Tu nghiệp sinh ở Nhật: Giấc mơ đổi đời và hiện thực khốc liệt
Tu nghiệp sinh làm việc cả ngày lẫn đêm. Thêm vào đó, rào cản ngôn ngữ và áp lực phải hòa nhập vào văn hóa Nhật cũng là những trở ngại không hề nhỏ.
Đến Nhật Bản tu nghiệp với khát vọng hoàn thiện các kỹ năng xây dựng cho các công trình, sau 3 năm, một nam tu nghiệp sinh người Việt nhận ra giấc mơ ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ thành sự thật.Dù được làm trong một công ty xây dựng ở tỉnh Fukushima nhưng thay vì xử lý cốt thép và tạo khuôn đóng bê tông, người này chủ yếu của dọn dẹp hậu quả còn sót lại từ sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1, thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Tokyo.
Hiện thực khốc liệt
Đây chỉ là một trong số chia sẻ của 18 tu nghiệp sinh nước ngoài trước Quốc hội Nhật Bản vào ngày 8/11. Mục đích của phiên họp này là nhằm cung cấp cho các nhà lập pháp cái nhìn chính xác hơn về thực tế khắc nghiệt mà người lao động nước ngoài thuộc Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật phải đối mặt.
Nhật Bản đang phải đối mặt sự thiếu hụt lao động do dân số già và tỷ lệ sinh thấp. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Nhật đã đề ra chương trình kết hợp lao động và học tập để đào tạo kỹ năng cho người nước ngoài đến từ các quốc gia đang phát triển. Họ sẽ mang những kỹ năng đó trở về sau 5 năm; những người này được gọi là “tu nghiệp sinh”.
Những công việc tu nghiệp sinh làm gói trong 3 chữ K theo tiếng Nhật - kitanai, kiken, kitsui. Trong tiếng Anh, đó là 3 chữ D : dirty (bẩn thỉu), dangerous (nguy hiểm), demanding (đòi hỏi cao).
Phần lớn các tu nghiệp sinh đều có ước mơ được nâng cao trình độ chuyên môn, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp cũng như kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, những gì phần lớn họ nhận lại là công việc chân tay nặng nhọc, thời gian làm việc kéo dài và mức lương bèo bọt. Trong buổi họp ở Quốc hội Nhật Bản, có tu nghiệp sinh Trung Quốc nói họ chỉ nhận được 300-400 yên/giờ, trong khi mức lương tối thiểu là 700 yên.
Nên nhớ, “tu nghiệp sinh” không phải nhân viên chính thức nên những quyền lợi cơ bản của người lao động như thời gian lao động 8 tiếng/ ngày, lương thưởng phù hợp, trợ cấp, bảo hiểm hay nghỉ có hưởng lương họ đều không được nhận. Những công việc tu nghiệp sinh làm gói trong 3 chữ K theo tiếng Nhật - kitanai, kiken, kitsui. Trong tiếng Anh, đó là 3 chữ D: dirty (bẩn thỉu), dangerous (nguy hiểm), demanding (đòi hỏi cao).
Số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã tăng bảy lần trong 10 năm qua - từ 36.131 người năm 2007 tăng lên 262.405 người vào cuối năm 2017, theo số liệu từ Bộ Tư pháp Nhật Bản. Người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản hiện đã đông thứ 3, chỉ xếp sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong số này, hơn 120.000 người Việt tới Nhật Bản dưới dạng tu nghiệp sinh, đông nhất trong số các nước gửi tu nghiệp sinh tới học tập và làm việc ở đất nước mặt trời mọc.
Phần lớn tu nghiệp sinh, du học sinh Việt Nam phải bỏ ra hàng nghìn USD để được sang Nhật Bản tu nghiệp - đây là số tiền lớn với người Việt khi thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng hơn 2.200 USD/năm. Khát vọng được học tập, làm việc trong nhà máy hiện đại ở Nhật Bản kèm thêm gánh nặng tài chính và rào cản ngôn ngữ đẩy các tu nghiệp sinh đến bước cật lực kiếm tiền, tiết kiệm đến mức tối đa để gửi tiền về cho gia đình hoặc trả nợ. Không chỉ tu nghiệp sinh, du học sinh cũng tranh thủ kiếm được bao nhiêu tiền hay bấy nhiêu.
Một số người thậm chí không biết được quyền lợi đáng ra họ được nhận là gì. Một số ý thức được mình phải làm những công việc 3Ks nặng nhọc mà lao động Nhật Bản từ chối, nhưng họ vẫn thỏa hiệp, không dám đấu tranh. Chỉ một lần mắc sai lầm, tu nghiệp sinh có thể phải trả giá bằng thị thực của mình và bị trục xuất về nước.
Tôi biết những tu nghiệp sinh nhẫn nhịn làm việc quần quật nhưng chỉ cầm hơi bằng những thực phẩm thiếu dinh dưỡng như mì gói để tiết kiệm chi phí. Họ làm việc quá mức mà không nghỉ ngơi đầy đủ.
Không dễ hòa nhập
Có hơn 10 năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, tôi nhận thấy dù người Nhật bên ngoài có thể rất hiếu khách, nhưng xã hội nước này vẫn chưa thật sự cởi mở với người nước ngoài. Việc người lao động nước ngoài nhập cư hoàn toàn và trở thành công dân vẫn còn bị coi là vấn đề nhạy cảm đối với hầu hết người Nhật.
