Tuyên truyền pháp luật thiết thực qua những phiên tòa giả định
Nhằm giúp người dân nhận biết và nâng cao nhận thức về các hành vi vi phạm pháp luật, việc tổ chức các phiên tòa giả định mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó giúp mọi người dân hiểu thêm tác hại khôn lường của ma túy cũng như các chất gây nghiện khác, phòng tránh các vụ việc tương tự.
Con đường sa ngã
Phiên tòa giả định chuyên đề “Phòng, chống ma túy và tác hại của thuốc lá điện tử” do Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM phối hợp cùng Ủy ban nhân dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường Linh Chiểu (TP. Thủ Đức) tổ chức sáng 13/7 thu hút đông đảo người dự khán.
Diễn biến phiên xử được xây dựng theo một vụ án có thật xảy ra ở độ tuổi vị thành niên, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Theo nội dung vụ việc, Nguyễn Đình A (SN 2007) ngụ phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức đã gọi điện thoại mua ma túy từ một đối tượng chưa xác định với giá 1,5 triệu đồng. Sau khi giao dịch, trên đường về nhà bằng xe máy, A. bị công an dừng xe kiểm tra và thu giữ tang vật là một đoạn ống nhựa màu vàng, bên trong chứa chất nghi ma túy và 5 mẫu thuốc lá điện tử.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đình A. bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù. Mặc dù luật sư bào chữa xin xem xét mức án treo nhưng vì A. đã từng mua và sử dụng ma túy trong thời gian khá dài (6 tháng) nên HĐXX quyết định tuyên phạt 1 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM cho rằng: hiện nay đa số trẻ vị thành niên phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy là do nhận thức pháp luật còn hạn chế, và ở độ tuổi vị thành niên nên các em hay tò mò, muốn thử cho biết.
“Qua phiên tòa hôm nay cũng cảnh báo cho các phụ huynh trong việc quản lý con em mình trong các hành vi, hoạt động hằng ngày, cũng như cách con sử dụng tiền bạc hằng ngày", Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói.
Việc trẻ thành niên phạm tội tàng trữ trái phép ma túy liên quan chặt chẽ đến sự quan tâm của gia đình. Vậy nên, phụ huynh cần nắm bắt hành vi, hoạt động của con em mình, quan tâm đến vấn đề tiền bạc, tài sản... để kịp thời phát hiện và có những biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Nhận định về mức án được tuyên tại phiên tòa giả định, Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, thuộc Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM cho biết thêm: “Chính vì những người chưa đủ 18 tuổi đang phát triển về thể chất và tinh thần, nhận thức pháp luật cũng chưa cao nên pháp luật mới khoan hồng và tạo điều kiện cho các em có sự nhận biết rõ hơn trong quá trình thi hành án".
Cần sự quan tâm từ nhiều phía
Phiên tòa giả định được xem là một phương pháp tuyên truyền trực quan hiệu quả về các hành vi vi phạm, quá trình xử lý và những tính chất đặc thù của một phiên tòa. Từ đó giúp người dân có nhận thức đúng đắn về pháp luật, hành vi và có biện pháp phòng, chống phù hợp.
Tham gia phiên tòa giả định, bạn Ngô Dực Phong, học sinh trường THPT Tam Phú (TP. Thủ Đức) cho biết đã hiểu thêm về quy định của pháp luật, rút ra được nhiều bài học về việc phòng chống ma túy và tác hại của thuốc lá điện tử.
“Pháp luật có tính răn đe và tính giáo dục cao trong đời sống. Về từng độ tuổi sẽ có mức áp dụng pháp luật khác nhau như trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi. Qua đó tôi cũng thấy được, pháp luật ngoài tính pháp lý và răn đe, còn có sự khoan hồng để giúp cho người phạm tội có thể quay đầu, tái hòa nhập với cộng đồng", bạn Ngô Dực Phong cho biết.
Đại diện Ban điều hành Khu phố 9, phường Linh Chiểu (Thủ Đức), bà Lê Thị Trang chia sẻ phiên tòa giả định là một hoạt động bổ ích, giúp nâng cao nhận thức không chỉ cho tầng lớp thanh thiếu niên mà còn giúp phụ huynh nâng cao cảnh giác và quan tâm đến con em mình nhiều hơn.
“Tôi thấy phiên tòa hôm nay diễn ra rất là bổ ích cho các cháu thiếu niên, thanh niên và các vị phụ huynh tới dự. Trong cuộc sống, mình phải theo dõi, phải để ý đến các con, không được để các cháu đi chơi tự do. Mỗi người sẽ có cách dạy con khác nhau, kết hợp với nhà trường, cùng với các đoàn thể như thanh niên, thiếu niên hoặc các tổ chức phòng, chống tệ nạn và công an. Mình nên kết hợp để giáo dục con em, để cho gia đình mình thêm hạnh phúc", bà Lê Thị Trang nói.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, ngoài tổ chức phiên tòa giả định, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM còn thường xuyên đến các trường học để trực tiếp kiểm tra môi trường sinh hoạt của các em, đồng thời tuyên truyền pháp luật vào giờ chào cờ đầu tuần.
Phòng chống ma túy và tác hại của thuốc lá điện tử là một cuộc chiến dài lâu, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể. Một trong những phương pháp tuyên truyền hữu hiệu là phiên tòa giả định, đây là hình thức tiếp cận trực quan, cụ thể giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân, đặc biệt là học sinh, phụ huynh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy.