Từ rừng Amazon, Indonesia đến Bắc Cực, một thế giới đang cháy

Sự gia tăng mạnh mẽ các vụ cháy rừng, không chỉ ở Amazon mà còn ở các khu vực như Bắc Cực, làm dấy lên lo ngại biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm mối nguy hiểm từ hỏa hoạn.

Ở Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon đang bốc cháy. Cách đó nửa vòng Trái Đất ở trung tâm châu Phi, những dải savanna rộng lớn đang cháy phừng phừng. Các khu vực Bắc Cực ở Siberia đang cháy với tốc độ lịch sử.

Theo New York Times, trong khi các đám cháy ở Brazil đã biến thành cuộc khủng hoảng quốc tế toàn diện, chúng chỉ đại diện cho một trong nhiều khu vực quan trọng mà các đám cháy hiện bùng phát trên khắp thế giới.

Sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các đám cháy, vươn đến những nơi hiếm thấy trước đây, làm dấy lên lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng cháy rừng.

Hỏa hoạn rải rác cảnh quan ở Brazil hồi đầu tháng 8. Ảnh: AP.

New York Times dẫn lời John Abatzoglou, Phó giáo sư Khoa Địa lý tại Đại học Idaho, cho biết nhiệt độ nóng hơn, khô hơn "đang tiếp tục thúc đẩy nguy cơ hỏa hoạn". Ông mô tả nguy cơ "hỏa hoạn lớn, không thể kiểm soát toàn cầu" nếu xu hướng ấm lên tiếp diễn.

Cháy rừng góp phần vào sự thay đổi khí hậu bởi chúng không chỉ giải phóng carbon dioxide, loại khí nhà kính chính, vào khí quyển, mà còn giết chết cây cối và thảm thực vật giúp loại bỏ khí thải làm nóng khí hậu từ không khí.

Năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các vụ cháy rừng ở một số khu vực Bắc Cực mà theo truyền thống, hiếm khi bị đốt cháy.

Kể từ tháng 7, lửa đã thiêu rụi khoảng sáu triệu mẫu rừng Siberia. Ở Alaska, các đám cháy đã thiêu rụi hơn 2,5 triệu mẫu đất vùng lãnh nguyên và rừng tuyết. Các nhà nghiên cứu hàng đầu cho rằng sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và cháy rừng có thể làm thay đổi vĩnh viễn các khu rừng của khu vực.

Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của hành tinh. Một số nghiên cứu lưu ý rằng, khi trời ấm lên sẽ có nhiều sét hơn. Ở những nơi hẻo lánh, sét là nguyên nhân đáng kể gây ra các vụ cháy.

Các đám cháy được phát hiện trong năm qua, từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019. Nguồn: NASA; Đồ họa: New York Times.

Mặc dù Amazon được mô tả rộng rãi là lá phổi thế giới, liên quan đến khả năng tạo ra oxy trong rừng, những khu rừng như Siberia cũng quan trọng đối với hệ thống khí hậu toàn cầu như các rừng mưa nhiệt đới.

Một lý do khiến các vụ cháy rừng ở Bắc Cực đặc biệt đáng lo ngại là ngoài việc đốt cây và đồng cỏ, chúng còn đốt cháy than bùn, một vật liệu giống như bụi bẩn trong lòng đất sẽ thải ra nhiều carbon dioxide hơn khi đốt cháy so với cây xanh.

"Chúng ta có những vụ cháy cố ý, thông qua phát quang đất đai. Chúng ta có những đám cháy đang xảy ra ở những vùng xa xôi mà đáng lẽ sẽ không xảy ra, ít nhất là ở mức độ nghiêm trọng này, trong trường hợp không có biến đổi khí hậu", tiến sĩ Abatzoglou nói với New York Times.

Amazon và Indonesia: Cháy rừng do cố ý

Cuộc khủng hoảng ở Amazon là ví dụ về các vụ hỏa hoạn do cố ý, để dọn sạch đất rừng nhằm canh tác hoặc chăn thả gia súc.

Trong trường hợp Brazil, điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu về đậu nành và gia súc, đặc biệt khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn và mọi người có thể mua thịt nhiều hơn.

Giữa năm 2004 và 2012, nạn phá rừng trong khu vực đã suy giảm nhưng điều đó đã thay đổi vào năm 2013.

Jair Bolsonaro, người được bầu làm tổng thống Brazil năm ngoái, đã thúc đẩy việc mở rộng ngành nông nghiệp và bác bỏ ý tưởng mở rộng sự bảo vệ cho các nhóm người bản địa sống trong rừng, dẫn đến lo ngại rằng tỷ lệ phá rừng có thể gia tăng hơn nữa.

Lính cứu hỏa tại một đồn điền dầu cọ ở Pekanbaru, Indonesia, vào tháng 7. Ảnh: Getty.

Các báo cáo ban đầu cho thấy các vụ cháy trong năm nay, trùng với mùa khô của Amazon, trở nên tồi tệ hơn một phần vì cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc - một trong những người mua đậu nành lớn nhất thế giới - đã thúc đẩy Bắc Kinh tìm nhà cung cấp mới để thay thế nông dân Mỹ.

