Ukraine thử nghiệm UAV tạo lợi thế đặc biệt khi truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu trên không
Việc đạt tốc độ trên 200 km/h giúp thiết bị bay không người lái (UAV) STING của Ukraine có lợi thế đặc biệt trong trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, đặc biệt là khi Liên bang Nga sử dụng UAV Shahed-136 để tấn công.
![Wild Hornets, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái phi lợi nhuận của Ukraine, thử nghiệm UAV STING. Ảnh cắt từ video của Wild Hornets đăng trên nền tảng mạng xã hội X ngày 6/2/2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_294_51427757/e57e10d22a9cc3c29a8d.jpg)
Wild Hornets, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái phi lợi nhuận của Ukraine, thử nghiệm UAV STING. Ảnh cắt từ video của Wild Hornets đăng trên nền tảng mạng xã hội X ngày 6/2/2025
Wild Hornets, nhà sản xuất thiết bị bay không người lái phi lợi nhuận của Ukraine, vừa công bố đoạn video thử nghiệm tốc độ cao của UAV đánh chặn STING, cho thấy những thành tích ấn tượng về tốc độ và độ cao. Trong video, STING trong thời gian ngắn đã đạt tốc độ hơn 127 dặm/giờ (204 km/h) ở độ cao 1.400 feet (426 mét) - một thành tích đáng chú ý đối với một UAV đánh chặn.
Wild Hornets đăng tải video liên quan trên nền tảng mạng xã hội X, nhưng không tiết lộ thông số kỹ thuật cụ thể của STING, thay vào đó khuyến khích người xem tự phân tích video để tìm manh mối: “Chúng tôi sẽ không công bố thông số, nhưng video có những gợi ý: hãy chú ý đến tốc độ (góc dưới bên trái màn hình), độ cao (ở giữa) và phần trăm ga (bên phải màn hình). Ví dụ, ở mức 50% ga, STING đạt tốc độ 200 km/h tại độ cao 1.046 mét (3.432 feet).”
Màn biểu diễn của STING đặc biệt ấn tượng khi so sánh với các UAV đánh chặn khác. Thông thường, các thiết bị bay không người lái trong cùng phân khúc, nhất là loại dùng để chống UAV, không được thiết kế để có tốc độ nhanh hoặc tầm bay cao như vậy.
Hầu hết các UAV đánh chặn mối đe dọa trên không, chẳng hạn như UAVcảm tử Shahed-136, hoạt động với tốc độ dưới 100 dặm/giờ (160,9 km/h)và ở độ cao thấp do hạn chế về thiết kế và nhiệm vụ. Việc STING có thể vượt mức 127 dặm/giờ (204 km/h) giúp nó có lợi thế đặc biệt trong việc truy đuổi và tiêu diệt các mục tiêu di chuyển nhanh hơn. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, khi tốc độ của các mối đe dọa trên không ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi Liên bang Nga sử dụng Shahed-136.
Khả năng đạt và duy trì vận tốc cao giúp STING có lợi thế chiến thuật, cho phép nó nhanh chóng bao quát khu vực rộng hơn và đánh chặn mục tiêu trước khi chúng đến đích.
Ngoài ra, việc có thể hoạt động ở độ cao trên 1.400 feet (426 m) cũng mang lại nhiều lợi ích. Bay ở độ cao này không chỉ giúp UAV có tầm quan sát rộng hơn để giám sát hoặc nhắm mục tiêu mà còn giúp nó tránh được các mối đe dọa từ mặt đất. STING có thể hoạt động trên tầm bắn của nhiều hệ thống chống UAV truyền thống, vốn có hiệu quả giới hạn ở độ cao thấp.
Độ cao này cũng mang lại lợi thế chiến thuật, giúp UAV phát hiện sớm mối đe dọa từ xa, từ đó tăng thời gian phản ứng.
So với các UAV khác có nhiệm vụ tương tự, nhiều thiết bị không thể đạt được tốc độ hoặc độ cao như STING do phải cân bằng giữa tải trọng, thời gian bay hoặc hệ thống nhắm mục tiêu phức tạp. Nhiều UAV có thể đạt tốc độ cao nhưng thường hy sinh thời gian bay hoặc khả năng cơ động, hoặc không có công nghệ cần thiết để hoạt động hiệu quả ở độ cao lớn.
Hiệu suất của STING cho thấy sự kết hợp chặt chẽ giữa tốc độ, độ cao và khả năng nhắm mục tiêu chính xác thông qua hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đang được phát triển.
Sự kết hợp này không chỉ giúp STING trở thành vũ khí mạnh mẽ trong kho vũ khí phòng thủ của Ukraine mà còn đặt ra một tiêu chuẩn mới cho công nghệ UAV trong khuôn khổ một dự án phi lợi nhuận và dựa vào cộng đồng.
