Vài kỷ niệm về quan hệ Việt Nam - Cuba
Thế mà đã 60 năm kể từ khi nước ta và Cuba kiến lập quan hệ ngoại giao, mở đầu mối quan hệ vô cùng mật thiết, hết sức thủy chung giữa hai dân tộc.
Thế hệ chúng tôi không bao giờ quên cảm giác hào hứng tột độ khi nghe tin cách mạng Cuba thắng lợi giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới...
Tuy không chuyên trách về quan hệ Viêt Nam - Cuba nhưng tôi lại có may mắn có những lần được tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo nước bạn.
Năm 1960, tôi làm việc ở Đại sứ quán nước ta tại Moscow. Đúng lúc ấy, trong nước yêu cầu Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh tiếp xúc với Đại sứ Cuba ở Liên Xô (nay là Liên bang Nga) để đặt vấn đề về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tôi được đi theo Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh tới khách sạn Ukraine để gặp Đại sứ Cuba vừa trình Quốc thư.
Bước vào phòng, tôi thấy một người mảnh khảnh với dáng vẻ thư sinh, để râu chòm, bận bộ quân phục ka-ki màu ô liu tiến ra bắt tay chào Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh. Đó là Chô-môn, một “Tư lệnh” lừng danh của Cuba vốn là thủ lĩnh của Phong trào sinh viên - một trong ba phong trào chủ yếu cùng nhau tiến hành cách mạng.
Khi nghe Đại sứ ta gợi ý về việc kiến lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tư lệnh Chô-môn đã hào hứng hưởng ứng và hứa báo cáo ngay về nước.
Chẳng bao lâu sau, phía bạn đã trả lời đồng ý và hai bên nhanh chóng thỏa thuận nội dung thông cáo chung về sự kiện lịch sử này, mở đầu lịch sử quan hệ đồng chí, anh em thân thiết giữa hai dân tộc cùng chiến tuyến đấu tranh chống đế quốc, vì độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thế rồi, Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) tổ chức một cuộc họp chuyên đề về quan hệ với Cuba; đoàn đại biểu Cuba do “Che” Guevara lừng danh dẫn đầu. Tuy nước ta chưa phải là thành viên SEV song Đại sứ nước ta cũng được mời dự họp.
Tôi không bao giờ quên cái ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh của “Che” tại cuộc họp này. Để râu quai nón, đầu đội mũ beret bận bộ quân phục mầu ô-liu quen thuộc, khi ngồi vào ghế “Che” đã cởi chiếc thắt lưng đeo súng lục lên bàn với dáng điệu rất tự nhiên và có phần “lãng tử”.
Ông đã trình bày cặn kẽ những khó khăn của Cuba sau thắng lợi cách mạng và yêu cầu Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, đồng thời hứa cung cấp đường cho các nước anh em.
Hình ảnh của Chô-môn và “Che” như những “hiệp sỹ cách mạng” pha chút lãng tử luôn sống lại trong tôi khi có dịp được tiếp xúc với Fidel và Rául hay các nhà lãnh đạo khác của Cuba tại các sự kiện quốc tế lớn ở Liên Xô hay khi bạn sang thăm Việt Nam hoặc khi tôi có dịp tới thăm “hòn đảo tự do” ở Tây Bán cầu.
Các dịp tiếp xúc ấy để lại trong tôi nhiều cảm nghĩ sâu đậm về con người Cuba. Họ luôn luôn tỏ ra lạc quan yêu đời, kiên cường bảo vệ những lý tưởng cao đẹp của mình với một phong cách rất… Cuba.
Dù bị Mỹ bao vây, cấm vận ngặt nghèo suốt sáu thập kỷ và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn song Cuba thực sự là thiên đường của giáo dục và y tế.
Trái tim người Cuba luôn tràn đầy tinh thần quốc tế trong sáng, sẵn sàng xả thân vì các dân tộc bị áp bức như những “hiệp sỹ cách mạng”. Và với Việt Nam, các bạn Cuba luôn trọn tình, vẹn nghĩa đúng theo lời nói nổi tiếng của Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”!
Tình sâu, nghĩa nặng ấy tạo nên nền tảng vững chắc cho mối tình thật sự anh em giữa hai dân tộc mãi mãi tỏa sáng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vai-ky-niem-ve-quan-he-viet-nam-cuba-130239.html