Vaccine COVID-19 do Đức, Mỹ sản xuất hiệu quả tới hơn 90%

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vaccine. Ông Bourrla gọi đây là 'một ngày tuyệt vời đối với khoa học và nhân loại'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 9/11, các tập đoàn Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo loại vaccine COVID-19 do 2 doanh nghiệp này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người và cũng là giai đoạn cuối cùng.

Theo những kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày đối với các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 (cách liều thứ nhất 28 ngày). Trong số 43.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm có 94 người được dùng liều vaccine thứ 2.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vaccine do 2 doanh nghiệp này phát triển. Ông Bourrla gọi đây là "một ngày tuyệt vời đối với khoa học và nhân loại".

Theo ông Bourla, kết quả trên đánh dấu bước tiến lớn trong mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, tạo bước ngoặt để chặn đứng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.

Pfizer và BioNTech cho biết tới nay vẫn chưa phát hiện nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng nào và 2 doanh nghiệp này hy vọng vaccine sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong tháng này. Hai doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ sản xuất được 50 triệu liều vaccine trong năm 2020, sau đó tăng lên 1,3 tỷ liều trong năm 2021.

Cùng ngày, truyền thông Đức trích dẫn bản sao tài liệu chiến lược vaccine quốc gia của nước này cho thấy Berlin hy vọng sẽ có vaccine phòng COVID-19 trong quý đầu năm 2021.

Bộ Y tế Đức đã nêu ra 7 vaccine tiềm năng dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trong năm 2020 hoặc năm 2021.

Trước đó, Chính phủ Đức đã lên kế hoạch thành lập các trung tâm triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc cho các nhóm ưu tiên, dễ bị tổn thương như lực lượng nhân viên y tế, người cao tuổi... Chi phí vaccine sẽ do chính phủ liên bang hỗ trợ trong khi chính quyền các bang và các công ty bảo hiểm y tế công-tư nhân đảm nhận chi phí xây dựng các trung tâm tiêm chủng.

Ngoài ra, để có được cái nhìn tổng quan về hiệu quả của vaccine, Đức sẽ thu thập dữ liệu gồm thông tin về độ tuổi, giới tính, nơi ở, ngày tiêm chủng, loại vaccine và liều lượng tiêm chủng được sử dụng.

Australia bắt đầu sản xuất vaccine

Trong một diễn biến liên quan khác, bắt đầu từ ngày 9/11, tập đoàn y tế lớn nhất của Australia CSL thông báo sẽ sản xuất vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Anh) phát triển trong bối cảnh loại vaccine này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

CSL dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu liều vaccine trên tại nhà máy ở Broadmeadows, phía Bắc thành phố Melbourne.

Nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả thành công, những liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên dành cho người già và những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng cần được tiêm chủng sớm.

Dự kiến, mỗi người dân Australia sẽ cần ít nhất 2 liều vaccine để có thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Nga tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho y, bác sỹ

Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh quốc gia Gamalea, cho biết lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do trung tâm này phát triển sẽ được chuyển đến thủ đô Moscow và các tỉnh để tiêm chủng hàng loạt.

Theo Bộ Y tế Nga, số vaccine này chủ yếu phục vụ công tác tiêm chủng cho các y, bác sỹ.

Hiện 3 địa điểm lớn đã được thiết lập để sản xuất các lô vaccine lớn và địa điểm thứ tư sẽ sớm bắt đầu sản xuất vaccine.

Bộ Y tế Nga cho biết các tỉnh sẽ nhận thêm một đợt vaccine nữa để tiêm cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trước hết là các nhân viên y tế.

Vũ Phong (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vaccine-covid19-do-duc-my-san-xuat-hieu-qua-toi-hon-90/413508.vgp