Ðúc kết từ thực tiễn

Kinh nghiệm lao động sản xuất như một bức tranh muôn màu, muôn sắc trong tục ngữ Phú Yên. Ảnh minh họa: MINH NGUYỆT

Tục ngữ sưu tầm trên vùng đất Phú Yên là những câu nói ngắn gọn thể hiện kinh nghiệm dân gian về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có kinh nghiệm lao động sản xuất được người nông dân tiếp nhận từ kho tàng tục ngữ của dân tộc và đúc kết từ thực tế cuộc sống tại địa phương.

Quan sát hiện tượng tự nhiên

Trong xã hội truyền thống, người nông dân Phú Yên chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, mùa vụ phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên. Khi chưa có các phương tiện kỹ thuật dự báo thời tiết, người dân Phú Yên thường quan sát thiên nhiên, chiêm nghiệm những dấu hiệu như: màu sắc của mây, hướng gió, hiện tượng điện trong khí quyển, hiện tượng quang học, dáng sắc mặt trời, mặt trăng, các vì sao để dự báo sự thay đổi thời tiết, phục vụ sản xuất, ổn định cuộc sống:

Chóp Chài đội mũ,

Mây phủ Đá Bia,

Cóc nhái kêu lia,

Trời mưa như trút.

Ngày nay đã có nhiều phương tiện truyền thông đưa tin dự báo thời tiết, nhưng nhiều người dân Phú Yên vẫn xem núi Đá Bia, núi Chóp Chài như “Phong vũ biểu” nắm bắt thời tiết. Mặt khác, họ cũng thường quan sát nắng, mưa để chăm sóc cây lúa, hoa màu:

Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa.

Thông thường, người dân xem buồng chuối chát trổ vào lúc mùa lúa cũng sắp trổ để đoán biết năng suất. Nếu buồng chuối trổ suôn sẻ từ nhánh đầu đến nhánh cuối đều chắc trái, thì vụ mùa sẽ bội thu. Ngược lại, khi thấy các nải chuối trổ èo uột, không đều trái thì năng suất chắc chắn thấp. Kinh nghiệm này phù hợp với diễn biến thời tiết:

Làm rẫy xem sao rua,

Làm mùa xem chuối chát.

Người nông dân còn quan sát sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên khác như mây, gió lặp đi lặp lại theo chu kỳ, từ đó đúc kết kinh nghiệm quý để nhận biết thời tiết bình thường hoặc mưa to, bão lớn, kịp thời ứng phó:

- Mây đóng vảy trút trời yên biển lặng.

- Móng cao gió táp, móng rạp mưa rào.

Những ngư dân đánh bắt cá trên biển cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm từ quan sát hiện tượng tự nhiên:

- Tháng tám ngó ra, tháng ba ngó vào

- Trời chớp mũi Nạy, thức dậy mà đi.

Hay:

- Mùa hè đánh khơi, mùa nam đánh lộng

- Tôm đi chạng vạng

Cá đi rạng đông.

Cần cù, chịu khó là đức tính rất đáng quý của người nông dân Phú Yên. Ảnh minh họa: MINH NGUYỆT

Ðúc kết từ thực tiễn

Quá trình lao động sản xuất, mưu sinh gắn bó với ruộng đồng, người nông dân Phú Yên luôn quý trọng đất đai. Đây là điều quan trọng nhất để ổn định cuộc sống lâu dài. Họ quan niệm: “Một vũng trâu nằm, hơn năm làm ruộng”, tức là có miếng đất để trồng lúa, hoa màu thì sẽ có ăn, có mặc, không như đi làm thuê, cuốc mướn lúc đói, lúc no. Câu tục ngữ trên làm người đọc liên tưởng đến câu tục ngữ nổi tiếng của người Việt Nam: Tấc đất tấc vàng để khẳng định giá trị của đất. Có đất có thể làm ra của cải vật chất. Người nông dân phải biết quý trọng từng tấc đất, đừng lãng phí đất đai một cách vô nghĩa.

Vì quý trọng đất đai nên khi trồng trọt, canh tác, người nông dân luôn tính tới giống cây trồng sao cho phù hợp với từng loại đất để cây trồng sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao:

Trồng lang đất lạ, gieo mạ đất quen

Khoai lang nên trồng ở những thửa đất mới, nghĩa là trước đó chưa từng trồng loại cây này thì sẽ cho củ nhiều, còn gieo mạ nên ưu tiên những thửa đất có thổ nhưỡng quen thuộc, giúp cây mạ tăng trưởng nhanh. Việc tùy thuộc diện tích đất canh tác để lựa chọn loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao được người dân đúc kết:

Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau.

Khi trồng cây, nhất là giống lúa phải tính theo mùa, vụ để không bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, làm giảm năng suất:

Trồng cây theo gió, cấy lúa theo mùa.

Trong xã hội truyền thống, đa phần người dân Phú Yên không biết chữ, không có điều kiện tiếp xúc với khoa học kỹ thuật; kinh nghiệm nghề nông chủ yếu dựa vào thực tế, qua đó chia sẻ, hướng dẫn giúp đỡ mọi người những cách làm hay, kinh nghiệm sản xuất tốt để cùng thực hành:

Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

Câu tục ngữ trên xuất phát từ kho tàng tục ngữ Việt Nam, là kinh nghiệm sản xuất mà người Việt (Kinh) mang đến vùng đất mới trong quá trình mở đất về phương Nam.

Cây lúa vẫn là cây lương thực quan trọng nhất của người nông dân Phú Yên từ xưa đến nay. Muốn cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, một trong những điều quan trọng là cần chuẩn bị đất thật kỹ, kinh nghiệm cày sâu, cuốc bẫm thửa ruộng canh tác là điều cần thiết để cây lúa cho năng suất cao: Cày cạn khỏe trâu, cày sâu tốt lúa. Việc tuyển chọn các giống cây trồng đem lại năng suất cao luôn được người nông dân quan tâm: Cày hay không bằng thay giống.

Đối với một số loại cây như mít, chanh, muốn cho nhiều trái, người trồng phải thực hành những việc cần thiết ngay sau khi thu hoạch mùa vụ: Mít chạm cành, chanh chạm rễ. Mít chạm cành được hiểu là sau thu hoạch phải đốn/tỉa những cành nhánh nhỏ, cành khô, bị sâu, bị hư, còn cây chanh thì phải cuốc rễ phụ xung quanh tán lá thì mùa sau cây chanh sẽ sai trái.

Sau khi thu hoạch thì việc bảo quản nông sản sao cho tốt, để giữ sản phẩm được lâu không bị mối, mọt làm hư hỏng cũng được người nông dân Phú Yên đúc kết thành kinh nghiệm:

- Tháng năm khoai nằm xuống đất.

- Tháng mười khoai cất vào nhà.

Với lợi thế dồi dào về nông sản, thực phẩm, nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Phú Yên có từ rất sớm. Xưa kia, người nông dân ví nuôi một con heo nái như “một lỗ vàng chôn”. Vì vàng bạc khi cần đem bán sẽ tiêu pha hết, nhưng heo nái đẻ hết lứa này đến lứa khác, của cải lại sinh sôi nảy nở nên cuộc sống sẽ đầy đủ hơn, tốt hơn.

Thời xưa ở Phú Yên, nghề chăn nuôi ngựa phát triển tại nhiều địa phương. Phú Yên có nhiều giống ngựa tốt, tiếng vang khắp vùng, người nuôi ngựa đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm chọn giống ngựa để nuôi hiệu quả và dễ trao đổi, mua bán:

Lưng thẳng, ức rộng, mào quăn,

Bốn gót có xoáy, sức bền vô song.

Nhưng không ít người cho rằng: “Ngựa có ống chân tròn, thẳng như ống sậy hoặc cổ chày đứng, con đỉa sâu là ngựa hay; ngựa có móng chén (móng tròn) chạy nhanh; ngựa có 3 xoáy trước mặt hình tam giác hiếm có, đó là ngựa hiền và sang; ngựa có 4 xoáy nơi 4 cổ chày (tứ trụ) là ngựa hoang, nhưng gặp đúng chủ là ngựa quý”. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm khác nhau về chọn giống gia súc nhưng khi chọn vật nuôi, người dân vẫn luôn nhắc nhở nhau rằng: Nuôi ngựa không chọn con có đùi xoáy. Nuôi trâu thì chọn trâu cò, nuôi bò thì chọn bò bét: Nhất trâu cò, nhì bò bét và không chọn bò Bướm trán, lang o, lỏ đuôi, lang đùi. Nuôi heo thì không chọn con có 5 móng. Nuôi chó để giữ nhà thì chọn con: Tứ túc huyền đề, không chọn Giống mà mõm nhọn, đít vòng/ Ăn càn, cắn bậy, chúng không ra gì.

Cần cù, chịu khó là đức tính rất đáng quý của người nông dân Phú Yên. Chỉ có chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế và cuộc sống đủ đầy. Người dân đã tổng kết thành quả lao động bằng những câu tục ngữ rất thiết thực, sâu sắc:

- Siêng xỏ đầy xâu, siêng câu đầy cá.

- Thả trủ đơm cá, thả nhá đơm lươn.

Tục ngữ sưu tầm trên vùng đất Phú Yên có nội dung về kinh nghiệm lao động sản xuất như một bức tranh muôn màu, muôn sắc. Mỗi câu tục ngữ biểu thị một ý nghĩa riêng, chứa đựng nhiều tri thức dân gian được người nông dân tiếp thu lưu truyền khi thấy nó phù hợp với điều kiện sống mới hoặc đúc kết kinh nghiệm từ thực tế lao động sản xuất tại địa phương. Gạn đục khơi trong, ta nhận thức được nhiều tri thức bổ ích từ kho tàng tục ngữ Phú Yên cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/286551/%C3%B0uc-ket-tu-thuc-tien.html