Các cộng đồng bản địa ở Amazon đã sử dụng lửa trong các khu rừng mưa nhiệt đới trong nhiều thế hệ, mặc dù họ có xu hướng canh tác các khu vực nhỏ hơn nhiều, trồng một số lượng cây trồng tương đối đa dạng và di chuyển lên một mảnh đất mới sau vài năm, cho phép rừng tái sinh.

Điều đó khác với những gì đang diễn ra ở Amazon, nơi nông nghiệp được công nghiệp hóa dẫn tới việc xóa sổ vĩnh viễn các vùng rừng.

Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Đông Nam Á, nơi 71% rừng than bùn đã bị mất trên khắp Sumatra, Borneo và bán đảo Malaysia từ năm 1990 đến 2015.

Trong nhiều trường hợp, các khu rừng được thay thế bởi các trang trại sản xuất dầu cọ, được sử dụng trong mọi thứ từ bánh quy đến nước hoa và là một trong những cây trồng quan trọng nhất trong khu vực.

Vào năm 2015, khói bụi và khói mù từ đám cháy than bùn nghiêm trọng đến mức có thể dẫn đến 100.000 người chết sớm, theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2016.

Bắc Cực: Hộp bùi nhùi bắt lửa

Mặc dù đều liên quan đến việc đốt than bùn, các đám cháy ở Indonesia khá khác biệt so với những gì đang xảy ra ở phía bắc của địa cầu, bao gồm cả Bắc Cực.

Mùa hè này, các vụ cháy rừng đã bùng phát trên khắp khu vực - bao gồm Alaska, Greenland và Siberia, ở những nơi thường không bị đốt cháy trong quá khứ.

Các đám cháy được thúc đẩy bởi nhiệt độ tăng, làm khô cây và khiến chúng dễ bắt lửa hơn. Nhiều nhà nghiên cứu mô tả sức nóng là tín hiệu của biến đổi khí hậu ở khu vực ấm lên nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh.

Một vụ hỏa hoạn gần Delta Junction ở Alaska vào tháng 6. Ảnh: Reuters.

Khi các đám cháy lan rộng, lượng khí thải carbon dioxide cũng tăng lên, đạt mức cao nhất kể từ khi việc lưu giữ hồ sơ vệ tinh bắt đầu vào năm 2003.

Chỉ trong 18 ngày đầu tiên của tháng 8, các đám cháy ở Bắc Cực đã thải ra 42 triệu tấn carbon dioxide. Tổng cộng, trong tháng 6, tháng 7 và đầu tháng 8, các đám cháy đã thải ra hơn 180 triệu tấn khí CO2, gấp khoảng ba lần rưỡi so với lượng phát thải của Thụy Điển trong một năm.

Các đám cháy không chỉ được coi là một tín hiệu của biến đổi khí hậu, mà chúng còn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu vì bồ hóng được sản xuất khi đốt than bùn rất giàu carbon.

Khi muội than lắng xuống sông băng gần đó, băng sẽ hấp thụ năng lượng mặt trời thay vì phản xạ lại, làm tăng tốc độ tan chảy của sông băng.

California và châu Phi: Chu kỳ đốt cháy theo mùa

Trong khi các vụ cháy xảy ra ở Bắc Cực vào mùa hè này là bất thường, không phải tất cả các vụ cháy đều không được dự đoán. Ở một số nơi, chu kỳ đốt cháy theo mùa đóng vai trò chính.

Phía tây nước Mỹ là một ví dụ.

Trên thực tế, con người kích hoạt hầu hết vụ cháy rừng, cho dù vô tình thông qua một điếu thuốc lá hay lửa trại, hoặc cố tình phát quang đất.

Tuy nhiên, một lý do khiến những nơi như California dường như có hỏa hoạn hàng năm là vì tiểu bang này, cùng với phần lớn miền Tây và Đông Nam Mỹ, là những gì các nhà nghiên cứu gọi là hệ sinh thái thích nghi với lửa.

Lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy do lửa trại ở phức hợp Mendocino, gần Ladoga, California, ngày 7/8/2018. Ảnh: AP.

Nói cách khác, một số cảnh quan đã phát triển theo thời gian để không chỉ chịu đựng được lửa, mà thực sự cần nó. Ví dụ, cây thông lodgepole, một cây chủ lực của miền Tây Mỹ, cần sức nóng từ các vụ cháy rừng để giải phóng hạt giống của chúng.

Mô hình tương tự có thể được nhìn thấy trong một số vụ hỏa hoạn ở châu Phi cận Sahara mà gần đây đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Theo tiến sĩ Abatzoglou, các hệ sinh thái savanna ở phía bắc và phía nam rừng nhiệt đới châu Phi đốt cháy cứ sau hai đến ba năm. "Đây thực sự là hệ sinh thái dễ cháy nhất trên toàn cầu", ông nói.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể có tác động mạnh mẽ đến các vụ cháy rừng ngay cả ở những nơi như vậy. Chẳng hạn, nghiên cứu được công bố năm nay cho thấy các vụ cháy rừng ở California có quy mô lớn hơn 5 lần so với khi không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Tuyết Mai
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tu-rung-amazon-indonesia-den-bac-cuc-mot-the-gioi-dang-chay-post984710.html