Từ 'vùng đáy' 9 tháng, giá cà phê Arabica đảo chiều tăng mạnh
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 2/10, khi giá Arabica hồi phục từ mức thấp nhất vào tháng 1/2023.
Sau 3 ngày giảm liên tiếp, giá cà phê Arabica đảo chiều tăng 2,02% trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 10. MXV cho biết, lực mua kỹ thuật khi giá chạm mức chặn cứng kết hợp cùng dữ liệu tồn kho kém tích cực trên Sàn hàng hóa liên lục địa (ICE) đã hỗ trợ giá.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên báo cáo kết thúc phiên 29/9 chỉ ở mức 441.945 bao loại 60kg, giảm hơn 2.000 bao so với phiên trước đó. Xét về dài hạn, dữ liệu tồn kho vẫn đang trên đà giảm kể từ đầu tháng 2 năm nay.
Cùng chung diễn biến, giá cà phê Robusta giảm nhẹ 0,04%, lên giao dịch tại mức 2.484 USD/tấn. Số liệu xuất khẩu cà phê kém tích cực tại Việt Nam và Indonesia đã phần nào giảm bớt những áp lực lên giá.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 9 của Việt Nam đạt 65.000 tấn, giảm mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời lũy kế 9 tháng đầu năm xuất đi thấp hơn 7,3% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê Sumatra Robusta trong tháng 8 của Indonesia đạt 16.166,17 tấn, giảm 55,48% so với mức 36.313,2 tấn được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ chính phủ nước này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được điều chỉnh tăng nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua ở mức 66.000 – 66.800 đồng/kg.
Giá cà phê thế giới tăng cao đã kéo theo giá cà phê xuất khẩu trong nước tăng tương ứng. Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.499 USD/tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giá cao trong nhiều năm qua.
Theo MXV, năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể cán mức kỷ lục là nhờ giá nội địa và giá thế giới leo lên mức cao nhất trong 15 năm. Do nguồn cung khan hiếm, lượng cà phê dự trữ thấp, sản lượng lại giảm đáng kể và nhu cầu trên thế giới về Robusta tăng mạnh nên mới có được mức giá tốt này.
Dù kim ngạch đạt mức cao là kết quả đáng mừng đối với ngành cà phê, nhưng nhìn lại hoạt động xuất khẩu trong hai năm qua thì khả năng có thể duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao trong dài hạn là điều chưa chắc chắn. Bởi có thể thấy rằng yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu cà-phê năm 2023 vượt 4 tỷ USD là nhờ vào giá tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.
Trước đó, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu cà-phê là nhờ lượng cà phê xuất mức cao thứ ba trong 10 năm, với 1,78 triệu tấn. Chính vì đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, bên cạnh sản lượng giảm 10-15% trong niên vụ 2022/23.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2023, Việt Nam có thể thu về 4,2 tỷ USD từ việc xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê. Như vậy, xuất khẩu cà phê đang đứng trước cơ hội phá kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp ngành cà phê Việt Nam đạt trên 4 tỷ USD. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp ngành có thể đặt kỳ vọng vào mục tiêu 6 tỷ USD của năm 2030.