Cải tiến công nghệ UAV từ nhu cầu chiến trường
Sự phát triển của STING bởi Wild Hornets là minh chứng cho tinh thần đổi mới xuất phát từ nhu cầu thực tế, cho thấy nỗ lực từ cơ sở có thể dẫn đến bước tiến đáng kể trong công nghệ quốc phòng giữa thời chiến.
Wild Hornets nổi tiếng với các UAV chuyên đánh chặn mối đe dọa từ Liên bang Nga, đặc biệt là UAV cảm tử Shahed-136 do các lực lượng của Liên bang Nga sử dụng. Sự phát triển mới nhất này là một phần trong nỗ lực của Ukraine nhằm đổi mới chiến tranh bằng UAV và tìm ra giải pháp chi phí thấp để đối phó với UAV đối phương.
Xem video hà sản xuất thiết bị bay không người lái phi lợi nhuận của Ukraine Wild Hornets nthử nghiệm UAV STING cho thấy có lúc UAV này đạt tốc độ lên tới 223 km/h. Nguồn: Wild Hornets/X
Shahed-136 - mối đe dọa đáng gờm từ Liên bang Nga
Thiết bị bay không người lái Shahed-136, còn được Liên bang Nga gọi là Geran-2, đã trở thành vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của Moskva (Moscow) chống lại Ukraine. Những UAV này, có nguồn gốc từ Iran, đã được sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine, gây ra những thách thức đáng kể cho hệ thống phòng không của Kiev.
Từ khi được triển khai trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, UAV Shahed-136 đã được sử dụng trong cả các cuộc tấn công chiến thuật và chiến lược. Chúng đã nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, bao gồm các nhà máy điện và trạm biến áp, gây ra những gián đoạn trên diện rộng.
Trong một vụ tấn công, một chiếc Shahed-136 đã làm hư hại hệ thống phòng không Buk của Ukraine, cho thấy khả năng tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng. Các UAV này đặc biệt hiệu quả nhờ khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa với đầu đạn tương đối nhỏ nhưng đủ để gây thiệt hại nghiêm trọng.
Một trong những lý do khiến Shahed-136 trở thành mối đe dọa đối với Ukraine là chi phí thấp và tốc độ sản xuất cao. Nga có thể triển khai hàng trăm UAV này trong một đêm, tạo ra áp lực lớn lên hệ thống phòng không Ukraine, vốn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh chặn tất cả các mối đe dọa đến.
Tốc độ thấp của Shahed-136, khoảng 180 km/h, giúp chúng dễ bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không thông thường khi số lượng ít. Tuy nhiên, việc triển khai với số lượng lớn và quỹ đạo bay khó đoán khiến việc đánh chặn trở nên phức tạp.
Ngoài ra, Shahed-136 thường bay ở độ cao thấp, giúp chúng khó bị radar phát hiện. Chiến thuật của Nga thường là phóng UAV theo từng đợt từ nhiều hướng khác nhau, nhằm kiểm tra mức độ bao phủ của hệ thống phòng không Ukraine và làm cạn kiệt nguồn dự trữ tên lửa đánh chặn đắt tiền.
Chiến thuật này buộc Ukraine phải sử dụng các nguồn lực quý giá để đối phó với UAV giá rẻ, thay vì dành cho các mối đe dọa lớn hơn như tên lửa hành trình hoặc máy bay chiến đấu.
Thiết kế của Shahed-136 cũng cho phép nâng cấp, chẳng hạn như tích hợp hệ thống trinh sát cơ bản hoặc thậm chí AI để cải thiện khả năng điều hướng và tránh các biện pháp tác chiến điện tử.
Các bài đăng trên mạng xã hội X đã gợi ý về những nâng cấp này, cho thấy Shahed-136 có thể trở nên nguy hiểm hơn đối với Ukraine bằng cách tích hợp công nghệ tiên tiến để tăng độ chính xác và chống lại các biện pháp phòng thủ.
Mặc dù gặp nhiều thách thức, Ukraine đã có một số thành công trong việc đánh chặn Shahed-136, với tỷ lệ bắn hạ được cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, việc Liên bang Nga liên tục triển khai loại UAV này, cùng với chi phí thấp và khả năng điều chỉnh linh hoạt, khiến chúng vẫn là một mối đe dọa dai dẳng.
Quân đội Ukraine đã thích nghi bằng cách sử dụng kết hợp các đơn vị phòng không di động, tác chiến điện tử, thậm chí có sự tham gia của dân thường thông qua các ứng dụng như ePPO. Tuy nhiên, với sự biến đổi không ngừng của chiến tranh bằng UAV, đây vẫn là một cuộc chiến kéo dài.
Nói tóm lại, sự thành công của UAV Shahed-136 trong việc tấn công các mục tiêu của Ukraine phần lớn đến từ chi phí thấp, khả năng triển khai với số lượng lớn và thiết kế gây khó khăn cho việc đánh chặn. Đối với Ukraine, việc phòng thủ trước những UAV này không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn đòi hỏi chiến lược thích nghi với một hình thức chiến tranh trên không mới, nơi đối phương có thể liên tục đổi mới và mở rộng quy mô tấn công.