Ung thư lưỡi: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

Ung thư lưỡi thuộc ung thư vùng đầu cổ. Lưỡi được chia làm hai phần: phần lưỡi trong miệng và phần gốc lưỡi, tế bào ung thư có thể phát triển ở một hoặc cả hai phần trên.

Ung thư lưỡi thuộc ung thư vùng đầu cổ. Lưỡi được chia làm hai phần: phần lưỡi trong miệng và phần gốc lưỡi, tế bào ung thư có thể phát triển ở một hoặc cả hai phần trên. Với phần lưỡi trong miệng (phần lưỡi di động) có thể nhìn thấy khi há miệng, chiếm 2/3 trước của lưỡi, nếu phát triển ung thư ở phần này thì thuộc ung thư khoang miệng. Còn phần gốc lưỡi (phần lưỡi cố định) chiếm 1/3 sau của lưỡi nằm gần họng, nếu phát triển ung thư thì thuộc ung thư họng miệng.

NỘI DUNG

1. Nguyên nhân ung thư lưỡi

2. Triệu chứng ung thư lưỡi

3. Phòng ngừa ung thư lưỡi

4. Ung thư lưỡi có lây không

5. Điều trị ung thư lưỡi

1. Nguyên nhân ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, tuy nhiên những năm gần đây đang có xu hướng trẻ hóa.

Cũng như nhiều bệnh ung thư khác, hiện nay chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ung thư lưỡi. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư lưỡi bao gồm:

Hút thuốc lá: Không chỉ là tác nhân hàng đầu của ung thư phổi, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng cao hơn so với người bình thường, trong đó có ung thư lưỡi.
Uống rượu: Với những người vừa hút thuốc vừa uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ lên đến 10-15 lần so với bình thường.
Tình trạng vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích vào lưỡi lâu ngày dẫn đến dị sản, là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư lưỡi.
Chế độ dinh dưỡng: Nếu chế độ dinh dưỡng của bạn thiếu hụt nhiều loại vitamin A, E, D, sắt… cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng.
Nhiễm sinh vật: Nhiễm virus HPV trong đó có type 2,11,16 thường gặp trong các bệnh nhân ung thư khoang miệng.
Nhai trầu: Người thường xuyên ăn trầu làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, tỷ lệ này có thể lên tới 4-35 lần so với người không nhai trầu.
Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người mắc ung thư khoang miệng hoặc ung thư lưỡi.

Khi bạn có yếu tố nguy cơ nghĩa là nguy cơ mắc ung thư của bạn tăng cao hơn nhưng không có nghĩa rằng bạn sẽ mắc ung thư. Nếu là người có yếu tố nguy cơ, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm những bất thường nếu có.

Tùy vào giai đoạn bệnh, ung thư lưỡi sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Tùy vào giai đoạn bệnh, ung thư lưỡi sẽ có những biểu hiện khác nhau.

2. Triệu chứng ung thư lưỡi

Loại ung thư lưỡi thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Các tế bào này phẳng giống tế bào da, bao phủ niêm mạc miệng, mũi, họng và thanh quản. Tùy vào giai đoạn bệnh, ung thư lưỡi sẽ có những biểu hiện khác nhau, thậm chí ở giai đoạn đầu bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên dễ bị bỏ qua.

Một số dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi là:

Xuất hiện mảng màu đỏ hoặc trắng ở lưỡi lâu ngày không biến mất
Cảm thấy đau họng kéo dài không khỏi
Có vết viêm loét, u ở lưỡi không lành
Thấy đau khi nuốt, nhai
Cảm giác tê trong miệng
Cảm thấy đau hoặc bỏng rát ở lưỡi
Khó khăn khi nói hoặc cử động lưỡi
Xuất hiện hạch ở cổ
Bị chảy máu lưỡi nhưng không rõ nguyên nhân (không phải do chấn thương).
Ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể mệt mỏi, sút cân không rõ lý do.

Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh. Do vậy, khi có dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ, người bệnh nên thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn.

3. Phòng ngừa ung thư lưỡi

Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn ung thư lưỡi. Thay vào đó chúng ta nên giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách: Đánh răng đúng cách, lấy cao răng định kỳ… là cách để răng miệng được khỏe mạnh và giúp hạn chế các yếu tố nguy cơ gây ung thư lưỡi. Nếu phần khoang miệng của bạn không khỏe mạnh sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch đồng thời ức chế khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân ung thư.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp bạn tăng cường thể trạng mà còn giảm nguy cơ mắc ung thư. Bạn nên tăng cường bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ như rau củ quả, trái cây trong đó có các loại cây họ cải, rau màu xanh đậm, tỏi, đậu nành, cà chua, trà xanh… Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào thay vào đó nên chọn cách chế biến hấp, luộc.

Việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ ung thư lưỡi sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ ung thư lưỡi sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Hạn chế các thói quen gây hại: Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích, bỏ thói quen nhai trầu… cũng góp phần giảm nguy cơ ung thư lưỡi.

Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên duy trì một lối sống khoa học bằng cách tập thể dục thường xuyên, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý và ngủ đủ giấc.

Thăm khám sức khỏe định kỳ: Nếu trong gia đình bạn có người mắc ung thư lưỡi, ung thư khoang miệng bạn nên thăm khám định kỳ để phát hiện sớm những bất thường. Ung thư lưỡi có thể phát hiện và chẩn đoán sớm làm tăng hiệu quả điều trị. Việc khám nha khoa định kỳ kết hợp với các phương pháp sàng lọc có thể phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư nhất là khi có các biểu hiện bất thường như vết loét lâu lành, đau lưỡi…

4. Ung thư lưỡi có lây không?

Ung thư lưỡi không phải bệnh lý truyền nhiễm nên không thể lây từ người này qua người khác.

Phát hiện bệnh ung thư lưỡi sớm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.

Phát hiện bệnh ung thư lưỡi sớm sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.

5. Điều trị ung thư lưỡi

Cũng giống như các loại ung thư khác, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe, vị trí u, tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh của từng người bệnh để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi chính bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Có thể điều trị kết hợp hoặc riêng lẻ từng phương pháp.

Nếu người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, phẫu thuật sẽ là lựa chọn được ưu tiên. Khối u sẽ được cắt bỏ, nạo vét xung quanh và để lại những mô lành. Sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ được đánh giá lại tình trạng và xem xét hóa trị, xạ trị sau đó.

Điều trị ung thư lưỡi miệng

Nếu vị trí ung thư xuất hiện ở hai phần ba trước của lưỡi (lưỡi miệng) người bệnh sẽ được điều trị giống như ung thư khoang miệng. Phương pháp điều trị ung thư lưỡi miệng là:

Giai đoạn sớm người bệnh được ưu tiên áp dụng phẫu thuật hoặc kết hợp xạ trị, hóa trị sau phẫu thuật để phòng ngừa ung thư tái phát (xạ trị, hóa trị bổ trợ). Một số trường hợp có thể hóa, xạ trị trước nhằm mục đích thu nhỏ khối u sau đó đủ điều kiện về thể trạng thì tiến hành phẫu thuật.
Nếu ung thư lưỡi đã có dấu hiệu di căn hoặc ở giai đoạn muộn hơn, khối u lớn, người bệnh thường được kết hợp các phương pháp điều trị như: phẫu thuật loại bỏ tổn thương ung thư và hạch bạch huyết; phẫu thuật tạo hình lưỡi, xạ trị, hóa trị, điều trị đích và miễn dịch.

Điều trị ung thư gốc lưỡi

Vị trí ung thư xuất hiện ở 1/3 sau của lưỡi, lúc này người bệnh sẽ được điều trị giống như điều trị ung thư họng miệng.

Ở giai đoạn sớm người bệnh có thể được điều trị bằng một trong hai phương pháp: Phẫu thuật để loại bỏ tổn thương ung thư, hạch bạch huyết ở cổ hoặc xạ trị triệt căn vùng họng, cổ (xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa xạ trị đồng thời). Sau phẫu thuật người bệnh có thể phải xạ trị, hóa trị bổ trợ với các trường hợp có nguy cơ tái phát cao.

Khi ung thư ở giai đoạn di căn hoặc bệnh ở giai đoạn muộn hơn người bệnh sẽ được áp dụng các phương pháp như:

Hóa xạ trị vùng cổ, họng
Phẫu thuật cắt bỏ một phần họng, hạch bạch huyết kèm theo xạ trị, hóa trị
Xạ trị
Hóa trị
Thuốc điều trị đích
Thuốc điều trị miễn dịch
Điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Sau khi điều trị, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối việc dùng thuốc nếu có.

ThS.BS. Trần Đình Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-luoi-nguyen-nhan-trieu-chung-phong-ngua-va-dieu-tri-169240713152256109.htm