Ủy ban Pháp luật tổ chức hội thảo về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Chiều 10.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, pháp luật về nhà ở có quá trình phát triển tương đối lâu dài. Đặc biệt, Luật Nhà ở 2014 ra đời góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở; qua đó giúp thị trường bất động sản và thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân.

Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thi hành cùng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, một số quy định của Luật Nhà ở 2014 không còn phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, quỹ đất phát triển nhà ở theo quy hoạch rất khó khăn, đặc biệt là quỹ đất cho nhà ở xã hội; việc quản lý, vận hành, cải tạo, sử dụng nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn cũng còn nhiều vấn đề. Việc đẩy mạnh chủ trương phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang đặt ra vấn đề cần cơ chế, chính sách phù hợp hơn để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, huy động nguồn lực xã hội...

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 196 điều, tăng 13 điều so với Luật Nhà ở hiện hành, nhưng số lượng điều được sửa đổi, bổ sung rất lớn với 104 điều, giữ nguyên 47 Điều. Phạm vi sửa đổi toàn diện, bao quát các chính sách quan trọng về lĩnh vực nhà ở.

Các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận các quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở; các chính sách mới về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; quy định về nhà ở xã hội và một số nội dung khác của dự thảo Luật.

Liên quan đến thế chấp nhà ở (Điều 180), các đại biểu chỉ rõ, dự thảo Luật hiện chỉ cho phép tổ chức kinh tế thế chấp nhà ở cho các tổ chức tín dụng. Ngược lại, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép tổ chức kinh tế ngoài thế chấp đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất cho tổ chức tín dụng hoặc cho các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân khác.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Như vậy quy định trong 2 dự thảo Luật này nếu được thông qua sẽ phát sinh trường hợp các tổ chức kinh tế muốn thế chấp nhà ở (trên đất giao có thu tiền sử dụng đất hoặc đất thuê trả tiền 1 lần) cho tổ chức kinh tế hoặc cá nhân, thì chỉ được thế chấp phần quyền sử dụng đất, không được thế chấp nhà ở dù nhà ở được tạo lập hợp pháp. Đây là quy định chưa thực sự hợp lý và cần xem xét kỹ lưỡng hơn.

Một số ý kiến đề nghị, cần nới lỏng các điều kiện về đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất để tạo thuận lợi cho công dân khi đăng ký, đồng thời quy định cơ chế bắt buộc đăng ký quyền sở hữu nhà ở. Chủ sở hữu nhà ở chỉ được thực hiện quyền định đoạt khi đã hoàn thành việc đăng ký quyền sở hữu. Điều này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để khẳng định tính hợp pháp cho các giao dịch về nhà ở, tạo thuận lợi cho việc tiến hành các giao dịch về nhà ở, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh, đặc biệt khi chủ sở hữu nhà và chủ sử dụng đất là những chủ thể khác nhau.

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với quy định tại Điều 75 về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh (từ Điều 25 đến Điều 31)…

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp đã tập trung vào những vấn đề lớn, toàn diện của dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan để thống nhất những nội dung còn khác nhau giữa các luật.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-phap-luat-to-chuc-hoi-thao-ve-du-an-luat-nha-o-sua-doi--i339690/