Từ vùng đầm lầy đến chứng nhận Danh lục xanh: Kinh nghiệm bảo tồn và phát triển du lịch của cộng đồng dân cư ở Vân Long

Từ một vùng đầm lầy, ngập nước quanh năm không một ai biết đến, thế nhưng nhiều năm gần đây đã được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên, được vinh danh là Khu Ramsar, không những thế còn được Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục xanh đầu tiên ở Đông Nam Á. Vân Long có được tất cả những điều đó không thể không kể đến công tác bảo tồn, phát triển du lịch của cộng đồng dân cư nơi này.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục xanh đầu tiên ở Đông Nam Á (ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục xanh đầu tiên ở Đông Nam Á (ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Từ trung tâm huyện Gia Viễn (Ninh Bình), theo chân cán bộ Phòng Văn hóa xuôi về phía Đông chừng 2km, chúng tôi đã đặt chân đến Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Đón tiếp chúng tôi là ông Trần Xuân Quang - người được mệnh danh là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” cho Vân Long xuyên suốt gần 3 thập kỷ qua.

Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 68, mái tóc đã nhuốm trắng tuy nhiên dáng đi của ông vẫn còn nhanh thoăn thoắt, ánh mắt tinh anh và giọng nói hãy còn hào sảng. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Gia Vân. Cũng như bao chàng trai, ông xung phong nhập ngũ khi đất nước đang bị đế quốc Mỹ xâm lược. Sau 8 năm chinh chiến, đất nước thống nhất ông ra quân năm 1983, mặc dù khi trở về là thương binh 23% nhưng ông vẫn hăng hái tham gia các phong trào ở quê nhà với các vị trí xã đội trưởng, trưởng thôn, chủ nhiệm hợp tác xã…

Năm 1995 khi ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nhưng ông và một số thành viên đã hình thành suy nghĩ làm du lịch ở Vân Long. “Đến năm 1997 – 1998, chúng tôi bắt tay với Khách sạn Hoa Lư (khách sạn lớn nhất tỉnh Ninh Bình thời bấy giờ) dùng thuyền câu của bà con, lội bùn, leo núi để khảo sát tất cả các hang động, đỉnh núi, ghi chép lại tất cả các loài động vật, trong đó có nhiều loại không biết tên. Thời điểm đó, làm du lịch còn bị coi là “gàn dở” chứ đừng nói đến công tác bảo tồn thì quá xa vời”.

Bước sang giai đoạn năm 1999 – 2000, các nhà khoa học cùng Viện Quy hoạch rừng vào khảo sát, điều tra tại đây, do thông thạo địa hình nên ông Quang xung phong dẫn các Đoàn nghiên cứu đi khắp vùng đất Vân Long, cứ cơm nắm muối vừng, khát thì tìm các mó nước trong núi uống, ăn ngủ đêm trong núi rừng trùng điệp suốt nhiều đêm với các chuyên gia.

Ông Trần Xuân Quang tự hào khi kể về những thành quả mà Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đạt được trong hơn 2 thập kỷ qua.

Ông Trần Xuân Quang tự hào khi kể về những thành quả mà Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đạt được trong hơn 2 thập kỷ qua.

“Cũng năm 2000, huyện Gia Viễn thành lập Tổ du lịch Vân Long (xã Gia Vân) với 13 người và ông vừa kiêm xã đội trưởng vừa là tổ trưởng nhưng không có lương. Lúc đó, chúng tôi phải tìm mua các thuyền câu bên Gia Trung, Gia Tiến được tầm 30 – 40 chiếc để phục vụ chủ yếu cho các Đoàn khảo sát, Đoàn khoa học nghiên cứu bảo tồn và không lấy tiền công. Vì không có lương mà công việc lại vất vả nên một số thành viên đã rời đi, tuy nhiên khá may mắn khi đó có 17 hộ tự nguyện góp thuyền phục vụ với mình”, ông Quang chia sẻ.

Khó khăn nhất là lúc làm bảo tồn, địa phương đã phải họp không biết bao nhiêu hội nghị với bà con nhân dân thôn Thập Ninh vì thời điểm đó toàn bộ vùng Vân Long đang là sinh kế chính của người dân, trên núi thì thả hàng nghìn con dê, chặt củi trên rừng bán, đá núi phục vụ tiểu cảnh, dưới nước thì trồng lúa thế nên thời ăn còn không đủ, thì vận động cộng đồng dân cư dừng tất cả các việc trên để hy sinh cho công tác bảo tồn là cực kỳ khó khăn. Thế nhưng với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước khó khăn của bộ đội cụ Hồ, ông Quang đã vận động từng người, từng nhà, dần dần người bà con hiểu ra và tự nguyện chung tay bảo vệ Vân Long.

