quốc gia Thể thao người khuyết tật 2024, đoàn Đồng Nai đã đạt được 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Trong đó, ở môn điền kinh, riêng vận động viên NGUYỄN VĂN BÍCH xuất sắc đạt huy chương vàng cự ly 800m và huy chương bạc cự ly 200m xe lăn hạng thương tật T54.

Mong có thêm “sân chơi” cho người khuyết tật

* Tập luyện, thi đấu thể thao đối với người khuyết tật rất gian khổ, chắc hẳn gia đình chính là điểm tựa và tiếp thêm sức mạnh cho ông?

- Như tôi đã chia sẻ ở trên, làm bất cứ việc gì, không chỉ riêng thể thao, để theo đuổi được thì đam mê là cốt yếu. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo được cuộc sống của mình. Với tôi, vấn đề đặt ra là phải làm sao để hài hòa được cả công việc, kinh tế gia đình lẫn niềm đam mê của mình. Chỉ khi sắp xếp được những điều đó, việc luyện tập, chơi môn thể thao nào đó mới có được những kết quả như ý. Tôi có may mắn là mọi người trong gia đình luôn ủng hộ và động viên tôi chơi thể thao. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng kiếm thêm việc làm để trang trải cuộc sống của bản thân và lo cho vợ con.

* Ngoài thời gian luyện tập, ông còn làm thêm một số nghề để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Ông có thể cho biết rõ hơn về cuộc sống hàng ngày của mình?

- Tôi có 2 cháu đang ở độ tuổi học sinh nên kinh tế rất quan trọng. Lúc còn trẻ, chưa vướng bận gì mình chơi thể thao vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thỏa đam mê. Từ khi có gia đình, tôi phải sắp xếp để vừa có thời gian tập luyện thể thao, vừa có thời gian làm kinh tế, chăm lo cho gia đình.

Vận động viên Nguyễn Văn Bích (giữa) thi đấu môn điền kinh tại Giải vô địch quốc gia Thể thao người khuyết tật 2024.

Vận động viên Nguyễn Văn Bích (giữa) thi đấu môn điền kinh tại Giải vô địch quốc gia Thể thao người khuyết tật 2024.

Ngoài thời gian đến trung tâm và tự tập luyện ở nhà vào sáng sớm, thời gian còn lại tôi kiếm việc làm thêm để đảm bảo kinh tế. Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19, tôi có nghề làm lồng chim tại gia nên việc sắp xếp dễ dàng hơn. Sau khi dịch bệnh xảy ra, hàng chững lại, cuộc sống cũng tương đối vất vả, bản thân tôi phải tự nỗ lực hơn để có thể vừa lo cho mình, vừa lo cho gia đình. Gác lại việc làm lồng chim, hiện tôi làm việc cho một cơ sở in ấn, quảng cáo ở gần nhà, nghề mà hơn 20 năm trước tôi từng học qua, đến nay có dịp trau dồi lại.

Thi đấu cho Đồng Nai, các vận động viên như ông mang tâm thế trong mình như thế nào?

- Chúng tôi có chế độ của Nhà nước đối với vận động viên cấp tỉnh, được nhận tiền lương hàng tháng, cùng với tiền đi làm thêm bên ngoài nên đời sống cũng tạm ổn. Các thầy cũng rất quan tâm, hỗ trợ để các vận động viên khuyết tật như chúng tôi có được sự tin tưởng, phấn đấu, cảm thấy mình là người có ích cho gia đình, xã hội. Tôi mong rằng những người không may bị khuyết tật hãy nỗ lực cố gắng. Cuộc đời vốn dĩ không lấy hết của mình tất cả, hãy luôn giữ nghị lực và nếu bạn tìm thấy niềm đam mê, thế mạnh của mình ở lĩnh vực nào đó thì cố gắng theo đuổi.

So với các vận động viên thành tích cao khác, vận động viên khuyết tật có những thiệt thòi nhất định, ông mong muốn được hỗ trợ thêm những gì để có thể toàn tâm, toàn ý theo đuổi đam mê của mình?

- Phần đông vận động viên khuyết tật có đời sống khó khăn và công việc bấp bênh, các cuộc thi thể thao phong trào ở địa phương, các câu lạc bộ được lập ra sẽ tạo thêm sân chơi cho những người như chúng tôi. Chính vì thế mà trước đây và ngay cả bây giờ, tôi vẫn luôn cố gắng để tham gia các chương trình thi đấu của địa phương, tỉnh hay quốc gia. Điều đó tạo thêm động lực để các vận động viên khuyết tật nói riêng và những người khuyết tật gắn bó với niềm đam mê của mình. Nếu có thêm các chương trình, cuộc thi, sự hỗ trợ là điều rất đáng quý với chúng tôi. Nếu không phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền hàng ngày, chỉ tập trung cho luyện tập, các vận động viên khuyết tật như tôi sẽ yên tâm, dồn hết sức cho thể thao.

* Xin cảm ơn ông!

Đào Lê (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/van-dong-vien-nguyen-van-bich-mong-nguoi-khuyet-tat-co-them-san-choi-d451a5d/