Ưu tư về sự lão hóa của tín đồ Phật giáo
Khóa bồi dưỡng chuyên ngành về hướng dẫn Phật tử cho khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, do Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ tổ chức, diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, thu hút gần 800 đại biểu tham dự.
Trong đó, nội dung liên quan số lượng tín đồ, Phật tử trở thành tâm điểm trong hầu hết các phiên tập huấn, tọa đàm, thảo luận, đúc kết. Tất cả đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Số lượng tín đồ mỗi ngày mỗi giảm: do đâu?”.
“Chúng ta đang thiếu con người và thiếu luôn chiến lược lâu dài”
Chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ sau buổi thảo luận nhóm của tiểu ban, Hòa thượng Thích Giác Nhân, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng Tiểu ban Phật tử Khất sĩ T.Ư trăn trở: “Điều tôi lo lắng nhất là số lượng tín đồ mỗi ngày mỗi giảm. Tôi rất lo về thế hệ kế thừa, làm sao dìu dắt thanh thiếu nhi Phật tử về với đạo để lớp lớn mất đi rồi thì lớp trẻ tiếp tục. Mình cứ lo chú trọng những người già, nhưng chính giới trẻ là nhân tố kế thừa mà mình bỏ qua”.
Hòa thượng Trưởng Tiểu ban Phật tử Khất sĩ T.Ư thẳng thắn nêu: “Mổ xẻ vấn đề tôi thấy số lượng tín đồ mỗi ngày mỗi giảm thì do người dẫn đạo”.
Hòa thượng nhận định rằng hiện tại, các khóa tu mùa hè, hội trại mở ra cho người trẻ rất nhiều nhưng nội dung chưa đạt, chỉ mới chung chung thôi và nêu ra vấn đề cần lưu ý đó là sau hội trại, các em có gắn bó nữa không?
“Theo tôi, điều cốt lõi là phải có tu sĩ dạy dỗ các em từ lúc trẻ cho đến lúc trưởng thành, làm sao để họ hiểu được Phật pháp. Khi hiểu đạo một cách tường tận rồi thì không bao giờ họ bỏ chùa, bỏ đạo. Để làm được điều đó đòi hỏi một vị xuất gia phải làm sao cho chơn chánh, để hướng dẫn Phật tử tu tập một cách đúng Chánh pháp. Nhưng người tu sĩ không chấn chỉnh được chính bản thân mình - người mô phạm thì làm sao dẫn dắt người ta.
Trong thời đại 4.0 này, tất cả vật chất, các công nghệ thông tin quyến rũ người tu đi chệch hướng. Nhưng bây giờ muốn ngăn chặn cũng rất khó khăn. Nếu không áp dụng công nghệ 4.0, thông tin truyền thông thì mình giậm chân tại chỗ. Mà chạy theo nó thì đôi khi mình không có nghị lực lại dễ bị nó cuốn hút. Đây là một trở ngại rất lớn”, Hòa thượng Thích Giác Nhân phân tích.
Tiếng nói “xót xa” từ huynh trưởng Gia đình Phật tử: 4 năm, 18 đơn vị, giờ chỉ còn 6 đơn vị
Không chỉ chư tôn đức lên tiếng về tình hình lão hóa tín đồ Phật tử, sự sa sút tín đồ mà ngay cả Huynh trưởng Tâm Giới - Phan Ngọc Thảo, Trưởng Phân ban Gia đình Phật tử T.Ư cũng rất “nóng ruột”, khi xin phép: “Cho chúng con được nói về vấn đề tổ chức Gia đình Phật tử, vì ngoài buổi thảo luận này, chúng con không biết nói chỗ nào”.
Huynh trưởng Tâm Giới trình bày vấn đề khó khăn trong công tác tổ chức Gia đình Phật tử hiện nay, nhức nhối đáng kể là ở miền Bắc: “Năm 2019, ở đó chúng con có 18 đơn vị gia đình, nhưng vừa qua kiểm tra lại, thực chất không quá 6 đơn vị”. Trước tình hình này, Phân ban Gia đình Phật tử T.Ư đã chủ động, cử huynh trưởng, thỉnh một số thầy đến nhưng rồi không ai làm việc được cả. Mặc dù ngoài đó nhiều huynh trưởng rất nhiệt tình đã vào Quảng Trị, Huế để học và tham gia huấn luyện.
