Tư vấn ADPi của Pháp: Vùng Thủ đô Hà Nội cần bổ sung sân bay thứ 2
Theo tin từ Bộ Giao thông Vận tải, đã có 2 địa phương và cả phía tư vấn góp ý Vùng Thủ đô Hà Nội cần bổ sung sân bay thứ 2 trong thời gian tới.
TP Hải Phòng đã đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là Cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô. (Ảnh minh họa).
Theo tin tù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong dự thảo Tờ trình của Bộ này trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu thông tin về việc quy hoạch xây dựng cảng hàng không (CHK) thứ 2 Vùng Thủ đô.
Cụ thể, vừa qua có ý kiến của hai địa phương về xác định vị trí quy hoạch, xây dựng sân bay này tại tỉnh Hà Nam và TP Hải Phòng. Trong công văn góp ý dự thảo trên vào ngày 2/3, TP Hải Phòng đã đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là Cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô.
Còn UBND tỉnh Hà Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT và đề nghị tư vấn nghiên cứu, đánh giá và đề xuất vị trí đảm bảo khả thi hơn vị trí huyện Lý Nhân do đã quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị và dự án đang triển khai thực hiện.
Theo nguồn tin trên, việc xác định CHK thứ 2 Vùng Thủ đô được tư vấn rà soát, đánh giá trên cơ sở số liệu dự báo về nhu cầu vận chuyển hàng không của khu vực Vùng Thủ đô và khả năng mở rộng của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (HKQT).
Đối với số liệu dự báo về nhu cầu vận chuyển hàng không của khu vực Vùng Thủ đô, hồ sơ gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cho biết tổng nhu cầu hành khách thông qua hệ thống CHK đạt khoảng 276 triệu hành khách trong giai đoạn đến năm 2030.
Được biết, Cảng HKQT Nội Bài được tính toán và quy hoạch mở rộng đảm bảo chung cho nhu cầu vận chuyển hàng không của Vùng Thủ đô với công suất đạt 60 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050, tổng sản lượng hành khách thông qua hệ thống CHK đạt khoảng 654,5 triệu hành khách, riêng khu vực Vùng Thủ đô đạt khoảng 121,8 triệu hành khách.
Còn theo nội dung hồ sơ quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài do Tư vấn ADPi của Pháp nghiên cứu, có thể mở rộng đáp ứng công suất tối đa khoảng 100 triệu hành khách/năm. Vì vậy cần nghiên cứu CHK thứ 2 Vùng Thủ đô để đảm bảo đưa vào khai thác ngay trong giai đoạn đến năm 2050.
Cũng theo thông tin từ đơn vị tư vấn, cơ quan này cho biết đã tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các tỉnh/thành phố và rà soát lại toàn bộ số liệu dự báo, cập nhật số liệu dự báo mới nhất về ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA); cập nhật số liệu dự báo phân bổ chung cho 5 lĩnh vực GTVT; cập nhật và rà soát lại ảnh hưởng của Covid-19, ảnh hưởng của đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường bộ cao tốc…
Sau khi có kết quả rà soát 6 tiêu chí nói trên, đơn vị phân tích cho thấy số liệu dự báo đã có sự thay đổi. Cụ thể, giai đoạn định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu hành khách thông qua hệ thống CHK là 490,7 triệu hành khách/năm và khu vực Vùng Thủ đô là 107,2 triệu hành khách/năm.
Tư vấn ADPi cho biết, trong giai đoạn sau năm 2050, Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ cần bổ sung Cảng hàng không thứ 2 để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không”.
Được biết, trước đó, tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vị trí CHK quốc tế Hải phòng tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng với vai trò là cảng hàng không dự bị cho Cảng HKQT Nội Bài.
Cho nên trước mắt tư vấn kiến nghị tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng HKQT Hải Phòng nhằm mục đích dự bị cho Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Cát Bi. Dự kiến, sau năm 2040 sẽ tiếp tục nghiên cứu để lập quy hoạch này cho phù hợp với nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của Vùng Thủ đô.
Bộ GTVT cho biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, mục tiêu định hướng đến năm 2050 tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành đầy đủ 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối và trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM. Đầu tư hoàn thành các CHK có nhu cầu lớn tại các trung tâm kinh tế vùng, phù hợp với nhu cầu vận tải; tiếp tục quan tâm đầu tư và phát triển các CHK tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo để phát triển kinh tế cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh.