Từ vụ chuyến bay giải cứu: Nộp tiền khắc phục hậu quả được giảm án ra sao?

Theo luật sư, hiện nay luật không quy định rõ mức khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

TAND TP Hà Nội đang xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đối với 54 bị cáo.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 17-7, HĐXX đã tạm ngừng phiên tòa để luật sư, bị cáo cung cấp tài liệu chứng cứ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Từ đây, nhiều bạn đọc đặt ra câu hỏi, liệu các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả có được giảm án, giảm đến đâu?

Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu tính đến ngày 17-7 đã nộp khắc phục số tiền tổng cộng hơn 100 tỉ đồng và 1,5 triệu USD. Ảnh: CTV

Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu tính đến ngày 17-7 đã nộp khắc phục số tiền tổng cộng hơn 100 tỉ đồng và 1,5 triệu USD. Ảnh: CTV

Giải đáp vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị tòa án đưa ra xét xử nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, thì việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Vì vậy, người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ.

Hiện nay, luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Xét theo thực tế thì mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra thì người phạm tội mới được giảm nhẹ hình phạt.

Cạnh đó, đối với tội phạm nhận hối lộ, theo LS Hùng thì việc nộp tiền là một biện pháp khắc phục hậu quả. Việc thu hồi lại tài sản nhận hối lộ là điều cần thiết, sau khi thu hồi có thể xem xét việc giảm nhẹ hình phạt chứ không phải “nộp tiền thay vì đi tù”.

Ngoài ra, quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 40 BLHS quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo một thẩm phán tại TP.HCM, căn cứ Khoản 2, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ có quy định, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Như vậy, trong quá trình xét xử, nếu bị cáo nộp ít nhất 3/4 tài sản hối lộ và được HĐXX ghi nhận một trong hai tình tiết là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì về nguyên tắc sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Tháng 4-2020, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án y án sơ thẩm 16 năm tù đối với cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong vụ án liên quan thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG.

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 12-2019, ông Nguyễn Bắc Son và gia đình đã nộp lại 66 tỉ đồng tiền tham nhũng.

HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định rằng gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã thay mặt nộp 66 tỉ đồng, tiền nhận hối lộ được khắc phục ; nhân thân tốt, đạt nhiều thành tích chiến đấu... nên không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình như VKS đề nghị.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-chuyen-bay-giai-cuu-nop-tien-khac-phuc-hau-qua-duoc-giam-an-ra-sao-post743209.html