“Chúng con kính mong Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư cho phép chúng con được lập các Ban Đại điện của Gia đình Phật tử tại miền Bắc, thực chất phải là những huynh trưởng ở đó. Chúng con mong muốn rằng tại địa phương đó phải có huynh trưởng cầm đoàn và làm vai trò đại diện cho Gia đình Phật tử phía Bắc, của Phân ban Gia đình Phật tử T.Ư”, Huynh trưởng Tâm Giới tha thiết trình giải pháp.
Chuyện tài chính là khó khăn chung của tất cả các Phân ban của Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, tuy nhiên Huynh trưởng Tâm Giới bộc bạch thêm về khó khăn mà các huynh trưởng Gia đình Phật tử đang trải qua: “Anh em huynh trưởng chúng con phải tự bỏ tiền ra để làm công tác Phật sự, hoạt động và tất cả mọi thứ. Chúng con biết rằng mình phải làm như thế mới đúng tinh thần của huynh trưởng nhưng thật lòng chúng con quá khó khăn vì trách nhiệm cơm áo gạo tiền, phụ thuộc vào gia đình, con cái. Chúng con cũng kính mong chư tôn đức từ các cơ sở đến Trung ương quan tâm đến tổ chức chúng con”.
Đi tìm đáp án cho câu hỏi: Tín đồ Phật tử người dân tộc hiện nay cần gì?
Gắn bó xuyên suốt với đồng bào trong hơn 10 năm nay, Đại đức Thích Minh Đăng, Ủy viên Thường trực, Thủ quỹ Phân ban Dân tộc T.Ư, Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Cư Mgar xót xa khi cho biết một hiện thực: “Phật tử dân tộc hiện nay ngày càng ít và già đi”. Đồng thời nêu rõ nguyên do: “Vai trò của Tăng Ni hiện diện cũng ít: ít dấn thân, ít chủ động gặp gỡ, ít thăm hỏi, ít tổ chức các thời khóa sinh hoạt cho tín đồ Phật tử dân tộc do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Đặc biệt trong thời đại 4.0 nhưng việc chuyển tải những lời Phật dạy, những việc làm thiết thực lợi đạo ích đời của Tăng Ni trẻ cũng hết sức khiêm tốn”.
Thành viên Phân ban Dân tộc T.Ư đã thẳng thắn chia sẻ và góp ý với nhau các phương cách để đến gần với đồng bào dân tộc và xác định đâu là mối quan tâm hàng đầu, việc cần chú trọng nhất hiện nay. Nhiều ý kiến được đưa ra: Tăng Ni hướng dẫn Phật tử đồng bào cần biết tiếng đồng bào; cần đầu tư viết kinh sách tiếng đồng bào, để thu hút người đồng bào về với các khóa tu; không có tiền để tổ chức khóa tu, ăn uống và quà cho người đồng bào… Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Minh Đăng, vấn đề cốt lõi không nằm ở những yếu tố trên mà vấn đề quan trọng là phải xác định một định hướng và một phương châm thiết thực: “Đem đạo đến với đồng bào, không thể chờ đồng bào tự tìm đến với đạo”.
Trả lời cho câu hỏi “Phật tử người đồng bào dân tộc cần gì?”, Đại đức Thích Minh Đăng cũng nêu rõ: “Hiện nay, việc cần làm nhất là phải nâng cao nhận thức cho người Phật tử đồng bào trẻ, các em cần có tiền để đi học; người Phật tử dân tộc cần sự hiện diện của tu sĩ trong những lúc họ khó khăn, nhà có ma chay, có người đau ốm... Những việc này cần sự quan tâm hơn là việc bỏ tiền viết kinh sách cho người đồng bào, vì số tiền bỏ ra rất nhiều nhưng không chắc họ đã chịu đọc. Trong khi đó, việc đưa họ về chùa tham gia khóa tu, chỉ cần họ biết niệm Phật, không làm các việc ác, làm các việc thiện, giữ các giới thì đã là thành công lắm rồi”.
