Tuyển Việt Nam hồi sinh khi thắng Trung Quốc

Sau chuỗi trận thất bại của năm Tân Sửu, đại thắng trước Trung Quốc ngay ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần đã cho thấy những tín hiệu của một đội tuyển Việt Nam hồi sinh.

Tối 1/2 (mùng một Tết Nhâm Dần), tuyển Việt Nam có chiến thắng tưng bừng 3-1 trước Trung Quốc tại vòng loại World Cup trên sân Mỹ Đình. Đây cũng là chiến thắng lịch sử của tuyển Việt Nam trước Trung Quốc.

Chiến thắng lịch sử

Không có gì rực rỡ hơn với bóng đá Việt Nam bằng một chiến thắng như thế ở Mỹ Đình. Nó không chỉ là câu chuyện của 3 điểm lịch sử ở vòng loại thứ 3 World Cup; nó cũng không chỉ là câu chuyện của chiến thắng cách biệt với những bàn thắng bùng nổ. Nó còn là câu chuyện của sự hồi sinh, với những điểm nhấn cả về cá nhân lẫn tập thể.

Chúng ta phải thừa nhận tuyển Việt Nam đã có đấu pháp rất hợp lý, cùng những lựa chọn nhân sự hợp lý trước đối thủ đánh giá tốt hơn. Trước giờ bóng lăn chừng 2 tiếng đồng hồ, khi bản danh sách đăng ký thi đấu được phát tán trên mạng, cảm giác về một tuyển Việt Nam sẽ khác đã bắt đầu lan tỏa khi 2 cái tên Hồ Tấn Tài và Phạm Tuấn Hải được góp mặt chính thức.

Tấn Tài tỏa sáng khi có cơ hội.

Việc tuyển Việt Nam chọn sơ đồ 5-3-2 với cách bố trí hàng tiền vệ rất hợp lý chính là chìa khóa cơ bản để Trung Quốc không thể thể hiện được gì và gần như không tạo ra nổi một cơ hội đáng kể nào. Không còn những quả tạt nguy hiểm và cũng không còn cả tư thế làm chủ thế trận như ở lượt đi, Trung Quốc trở nên vô hại, trong khi đó tuyển Việt Nam bộc lộ được sự nguy hiểm của mình.

Việc để Hoàng Đức - Hùng Dũng - Quang Hải tạo nên bộ 3 giữa sân đã đánh dấu một tuyển Việt Nam rất khác. Thực tế, kể từ khi ông Park sang Việt Nam làm việc, tuyển Việt Nam gần như chưa bao giờ có bộ 3 tiền vệ hoàn thiện đến thế. Và trước Trung Quốc, cách phân chia nhiệm vụ giữa bộ 3 tiền vệ này cũng hợp lý. Khi phòng ngự, họ tạo thành sợi dây liên lạc chặt chẽ trấn giữ ngay trước mặt hàng thủ 5 người và từ đó phong tỏa chặt mọi không gian để đối thủ có thể triển khai bóng.

Với việc bố trí phòng ngự như vậy (chuyển sang 5-4-1 ở hiệp 2 khi Văn Đức vào sân), tuyển Việt Nam đã làm được 3 việc rất quan trọng trong cả phòng thủ lẫn phản công. Và chính 3 việc ấy đã cho thấy chúng ta có kế hoạch trận đấu rất tốt, với những con người tuân thủ chặt chẽ kỷ luật chiến thuật.

Thứ nhất, không gian ở biên được phong tỏa cực tốt. Khoảng cách giữa các cầu thủ là rất hẹp, đủ để bao quát và bọc lót cho nhau. Do đó, việc phát động từ biên của Trung Quốc trở nên khó khăn. Và khi không phát động được từ biên, không có các cơ hội tạt bóng, Trung Quốc tìm cách luân chuyển bóng về giữa sân để đổi biên tấn công theo đúng thói quen và như họ từng làm ở lượt đi.

Thứ hai, khi hàng tiền vệ được bố trí với Quang Hải, Hoàng Đức, Hùng Dũng (và thêm Văn Đức ở hiệp 2) giăng ngang, việc đưa bóng về giữa sân để luân chuyển sang biên đối diện của Trung Quốc bị làm chậm lại rất nhiều. Khi bị làm chậm lại việc chuyển hướng này, hàng thủ tuyển Việt Nam có thời gian để chuẩn bị đối phó và do đó, việc chuyển hướng của Trung Quốc lại tiếp tục trở nên bế tắc. Có thể nói, lối chơi của họ đã bị hóa giải hoàn toàn.

Và thứ ba, khi phản công, sự cơ động của Hùng Dũng và Quang Hải đã tạo ra 2 động cơ so le ở 2 phía, trong khi Hoàng Đức đảm nhiệm rất tốt vai trò của một tiền vệ trụ. Chính nhờ sự cơ động này mà Hùng Dũng và Quang Hải đã có khả năng khai thác tốt 2 nội biên. Đặc biệt là Hùng Dũng, anh bật sáng đúng như kỳ vọng và có 2 pha kiến tạo rất sáng.

Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận cự ly 3 tuyến của tuyển Việt Nam rất tốt. Vị trí bình quân cho thấy cầu thủ phòng ngự thấp nhất luôn chỉ cách cầu thủ tiền đạo chơi cao nhất khoảng 30 m, khoảng cách lý tưởng. Nói chung, tuyển Trung Quốc được đánh giá cao hơn, nhưng Việt Nam mới là đội kiểm soát không gian tốt hơn.

HLV Park có chiến thuật hợp lý.

Toan tính của HLV Park

Và đó là tuyển Việt Nam hồi sinh về lối chơi thực sự. Nó cũng cho thấy ông Park đã có những toan tính đúng đắn và mạnh dạn, hoàn toàn mới hẳn so với chính toan tính của ông ở nhiều trận trước đó dù vẫn là lựa chọn chơi phòng ngự phản công như những năm qua.

Việc Hùng Dũng xông xáo góp mặt ở những trọng điểm, có những đường chuyền sắc sảo và 2 pha kiến tạo cũng đánh dấu sự hồi sinh của chính anh sau thời gian dài dính chấn thương nặng phải xa đội tuyển. Tiến Linh, Văn Đức cũng vậy. Sau rất nhiều trận bị chê trách đến mức độ nhiều người còn e ngại họ sẽ mất tinh thần, họ đã mở hàng năm Nhâm Dần của mình rất ngoạn mục. Đó chính là sự hồi sinh cá nhân, sự hồi sinh cần thiết cho chặng đường của chính họ trước mắt.

Nhưng nếu muốn nói đến nhân tố ấn tượng, chúng ta phải kể đến Hoàng Đức, Tấn Tài và đặc biệt là Tuấn Hải. Hoàng Đức chững chạc chứng minh để cạnh tranh vị trí chơi cặp với Hùng Dũng của anh bây giờ là cực khó. Cú xỉa bóng cho Văn Đức phản công thể hiện nhãn quan xuất sắc, chân chuyền xuất sắc của anh. Tấn Tài thì sao? Gương mặt sáng, lối chơi công - thủ phù hợp theo tình thế trên sân, phù hợp với nhịp chơi bóng trên sân của Tài cho thấy việc ông Park phải mạnh dạn dùng anh thay cho Văn Thanh là chính xác hoàn toàn.

Riêng Tuấn Hải, chúng ta cần ngợi khen nhiều hơn. Chính Tuấn Hải mới là cầu thủ chơi hay nhất trên hàng công tuyển Việt Nam đêm mùng 1 Tết. Anh chơi đúng nghĩa tiền đạo toàn diện và rất biết chọn vùng hoạt động. Khi cần chơi như một tiền đạo mục tiêu, Hải tiếp bóng bước 1 gọn ghẽ, ít động tác, che chắn bóng khôn ngoan và chuyền bóng kiến thiết cực sắc sảo.

Không chỉ có 2 bàn đầu tiên mà tình huống ở phút 67 khi anh đưa bóng cho Hùng Dũng dứt điểm đã đủ cho thấy có Hải trên sân, chúng ta khai thác tốt vòng cấm thế nào. Nhưng chừng đó chưa đủ để nói hết cái hay của cầu thủ mới từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh chuyển sang CLB Hà Nội này.

Di chuyển rộng, khi có mặt bên phải, thoắt lại có mặt bên trái, Hải không để cho hàng thủ Trung Quốc một phút ngơi nghỉ nào. Anh khai thác cực tốt vùng giao giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ của Trung Quốc và luôn có những pha lòn xuống đón bóng sau lưng hàng thủ đối phương rất bất ngờ nhờ vào khả năng xuất phát quãng ngắn rất tốt của mình.

Không những thế, Hải còn chịu khó lùi sâu, tạo áp lực cực tốt lên cầu thủ phát động của đối phương và chính anh đã góp một phần cùng hàng tiền vệ để khâu luân chuyển bóng của Trung Quốc bị chậm nhịp đi rất nhiều.

Tuấn Hải không để ai có cảm giác anh là tân binh đội tuyển. Gương mặt lỳ lợm của anh đủ để chứng minh đây sẽ là tiền đạo bản lĩnh của tuyển Việt Nam trong tương lai gần. Vẫn biết là khá tiếc cho ông Park khi chưa mạnh dạn dùng anh từ sớm ở 2021 như đã dùng Hoàng Đức nhưng đây là thời khắc để nghĩ về năm mới, chặng đường mới, bình thường mới và sự hồi sinh của một tuyển Việt Nam mới.

Chúng ta có thể chưa thể mơ tới vòng chung kết World Cup nhưng với các tuyển thủ Việt Nam, những nụ cười rạng rỡ của khán giả trên khán đài, những hoan ca của các ủng hộ viên trên mạng xã hội lúc này có lẽ là hạnh phúc lớn nhất với họ, là phần thưởng lớn nhất với họ. Họ không chỉ “mang chiến thắng về cho mẹ” như cách nói của một bình luận viên. Họ thực sự mang mùa xuân đến với rất nhiều người.

Mà mùa xuân, đó là mùa của hồi sinh, như một tất yếu.

Highlights tuyển Việt Nam 3-1 Trung Quốc Hồ Tấn Tài, Nguyễn Tiến Linh và Phan Văn Đức lần lượt lập công trong chiến thắng của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 tối 1/2.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-hoi-sinh-khi-thang-trung-quoc-post1293690.html