Từ tự luận đến... tự lập
Chủ đề hôm nay người viết muốn bàn tới xuất phát từ đoạn trích trong cuốn sách có tên 'Dám bị ghét' của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, NXB Dân trí 2024: 'Nghe này, chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Tôi không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Chúng ta không cần đáp ứng mong đợi của người khác'.
Chàng trai đáp: "Không, quan điểm này thì quá vị kỷ. Thầy đang bảo tôi cứ sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thôi sao?". Vị triết gia trả lời: "Nhu cầu được người khác thừa nhận, suốt đời để ý đến đánh giá của người khác cuối cùng sẽ thành ra sống cuộc đời của người khác". Nội dung trong các đoạn trích đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn làm để thi tuyển sinh lớp 10, môn Ngữ văn năm 2024.
Trong bài viết này, tuy không nhằm mục đích đánh giá việc ra đề thi của ngành giáo dục nhưng người viết cho rằng đây là một đề thi đáng giá. Ít nhất, nó cũng thật sự thiết thực với những người trẻ sinh năm 2009, thời điểm mà mạng xã hội Facebook được xếp hạng là: "dịch vụ mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất bởi người dùng hoạt động hằng tháng trên toàn thế giới". Một thế hệ lớn lên trong sự kết nối của thế giới tính tương tác cao.
Nếu hơn 400 năm trước, hoàng tử Hamlet trong vở kịch của Shakespeare đứng trước lựa chọn: "sống hay không sống" thì với người trẻ hôm nay là câu hỏi: Nên hay không nên "đáp ứng mong đợi của người khác" cũng là một câu trả lời không hề dễ dàng. Và, có lẽ trên hành trình lớn lên từ vòng tay bố mẹ để tự lập, các bạn ấy sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi như thế. Những cật vấn cho sự trưởng thành, trả lời bằng chính sự nghiệp của mình.
Từ một bài thi tự luận đến sự tự lập, có vẻ như hai mức độ khác nhau giữa lời nói và việc làm. Nhưng, từ xưa đến nay, từ lập ngôn và lập thân chẳng phải là con đường đúng đắn với chúng ta đó sao. Chỉ khi nói lên tiếng nói của bản thân, khát vọng cho tương lai, chúng ta mới tìm thấy con đường và đích hướng tới. Sự tư duy, lựa chọn và khẳng định bản thân cho thấy bản lĩnh văn hóa ở mỗi người dù khi bạn còn rất trẻ. Nền tảng văn hóa của mọi hình thái xã hội có lẽ cũng được tạo dựng từ bản lĩnh ấy.
Liệu, có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Chính các thí sinh đang cầm bút viết bài tự luận ngữ văn này cũng đang phải "sống vì người khác". Đó là kết quả học tập, là sự so sánh bằng tiêu chí "con người ta".
Là một người rất hiểu thế hệ trẻ, trải qua nhiều năm tháng đồng hành cùng các em, nhà báo Hoàng Anh Tú có chia sẻ thú vị về chủ đề này trong bài báo có tên "Trượt lớp 10 chứ đừng trượt ngã", trong đó có đoạn: "Con trượt vào lớp 10 thì cha mẹ làm gì? Tôi nghĩ rằng, cha mẹ hãy cho con thấy cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất của con. Thậm chí, ngay những ngày này, khi chưa có kết quả, hãy trò chuyện cùng con, nếu có điều kiện thì đưa con đi du lịch hoặc cùng con về quê, hãy là những ngày thật vui vẻ. Để con nhận ra rằng hôm qua là thứ ta không thể làm lại, cuộc đời là những gì thuộc về hôm nay và ngày mai".
Không biết thầy cô và các em có nghĩ rằng: Lời khuyên của anh cựu Chánh Văn trên Báo Hoa học trò một thời với các bậc phụ huynh chính là một trong những gợi ý cho câu 3 (phần II) của đề thi vừa nêu trên: "nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta?". Ứng xử như thế nào ư? Thực ra lâu nay hình như chỉ có con cái phải đáp lại lòng mong mỏi của cha mẹ và rất ít khi chúng ta đáp lại sự kì vọng của chúng về một yêu cầu: Người cha, người mẹ "là chỗ dựa vững chắc nhất của con".
Thực ra, điều tưởng như đơn giản này đã trở thành đề tài của những cuộc bàn thảo diễn ra âm thầm, bền bỉ, như âm và dương, tạo cho chúng ta luôn phải suy ngẫm. Từ thế kỉ XIX, nhà văn người Anh Charles Lutwidge Dodgson (1832-1898) đã chỉ ra một chân lý thật sự bất ngờ: "Một trong những bí mật của cuộc sống: tất cả những gì thực sự đáng làm đều là những gì ta làm vì người khác".