Với một chiến lược lâu dài, thành viên Phân ban Phật tử Dân tộc mong muốn có một chủ trương thống nhất đưa vào nghị quyết trong chương trình hoạt động của Trung ương Giáo hội, không để vùng nào có Phật tử dân tộc thì tự lo lấy như hiện nay. Mong mỏi hơn hết là các ban ngành Hoằng pháp, ban Bảo trợ, ban Từ thiện phải vào cuộc và phối hợp, hỗ trợ tích cực, bởi muốn làm từ thiện phải có kinh phí, mà đây là một cách để tiếp cận đồng bào, các thành viên tự kêu gọi thì khó lâu dài.
Tiểu ban Phật tử người Hoa T.Ư vừa thành lập, ở vùng xa chưa có cơ sở sinh hoạt
Hòa thượng Thích Duy Trấn, Phó ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng Tiểu ban Phật tử người Hoa T.Ư trình bày thực tế nan giải trên, trong bối cảnh tiểu ban vừa tròn 1 tuổi (mới được thành lập trong nhiệm kỳ IX). “Phật tử người Hoa ngày càng già đi, thế hệ kế thừa chúng tôi chưa xây dựng kịp. Nỗi lo nữa là, các tỉnh vùng sâu vùng xa chưa có cơ sở sinh hoạt tu học, đội ngũ Tăng Ni giảng sư muốn đến thuyết giảng cũng gặp nhiều khó khăn, nên dù có tinh thần hoằng pháp, chúng tôi vẫn chưa thể hướng dẫn sâu rộng”, Hòa thượng nêu rõ.
Để công tác hoằng pháp của tiểu ban có kết quả, các thành viên của tiểu ban đều thống nhất “cần có thời gian” để xây dựng lộ trình. Trên tinh thần dấn thân, phụng sự, Hòa thượng Trưởng Tiểu ban Phật tử người Hoa T.Ư cho biết, các thành viên đã và đang củng cố, hỗ trợ các cơ sở tự viện ở vùng sâu vùng xa, tiếp sức các tự viện - nơi có người Hoa sinh sống, sinh hoạt tu học ổn định. Sau đó Tăng Ni giảng sư sẽ có điều kiện để đến thuyết giảng, sinh hoạt và chia sẻ với Phật tử dân tộc người Hoa.
“Chúng tôi rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành - nơi có đồng bào dân tộc người Hoa sinh sống. Chúng tôi cần có sự phối hợp giữa các bên khi phát quà từ thiện, tổ chức tu học, quy y cho Phật tử. Mặc dù là lãnh đạo Tiểu ban nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ chẳng làm được gì cho đồng bào dân tộc người Hoa ở vùng sâu nếu nơi đó không có chùa, không có Tăng Ni trú xứ”, Hòa thượng nhấn mạnh.
Chặng đường phía trước của Ban Hướng dẫn Phật tử đi rất dài, trước mắt nhiều chông gai, xung quanh nhiều trở ngại và hiện nay các phân ban, tiểu ban còn có nhiều Phật sự khó khăn. Để tháo gỡ những Phật sự đó, tôi mong sau khóa tập huấn, bồi dưỡng, đại biểu Tăng Ni, Phật tử trở về địa phương sẽ ngồi lại để kiện toàn tổ chức, giải quyết các khuyết điểm, xét những gì chưa làm được thì khắc phục, những địa phương chưa thành lập phân ban, tiểu ban cố gắng tháo gỡ, thành lập. Chỉ cần làm đúng việc, đúng người, đúng lúc thì dù Phật sự khó mấy cũng giải quyết xong.
Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/uu-tu-ve-su-lao-hoa-cua-tin-do-phat-giao-post69426.html