UEF: Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học khiêm tốn, chỉ chiếm 0,18% tổng thu

Theo công khai tài chính năm học 2024-2025 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ là 1 tỷ đồng.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) thành lập ngày 24/9/2007 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin từ website nhà trường cho biết, UEF theo đuổi mục tiêu là đại học hàng đầu Việt Nam và hướng tới chuẩn mực đào tạo quốc tế gắn liền triết lý giáo dục toàn diện - học tập suốt đời.

UEF có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập toàn cầu; xây dựng môi trường tự do học thuật và nghiên cứu giúp người học phát triển toàn diện, năng động và sáng tạo; phát triển năng lực làm việc thực tế, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm với xã hội thông qua việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng.

Tầm nhìn UEF sẽ trở thành một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực, là cái nôi đào tạo ra những công dân toàn cầu thành đạt và sẵn sàng cống hiến cho xã hội.

Hiện, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh do Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng làm Chủ tịch Hội đồng trường, hiệu trưởng nhà trường là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.

Các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của nhiều lĩnh vực đạt dưới 90%

Theo thông báo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2024-2025, quy mô đào tạo hiện tại (tính đến 30/5/2024 là 14.476 người học. Trong đó, quy mô đào tạo tiến sĩ có 13 người, 843 thạc sĩ và 13.620 sinh viên hệ đại học chính quy.

Trong 13.620 sinh viên đại học chính quy thì lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có quy mô đào tạo lớn nhất (7.396 sinh viên). Lĩnh vực Nhân văn đào tạo 1.277 sinh viên; lĩnh vực Pháp luật có 1.155 sinh viên; lĩnh vực Báo chí và thông tin có 919 sinh viên; lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin có 782 sinh viên; lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có 661 sinh viên; lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 560 sinh viên; lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật có 616 sinh viên; lĩnh vực Nghệ thuật có 169 sinh viên; lĩnh vực Toán và thống kê có 85 sinh viên.

So với dữ liệu được đề cập tại thông báo công khai chất lượng đào tạo thực tế của UEF năm học 2023-2024, quy mô đào tạo năm nay tăng 2.431 người. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường là 87,9%.

Số liệu thống kê về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp trong báo cáo ba công khai năm học 2024-2025 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường ở nhiều lĩnh vực dưới 90% như: Máy tính và công nghệ thông tin (89,4%); Kinh doanh và quản lý (88,3%); Pháp luật (83,3%); Nhân văn (84,6%); Khoa học xã hội và hành vi (87,9%); Báo chí và thông tin (86,4%).

 Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm được công khai tại biểu mẫu 18, báo cáo ba công khai năm học 2024-2025 cho biết, có 1.243 sinh viên tốt nghiệp, trong đó loại xuất sắc chiếm 12,7%, loại giỏi chiếm 32,5%, loại khá chiếm 47,6%.

Lĩnh vực Nhân văn có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc nhiều nhất, chiếm 19,8%. Lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 49%.

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường thống kê tổng diện tích đất của trường là 69.033,3 ha. Tuy nhiên, đối chiếu với thông tin trong Biểu mẫu 19 Công khai thông tin cơ sở vật chất của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính năm 2024-2025, diện tích đất của trường là 73.095,70m2.

Nhà trường có 16 phòng thực hành/ xưởng thực tập; 8 nhà tập đa năng; 5 hội trường; 286 phòng học; 9 phòng học đa phương tiện; 3 thư viện/trung tâm học liệu.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có 3 phòng đọc, 1.300 chỗ ngồi học; 50 máy tính của thư viện; 87.901 đầu sách, tạp chí, e-book, cơ sở dữ liệu trong thư viện; 3 thư viện điện tử liên kết ngoài trường.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu tỷ diện tích đất/sinh viên từ 25m2, UEF mới đạt 21,4%

Theo Tiêu chí 3.1.,Tiêu chuẩn 3, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2.

Theo biểu mẫu công khai thông tin về cơ sở vật chất năm học 2024-2025 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất/ sinh viên có tỷ lệ là 5,36 (tức là mới đạt khoảng 21,4% so với Chuẩn); tỷ lệ diện tích sàn/sinh viên của UEF đạt 4,25.

Phóng viên băn khoăn nhà trường đã và đang có lộ trình đảm bảo yêu cầu diện tích này theo chuẩn? Khi chưa đạt chuẩn thì nhà trường dự kiến sẽ đảm bảo chất lượng ra sao?

Về vấn đề này, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Trường đang có lộ trình phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT. Hiện nhà trường chú trọng xây dựng môi trường học tập thân thiện, năng động và tạo không gian sáng tạo trong học tập cho sinh viên cũng như công tác giảng dạy cho thầy cô".

Bên cạnh đó, Biểu mẫu 20 thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm theo quy định tại Thông tư 36/2027/TT-BGDĐT yêu cầu kê tổng số giảng viên. Tuy nhiên, biểu mẫu 20 Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh không có dữ liệu tổng số theo quy định.

 Biểu mẫu 20, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu kê tổng số giảng viên theo chức danh, trình độ đào tạo, hạng chức danh nghề nghiệp (ảnh bên trái), UEF không có hàng tổng số theo quy định.