Thoạt nghe chúng ta thấy thật mâu thuẫn: Tất cả mọi hoạt động mưu sinh, học tập và cả hưởng thụ của mỗi chúng ta đều xuất phát từ nhu cầu, mục đích vì bản thân mình. Tuy nhiên, chỉ khi bạn tuân thủ những nguyên tắc vì lợi ích chung của gia đình, cộng đồng và xã hội, hạnh phúc mới đến với cá nhân bạn chứ không có kẻ vị kỉ nào một mình tìm thấy hạnh phúc. Vì người khác hay vì bạn? Có lẽ nên hiểu một cách linh hoạt hơn chăng?
Vì người khác cũng không có nghĩa bạn luôn phải sống theo cách nghĩ của người khác mới thành công, dù đó là cha mẹ mình. Cũng là sự lập nghiệp, sự thành đạt, sáng tạo, đổi mới nhưng từng thế hệ lại có cách nghĩ, cách làm khác nhau. Chỉ cần bạn thành công, đem lại những ích lợi cho xã hội, bạn sẽ vì tất cả, vì một số nhiều, số đông thay bằng một hoặc một nhóm người. Vì thế, chỉ có đi theo tiếng gọi của khát vọng, bạn sẽ thấy con đường mở ra.
Trong nhiều cuốn sách, các nhà văn từng khuyên giới trẻ như thế. Nữ văn sĩ Jung Heejae (Hàn Quốc) viết trong cuốn: "Quyền tách khỏi đám đông": "Bạn trẻ à! Mỗi người chỉ có một cuộc đời này để sống thôi. Hà cớ gì lại chuyển trọng tâm của cuộc sống mình từ "tôi" sang "người khác"? Sao lại phó mặc tất thảy quyền làm chủ bản ngã của mình cho những đánh giá và tâm trạng biến đổi thất thường của người khác?". Còn trong cuốn "Excellent Sheep" (Bầy cừu xuất chúng) của William có câu: "Đừng bao giờ lập kế hoạch cho cả cuộc đời mình, bởi vì con người thay đổi rất nhiều trong hai hoặc ba năm, và những ý tưởng mới sẽ được sản sinh liên tục".
Nhưng, "phó mặc tất thảy quyền làm chủ bản ngã của mình cho những đánh giá" và "ý tưởng mới sẽ được sản sinh liên tục" mở ra một hướng đi tự do, tự chủ nhưng mới thật sự chông gai. Đôi khi, được làm điều mình thích chẳng dễ dàng gì so với sống theo ý muốn của cha mẹ, của những người xung quanh.
Những điều này đã được chứng minh trong thực tế: Chàng trai trẻ Dương Ngọc Trường (Thạch Thành, Thanh Hóa) vốn ấp ủ một ước mơ: "Em muốn về quê, chị ạ, nhìn thấy quê mình còn nghèo, còn khó khăn, bà con còn khổ nên em muốn về quê". Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, anh đã phải vượt qua những thử thách không hề nhỏ. Nhưng, dù khó khăn đến đâu, Trường vẫn luôn kiên định xây dựng một hướng đi có tên "nông nghiệp sạch": "Chọn nông nghiệp sạch, em đối mặt với nhiều khó khăn như là sâu bệnh, mẫu mã không được ưa chuộng, giá thành cao,... Thất bại cái đầu tiên thì em chuyển qua làm miến dong không hóa chất, rồi kế đến sản xuất rượu hạt cau" (theo: Bảo Trân-Báo Tri thức trẻ).
Cũng như Trường, người công nhân trẻ Nguyễn Văn Bảo (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã theo đuổi sáng tạo sản phẩm mỹ nghệ từ mây. Vượt qua những thử thách ấy, thành quả lớn nhất của anh chính là bài học cuộc đời mà Bảo đã chiêm nghiệm: "Nghĩ lại, tôi thấy bản thân cũng liều nhưng người trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì phải quyết đoán và thật kiên trì. Mỗi người có cách riêng để thành công, nhưng phải thật sự theo đuổi thứ mình thích".
Trong tương lai gần, những thí sinh hôm nay sẽ bước vào tiếp những bước mà Dương Ngọc Trường, Nguyễn Văn Bảo đã trải qua. Từ lập ngôn hôm nay đến con đường lập thân mai sau là một khoảng cách lớn. Tuy nhiên, hãy cứ sống với những đam mê, khát khao bằng bản lĩnh của mình để không chỉ sống vì mình, vì người khác mà vì tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời này. Đó chính là lựa chọn để lập thân của mỗi chúng ta.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tu-tu-luan-den-tu-lap-i734909/