Bao vất vả đã được đền đáp cho nhân dân thôn Thập Ninh nói riêng và xã Gia Vân nói chung vào năm 2001, nơi đây chính thức trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Từ đó đến nay, không hề có bất kỳ trường hợp nào người dân địa phương xâm hại đến khu bảo tồn, ai ai cũng có ý thức bảo vệ và chuyển hướng sang khai thác du lịch bền vững.

Sau khi trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên, từ năm 2002 – 2004 du khách bắt đầu tìm về để du ngoạn cảnh sắc sơn thủy. Năm ấy chưa hề có nhà nghỉ, khách sạn nên để níu chân khách, bà con đành phải hy sinh đưa du khách về từng nhà dân để ngủ nghỉ, săn sóc. Cũng giai đoạn ấy tuyến đường trục chính kết nối Quốc lộ 38B (ngày trước là Quốc lộ 12B) đến Vân Long đang mở rộng, lầy lội, bà con dọc tuyến vừa tự nguyện hiến đất làm đường, vừa tập trung bố trí xe máy ra tận đường chính để trung chuyển du khách từ xe ôtô sang xe máy để vào tham quan.

Ông Trần Xuân Quang cũng như tất cả các lái đò ở Vân Long lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ các Đoàn nghiên cứu khoa học về bảo tồn, đa dạng sinh học.

Ông Trần Xuân Quang cũng như tất cả các lái đò ở Vân Long lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ các Đoàn nghiên cứu khoa học về bảo tồn, đa dạng sinh học.

Chính nhờ sự đồng tâm, hợp lực, vừa làm bảo tồn vừa chăm chút phát triển du lịch của bà con nhân dân xã Gia Vân nên năm 2007 – 2008, tổng lượng khách quốc tế đến với Vân Long đạt trên 90.000 lượt khách/năm.

Người dân thôn Thập Ninh luôn tự hào rằng: Các thế hệ đi trước đã vượt qua vô vàn gian khó để bảo vệ và gìn giữ mới có được Vân Long như ngày hôm nay, chính vì vậy chúng tôi luôn luôn có ý thức chung tay tham gia vào công tác bảo tồn, bảo vệ Vân Long trước những tác động xấu. Hiện, Vân Long trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, sở hữu 2 kỷ lục là “Nơi có số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất” - bức tranh núi mèo cào.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Huyện đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng dân cư xã Gia Vân đã tham gia rất tích cực trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển thương hiệu du lịch Vân Long. Có được ngày hôm nay là công sức không nhỏ của bà con nhân dân. Chính vì hiếm có nơi nào mà cộng đồng dân cư đoàn kết, tham gia tích cực với công tác bảo tồn trong nhiều thập kỷ như ở Vân Long nên nhiều tổ chức, Đoàn nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới đến đây ở học tập và trau dồi kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Trong những năm tới, trong bối cảnh mới, xu hướng phát triển mới, nhiều cơ hội và thách thức hơn, huyện Gia Viễn tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, triển khai thực hiện tốt theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045. Từng bước phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô như: Khai thác tuyến tour du lịch “Tìm về cội nguồn”; Vân Long xanh kết hợp với chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh”, “Hộp quà xanh”, “Ngày chủ nhật xanh”… từ đó góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “an toàn – thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có diện tích khoảng 3.500ha, đây được coi là khu đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ, là khu vực có đa dạng sinh học cao với 457 loài thực vật bậc cao (8 loài được ghi trong sách đỏ), 39 loài động vật (12 loại động vật quý hiếm, trong đó phải kể đến loài Voọc mông trắng có số lượng lớn nhất Việt Nam). Trải qua hơn 20 năm bảo tồn và phát triển, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã vinh dự được công nhận là khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam; được Ủy ban Danh lục xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận Danh lục xanh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về những kết quả bảo tồn đã đạt được cũng như có đóng góp vào các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu.

Anh Tú

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tu-vung-dam-lay-den-chung-nhan-danh-luc-xanh-kinh-nghiem-bao-ton-va-phat-trien-du-lich-cua-cong-dong-dan-cu-o-van-long-363427.html