Biểu mẫu 20, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT yêu cầu kê tổng số giảng viên theo chức danh, trình độ đào tạo, hạng chức danh nghề nghiệp (ảnh bên trái), UEF không có hàng tổng số theo quy định.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích chia sẻ: "Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường trên trang thông tin điện tử theo đúng Biểu mẫu 20 quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Đối với các cột thông tin liên quan đến "Hạng chức danh nghề nghiệp", Trường không áp dụng nên để trống cột thông tin tương ứng tại Biểu mẫu này. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hạng chức danh nghề nghiệp (bao gồm Hạng I, II, III) được quy định tại các văn bản: (i) Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; (ii) Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT ngày 29/03/2024 hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập; các Thông tư này đều có đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục công lập, không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục tư thục".

Theo dữ liệu tại thông báo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu năm học 2024-2025 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường có 1.070 giảng viên cơ hữu giảng dạy trình độ đại học, trong đó có 5 giáo sư, 28 phó giáo sư, 189 tiến sĩ, 707 thạc sĩ và 141 giảng viên có trình độ đại học.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính có 92 giảng viên cơ hữu giảng dạy trình độ tiến sĩ, trong đó có 3 giáo sư, 16 phó giáo sư, 73 tiến sĩ.

Nhà trường có 211 giảng viên cơ hữu giảng dạy trình độ thạc sĩ, trong đó có 5 giáo sư, 28 phó giáo sư, 178 tiến sĩ.

Điểm b, Tiêu chí 2.3, Tiêu chuẩn 2, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ "không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ".

Phóng viên băn khoăn số giảng viên toàn thời gian của UEF là bao nhiêu vì biểu mẫu công khai thông tin giảng viên cơ hữu nhà trường không kê khai hàng tổng số.

UEF phản hồi như sau: "Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện công khai thông tin về đội ngũ giảng viên tại Biểu mẫu 20 theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các thông tin liên quan đến Tiêu chuẩn 2 của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, trường sẽ thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/06/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Ngoài ra, theo báo cáo 3 công khai năm học 2024-2025, một số lĩnh vực đào tạo của UEF không có giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Thạc sĩ Ngọc Bích cho hay: "Nhà trường đang có chiến lược phát triển ngành và tuyển dụng để đảm bảo tốt nhất cho việc giảng dạy và đào tạo. UEF luôn có chính sách tuyển dụng cho các lĩnh vực trường đào tạo nên công tác này hiện chưa gặp khó khăn gì".

Khoản 3, Điều 20, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT quy định công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu thông tin về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên:

a) Số lượng cán bộ quản lý và nhân viên chia theo nhóm vị trí việc làm;

b) Số lượng giảng viên toàn thời gian của cơ sở giáo dục và từng lĩnh vực đào tạo chia theo trình độ được đào tạo, chức danh giáo sư, phó giáo sư; danh sách giảng viên cơ hữu theo từng đơn vị chuyên môn bao gồm: họ tên, trình độ, chức danh, chuyên môn, lĩnh vực phụ trách, hướng nghiên cứu chính;

c) Số lượng giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm theo quy định;

d) Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu.

Theo thông báo công khai tài chính năm học 2024-2025 của UEF, học phí chính quy chương trình đại trà hệ tiến sĩ là 60 triệu đồng/năm; hệ thạc sĩ là 50 triệu đồng/năm; hệ đại học là 68 triệu đồng/năm.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn

So với báo cáo ba công khai ba năm học trước (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024), tổng thu của UEF có sự tăng trưởng qua thời gian.

 Dữ liệu tổng thu của UEF theo báo cáo ba công khai các năm học.

Dữ liệu tổng thu của UEF theo báo cáo ba công khai các năm học.

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, nhà trường thu 374,46 tỷ đồng; Ba công khai năm học 2022-2023, tổng thu của UEF là 502,01 tỷ đồng. Báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, nhà trường thu 507,06 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng thu của ba năm này đều đến từ học phí, còn các dữ liệu nguồn từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn hợp pháp khác đều bỏ trống.

Theo thông báo công khai tài chính năm học 2024-2025 được đăng tải trên website của trường, tổng nguồn thu là 557 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 550 tỷ đồng; 1 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và 6 tỷ đồng từ nguồn hợp pháp khác.

Như vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 0,18%; thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 1,09% so với tổng thu của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiêu chí 6.1., Tiêu chuẩn 6, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT yêu cầu, tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%.

 Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Có thể thấy, trong bốn năm học qua, tổng thu của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có tăng. Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 cho thấy, tổng thu của trường tăng mạnh, tăng hơn 125 tỷ đồng so với năm học trước, tương đương tăng hơn 33%. Tuy nhiên, đến năm học 2023-2024 tổng thu chỉ tăng nhẹ (hơn 5 tỷ đồng, tương đương tăng 1,01%) so với năm học 2022-2023. Năm học 2024-2025, tổng thu tăng 49,94 tỷ đồng so với năm trước, tương đương tăng 9,8%.

Theo báo cáo ba công khai của UEF trong 4 năm học qua, nguồn thu đến từ học phí vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng thu của nhà trường. Từ năm 2021 đến năm 2023, 100% tổng thu đều đến từ học phí. Năm 2024-2025, thu từ học phí chiếm 98,7%.

Về giải pháp giúp nhà trường gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các nguồn hợp pháp khác, Thạc sĩ Ngọc Bích chia sẻ: "Trường đang tăng cường phát triển hoạt động khoa học công nghệ, có chính sách khuyến khích giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu… phù hợp với điều kiện thực tế của Trường. Theo định hướng, nhà trường luôn chú trọng vào các hoạt động học thuật, nghiên cứu cho sinh viên, giảng viên, từ đó làm nền tảng cho các hoạt động khoa học".

Nhi Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/uef-nguon-thu-tu-nghien-cuu-khoa-hoc-khiem-ton-chi-chiem-018-tong-thu-post244623.gd