Vai trò của các thiết chế văn hóa trong xã hội

Cuộc sống của con người, xã hội loài người bị chi phối bởi các thiết chế như chính trị, văn hóa, xã hội... Thiết chế có thể hiểu là một tổ chức xã hội có kết cấu bên trong chặt chẽ, đã gắn kết với nhu cầu của con người nên tồn tại bền vững trong đời sống của họ. Trong đó, nhà văn hóa, các câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, công viên, vườn hoa…là các dạng hình thức tồn tại của thiết chế văn hóa. Hoạt động của các thiết chế văn hóa góp phần khẳng định những giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu những giá trị văn hóa mới của nhân loại.

Ảnh internet

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, hệ thống biện pháp hoạt động và kinh phí hoạt động cho các thiết chế đó” (1). Chủ trương của Đảng ta khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Thiết chế văn hóa đóng một vai trò quan trọng, là nơi truyền tải những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; là cầu nối trực tiếp giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân. Bởi vậy, vai trò của thiết chế văn hóa trong xã hội thể hiện qua một số nội dung.

Thứ nhất, hệ thống thiết chế văn hóa là nơi để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, xã hội của các tỉnh, thành trên cả nước nhằm giáo dục cho nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu sai trái, chống phá cách mạng, Đảng, Nhà nước, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhà văn hóa, các câu lạc bộ, đài phát thanh… là những thiết chế văn hóa để nhân dân đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền về những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội đang diễn ra. Mặt khác, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống của nhân dân, giáo dục về pháp luật để giảm thiểu các tệ nạn xã hội, từ đó phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cả nước.

Thứ hai, hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân; từ đó hỗ trợ điều phối, kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc, bằng dư luận do những thế hệ con người trong tổ chức hệ thống thiết chế văn hóa xây dựng lên. Hệ thống thiết chế văn hóa là điểm tựa tinh thần, giúp các cá nhân phát huy trí lực để có những quyết định, sự lựa chọn đúng đắn. Xây dựng một hệ thống thiết chế văn hóa tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc được các thế hệ sau giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy.

Thứ ba, hệ thống thiết chế văn hóa giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; đây chính là công cụ trực tiếp, đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước có đến được với đại đa số quần chúng nhân dân hay không một phần quan trọng là nhờ ở hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

Thứ tư, các thiết chế văn hóa truyền thống, hiện đại đã, đang góp phần phát triển xã hội một cách bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các thiết chế văn hóa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, còn bảo tồn, phát huy những vốn văn hóa sống mang tính dân gian truyền thống, từ đó mà giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa cần tạo ra những dư luận tích cực để hạn chế những nguy cơ mâu thuẫn, xung đột, biểu hiện tiêu cực trái với quy tắc, chuẩn mực thông thường của đạo đức; trong đó các thiết chế văn hóa truyền thống góp phần khắc phục, giải quyết xung đột trên nguyên tắc không để phá vỡ tính chỉnh thể.

Thứ năm, hệ thống thiết chế văn hóa góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn là một trong 19 tiêu chí của Bộ VHTTDL đã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hóa. Mặt khác, đối với các di sản văn hóa của dân tộc hiện nay có một đội ngũ vừa có tâm, vừa có tầm cùng với nhân dân địa phương là chủ thể, khách thể để xây dựng các thiết chế văn hóa.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để đáp ứng nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Bản sắc văn hóa này chỉ có thể hiện hữu, phát triển mạnh mẽ, trường tồn trong điều kiện thiết chế văn hóa đầy đủ, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

Thứ bảy, đình, chùa, đền thờ, nhà thờ... cũng là những yếu tố của thiết chế văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức, giá trị truyền thống của dân tộc được thiết chế văn hóa này bảo tồn, phát huy, thậm chí qua các mô hình hoạt động sinh động thì thiết chế văn hóa truyền thống vẫn có thể hội nhập, phát huy tốt trong đời sống văn hóa hiện đại.

Thứ tám, công tác quản lý các thiết chế văn hóa phải được tiến hành trên nền tảng của chủ nghĩa Mác, Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng. Để tổ chức các hoạt động văn hóa một cách sáng tạo, hiệu quả cần một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; mặt khác, mỗi địa phương, cơ sở cần bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của hoạt động thiết chế văn hóa để đi sâu vào thực tiễn, nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa làm đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn.

Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trên cả nước đã có những chuyển biến tích cực, trở thành các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, bồi dưỡng nghiệp vụ, hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở; là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể lực, tuyên truyền, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị. Thiết chế văn hóa là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ 4 yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Xây dựng nội dung, tổ chức hoạt động, phương thức quản lý hoạt động như thế nào để các thiết chế văn hóa có thể phát huy tốt vai trò, ý nghĩa, làm phong phú, giữ gìn tốt hơn những giá trị văn hóa cộng đồng, bản địa, mang thêm những điều hay, điều mới đến với cộng đồng là các vấn đề cần quan tâm trong việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa ở nước ta hiện nay.

____________

1. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.28.

TRẦN THÙY LINH - PHẠM THÚY HẰNG

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vai-tro-cua-cac-thiet-che-van-hoa-trong-xa-hoi-73942