Tuy Đức ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai

Tuy Đức chịu nhiều thiệt hại bởi đợt mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất vừa qua. Huyện đang tập trung ổn định lại dân cư, khôi phục sản xuất, bảo đảm cuộc sống người dân.

Ổn định dân cư vùng nguy cơ sạt lở

Vợ chồng ông Điểu Pi Á, xã Quảng Trực ổn định chỗ ở trong chòi rẫy để tiếp tục sản xuất những ngày tới

Tranh thủ những ngày nắng ráo, anh Điểu Toàn, ở bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (Tuy Đức) nhờ người thân phụ giúp tháo dỡ căn nhà ở trên khu đất nứt gãy, sạt lở tại bon Bu Krắc.

Nhà của anh Toàn hơn 100 m2 đã bị nứt trong đợt mưa lũ vừa qua. Trước mắt, anh chuyển các đồ đùng trong nhà đưa vào khu rẫy để ở nhằm sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Còn gia đình ông Điểu Pi Á, với 5 nhân khẩu đã chuyển vào rẫy ở từ ngày 1/8. Sau khi di dời, gia đình ông được hỗ trợ lương thực, thực phẩm từng bước ổn định cuộc sống.

Người dân tháo dỡ, di dời tài sản vùng sạt lở để ổn định cuộc sống

Ông Điểu Pi Á cho biết, nhà ông nằm cạnh tuyến đường xảy ra nứt gãy. Căn nhà của ông bị nứt nên gia đình phải di dời đến nơi an toàn. "Ở trong rẫy không có điện, nước nhưng tôi cảm thấy yên tâm và đi làm cũng thuận lợi hơn", ông Điểu Pi Á cho hay.

Xã Quảng Trực có 66 hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Trong đó, 51 hộ với 170 khẩu di dời đến nhà người thân và ở tạm trong rẫy; 15 hộ với 52 khẩu không có chỗ ở được di dời đến Trường THCS Bu Prăng 1A.

Ông Đoàn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực (Tuy Đức) cho biết, từ khi có hiện tượng nứt, sụt lún đất, chính quyền xã đã có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Người dân hiện nay cơ bản đã trở lại cuộc sống bình thường. Phần lớn các hộ di dời đã chủ động quay trở lại lao động, sản xuất, dần ổn định cuộc sống.

Tập trung chăm sóc cây trồng

Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, vườn sầu riêng 300 cây của anh Phạm Văn Ánh, ở thôn 2, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) bị thiệt hại hơn 1 nửa. Nước ngập kéo dài hơn 10 ngày khiến 160 cây sầu riêng năm thứ 2 bị ảnh hưởng nặng. Ao cá 500m2 của anh gần như mất trắng.

Vườn sầu riêng của anh Ánh bị thiệt hại nặng do ngập úng

Anh Ánh cho biết, làm nông nghiệp nhiều năm, nhưng anh chưa bao giờ chứng kiến đợt mưa lớn gây ngập úng như thời gian qua. Anh đang tính toán để cải tạo vườn cây để giảm bớt thiệt hại.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phú, ở thôn 2, xã Quảng Tâm có 2 ao cá khoảng 3.500m2 bị ngập hoàn toàn. Ông nuôi cá 2 năm thu hoạch một lần.

Dự kiến cuối năm nay, cá đến thời kỳ xuất bán. Cá đã đạt trọng lượng từ 3 - 5 kg/con nên thiệt hại lớn. Ông mất trắng khoảng hơn 100 triệu đồng từ các ao cá.

Ông Phú cho biết: "Đã 25 năm ở đây chưa có đợt ngập lụt nào lớn như năm nay. Hiện tượng này chưa từng có, nên gia đình có phần chủ quan. Toàn bộ ao cá của gia đình bị nước ngập trong nhiều ngày. Thời gian tới, tôi sẽ thuê máy móc đắp cao bờ, khơi thông dòng chảy để nếu có mưa lớn cũng không bị ảnh hưởng".

Sắp tới, ông Phú sẽ đắp bờ bao và khơi thông hệ thống thoát nước để tránh thiệt hại

Theo thống kê của huyện Tuy Đức, huyện bị thiệt hại về cây trồng khoảng 150 ha. Trong đó, xã Quảng Tâm thiệt hại 105 ha, Đắk Búk So 14 ha, Đắk R’tíh 23 ha… Cùng với đó, có 122 ha nuôi thủy sản bị ngập. Tổng thiệt hại của huyện đợt mưa lũ vừa qua khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, huyện đang hướng dẫn người dân tập trung khôi phục sản xuất. Trước mắt, cần sớm khôi phục ở những nơi không còn ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Ngành chức năng của huyện tuyên truyền để các gia đình có biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai, trước hết là gia cố bờ ao, khơi thông khe suối, tạo dòng chảy tốt, giảm thiểu nước ứ đọng.

Huyện Tuy Đức hỗ trợ nhu yếu phẩm người dân vùng nguy cơ sạt lở cao

Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, từ khi xuất hiện mưa lớn, ngập úng, sụt lún đất, huyện phối hợp UBND các xã tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân triển khai khắc phục hậu quả và rà soát, thống kê thiệt hại.

Các lực lượng chức năng của huyện tiếp tục nắm tình hình để có giải pháp khắc phục kịp thời nếu có tình huống bất ngờ xảy ra. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân phải di dời để ổn đình cuộc sống trước mắt.

Cùng với đó, các phương án ổn định dân cư lâu dài đang được các ngành chức năng của huyện tính toán, sớm giúp người dân vùng sạt lở ổn định chỗ ở.

Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn bị ảnh hưởng, huyện Tuy Đức đã huy động lực lượng để khắc phục kịp thời, bảo đảm giao thông đi lại cho người dân.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tuy-duc-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-bi-anh-huong-boi-thien-tai-159702.html