Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro lũ, lụt
Với hệ thống sông, hồ dày đặc, cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa, rủi ro thiên tai do lũ, lụt ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý rủi ro đối với loại hình thiên tai này đang trở nên cấp thiết.

Bà Đặng Thị Hương, Phó phòng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai,·Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, phát biểu tại hội thảo.
Do tác động của biến đổi khí hậu, lũ, lụt tại nước ta ngày càng cực đoan, bất thường và khó dự báo. Chỉ tính trong năm 2024, bão và lũ sau bão đã làm hàng trăm người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, với hệ thống sông, hồ dày đặc, cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa, rủi ro thiên tai do lũ, lụt ngày càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý rủi ro đối với loại hình thiên tai này đang trở nên cấp thiết.
Để đáp ứng nhu cầu ứng dụng ngày càng cao vào phòng, chống thiên tai và hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2025, chiều 13/5, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng tổ chức Plan International Việt Nam và Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt tại Việt Nam” tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện một số tỉnh, thành phố có nguy cơ cao về lũ và ngập lụt như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định… cùng các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, các tổ chức phát triển quốc tế cùng đại diện Plan International Việt Nam và ISET.
Hội thảo là một trong các sáng kiến thuộc Giai đoạn 2 – dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng (ZCRA)”, được triển khai thực hiện trong 4 năm (2024-2027) trên địa bàn 18 xã, phường thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, thành phố Huế và thành phố Cần Thơ.
Dự án tập trung nâng cao năng lực và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các địa phương và các cộng đồng dễ bị tổn thương tại những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đồng thời hỗ trợ chính quyền từ cấp xã tới cấp tỉnh triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lũ lụt do hoàn lưu bão Yagi ở Thái Nguyên.
Đồng thời, hội thảo lần này hướng tới chia sẻ các thách thức trong quản lý rủi ro lũ lụt và các cơ hội, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thiểu rủi ro lũ và ngập lụt nói riêng, cũng như tăng cường năng lực của cộng đồng và các bên liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai nói chung.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng rủi ro lũ lụt tại Việt Nam, những thách thức trong công tác cảnh báo sớm, các giải pháp và mô hình ứng dụng công nghệ trong quản lý rủi ro lũ lụt, cũng như những cơ hội hợp tác giữa các bên.