Nhật Bản là một trong những nước kém đa dạng chủng tộc nhất thế giới. Người Nhật tự hào với sự độc đáo cũng như đồng nhất trong văn hóa của mình. Để tồn tại trong xã hội Nhật, người nước ngoài cư trú tại đây, bất kể là lao động, tu nghiệp sinh hay du học sinh, đều phải từ bỏ ý thức về giá trị và bản sắc dân tộc của mình càng nhiều càng tốt. Ví dụ, các nhân viên Việt Nam không được phép nói tiếng Việt với nhau tại nơi làm việc hoặc ở bất cứ nơi nào mà các đồng nghiệp Nhật Bản có mặt.
Tuy nhiên, sự đồng hóa là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản mong đợi ở lao động nhập cư. Lao động nhập cư có thể phải hứng chịu chỉ trích bởi hành vi không phù hợp với “phong cách người Nhật”. Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng sự đa dạng giữa các nền văn hóa. Làm sao có thể kỳ vọng người Trung Quốc từ bỏ văn hóa và ngôn ngữ riêng của mình để đồng hóa vào xã hội Nhật Bản?
Có bằng chứng cho thấy sự thiếu niềm tin vào công nhân nước ngoài ở doanh nghiệp Nhật Bản. Một số nhà thầu xây dựng thậm chí nêu rõ trong hợp đồng: Trong một số hạng mục công trường, các nhân viên nước ngoài không được phép tham gia. Lý do? Các nhà quản lý Nhật Bản không tin tưởng những công nhân ngoại quốc này có thể đảm bảo chất lượng được như người bản địa.
Sống xa nhà, không có người thân, bạn bè để sẻ chia, cũng không thể hòa nhập vào cộng đồng mới, lại thêm mối lo tiền bạc, tu nghiệp sinh dễ rơi vào trạng thái trầm uất.
Những định kiến chống lại lao động nhập cư lại có tác động tiêu cực đến môi trường làm việc. Nhiều nhân viên Nhật Bản lo lắng những đồng nghiệp người nước ngoài sẽ trở thành đối thủ của họ. Các thợ thủ công Nhật Bản là một ví dụ: Họ ngăn chặn thợ thủ công nhập cư lành nghề tham gia vào các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao mà chỉ giao cho họ những công việc đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Các nhân viên Trung Quốc tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự thất vọng với tình trạng này và cho biết họ có xu hướng mất hứng thú với công việc sau 6 tháng bởi dù họ có rèn luyện để trở nên giỏi hơn nhưng cũng không được trao cơ hội.
Bản thân chương trình lao động kết hợp học tập này cũng chỉ là chính sách nhằm giải quyết tạm thời bài toán thiếu hụt lao động tạm thời. Tu nghiệp sinh làm việc cả ngày lẫn đêm, nhiều người sống luôn trong khu nhà ở cho nhân viên của nhà máy nên thời gian để giao lưu, kết bạn là không nhiều. Thêm vào đó, rào cản ngôn ngữ và những khác biệt trong văn hóa Nhật là những trở ngại không hề nhỏ.
Sống xa nhà, không có người thân, bạn bè để sẻ chia, cũng không thể hòa nhập vào cộng đồng mới, lại thêm mối lo tiền bạc, tu nghiệp sinh dễ rơi vào trạng thái trầm uất. Không chỉ là thể chất, tu nghiệp sinh còn gặp vấn đề về tinh thần. Hệ quả là căng thẳng thần kinh và sức ép tâm lý đã đánh gục cơ thể họ.
Thay đổi từ bên trong, sức ép từ bên ngoài
Các nước gửi tu nghiệp sinh sang Nhật Bản, trong đó có Việt Nam, cần đàm phán với chính phủ Nhật Bản để bảo vệ cho người lao động, đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình gian nan và khó khăn bởi lẽ trong tình huống này, Nhật Bản đang nắm thế thượng phong.
Gửi người lao động sang Nhật Bản tu nghiệp là một cách để giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước. Mặt khác, tiền người lao động ở Nhật gửi về nhà, dù ít nhưng quy đổi sang đồng nội tệ lại là một khoản đáng kể.
Đã đến lúc các doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản thay đổi quan niệm về lao động nhập cư, củng cố quy định có thể giúp giải quyết vấn đề đa dạng văn hóa, tạo điều kiện để lao động nhập cư đóng góp lâu dài cho đất nước mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chương trình này là một giải pháp thiết thực giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động và tỷ lệ sinh thấp, chính phủ và người dân nước này cần có những thay đổi về nhận thức lẫn luật pháp. Dẫu biết thay đổi quan niệm xã hội là điều không dễ dàng, nhưng đã đến lúc các doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản thay đổi quan niệm về lao động nhập cư, củng cố quy định có thể giúp giải quyết vấn đề đa dạng văn hóa, tạo điều kiện để lao động nhập cư đóng góp lâu dài cho đất nước mình.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng ban hành một số quy định để giải quyết vấn đề người lao động nhập cư này. Nhưng nếu chỉ dừng lại đơn thuần ở việc đề xuất quy định mới thì sẽ chẳng bao giờ vấn đề này được giải quyết tận gốc. Quy định đưa ban hành và cần phải được thi hành. Điều này chỉ có thể đến từ áp lực của cộng đồng quốc tế và chính phủ của người lao động.
Một cách nữa có khả năng giải quyết được vấn đề này là dựa vào các phương tiện truyền thông và khu vực tư nhân. Trước mắt, cần cho công chúng biết càng nhiều càng tốt mặt trái của việc sử dụng người lao động quá mức này rồi gây sức ép lên chính phủ để cải thiện điều kiện lao động.
Việc này sẽ mất nhiều thời gian và khó khăn, nhưng đã có hiệu quả trong một số trường hợp. Dù không nhiều, nhưng nếu truyền thông đủ quyết liệt có thể gây sức ép và buộc chính phủ Nhật phải cải thiện.