Tướng Phan Anh Minh góp ý cho thành phố Thủ Đức
Tướng Phan Anh Minh cho rằng Quốc hội phải có nghị quyết tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt - thành phố Thủ Đức để giải quyết công việc nhanh, đúng tầm.
Sáng 6-10, Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP giai đoạn 2019-2021.
Góp ý cho đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP cho biết thành phố Thủ Đức được sáp nhập từ ba quận: 2, 9 và Thủ Đức. Nếu thẩm quyền vẫn chỉ như một đơn vị hành chính cấp huyện thì rất khó thực hiện khi được giao khối lượng quản lý rất lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn lớn hơn một số tỉnh.
Ông Phan Anh Minh nêu quan điểm: "Thẩm quyền Chủ tịch, Trưởng Công an, các trưởng ban ngành của thành phố Thủ Đức đều là thẩm quyền cấp huyện nhưng lại phải thực hiện những chuyện lớn hơn. Hiện nay chiếc áo đang mặc đã quá chật, bây giờ 3 người lại mặc chung cái áo thì càng chật hơn. Nếu chúng ta không tính toán thì sẽ không giải quyết được công việc".
Theo ông, đi đôi với xin ý kiến phải có nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này - thành phố Thủ Đức, kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính.
Với kinh nghiệm ở vị trí từng công tác, ông Phan Anh Minh cho biết việc quản lý nhân khẩu tạm trú và vãng lai là rất khó vì số lượng biến động rất nhanh, khó nắm rõ. Vì vậy, đề án phải tính tới điều kiện địa lý của các địa bàn sau sáp nhập đều đang là đô thị. Đây là những địa bàn có rất đông người dân nhập cư để thấy được khối lượng công việc sắp tới phải giải quyết.
Tránh xáo trộn cho người dân
Đối với nội dung sáp nhập 19 phường trên địa bàn TP, ông Phan Anh Minh cho rằng cần tính toán tránh xáo trộn cho người dân. "Thực tế cho thấy, có những tên đường, địa danh đổi tên tùy tiện, có nơi đổi tên ba lần mà vẫn muốn đổi nữa. Mỗi lần đổi là không chỉ gây khó khăn cho người dân mà cán bộ quản lý hành chính địa bàn đó cũng khổ, công an đi xác minh cũng vất vả" - ông Phan Anh Minh nói.
Do đó, ông Phan Anh Minh đề xuất để tránh xáo trộn và giảm đến mức thấp nhất cho người dân thì nên chọn một tên cũ để giữ lại làm tên phường mới. Ví dụ như nhập 3 hay 2 phường thì chọn một tên cũ để giữ lại, như thế một phần dân cư đó không bị xáo trộn. Còn nếu buộc phải đổi tên phường thì cần lý giải cho rõ ràng và phải đảm bảo rằng đây là lần đổi cuối cùng, chứ sau lại đổi nữa lại xáo trộn đời sống người dân.
Đơn cử như theo đề án, phường 6, 7, 8 (quận 3) sẽ được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Võ Thị Sáu là một nữ anh hùng của dân tộc, có công với đất nước. Nhưng việc lấy tên nhân vật lịch sử lớn đặt tên phường liệu có phù hợp chưa. Và tại sao lại chọn tên Võ Thị Sáu chứ không phải cái tên nào khác - điều này cần được giải thích một cách thuyết phục.