Từ khi có... 'thủ lĩnh'
'Thủ lĩnh' xuất hiện đã mang đến nhiều sự thay đổi. Sự dẫn dắt của 'thủ lĩnh' đã tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực về nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ tập tục lạc hậu...
Có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng
Tại phòng sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở Trường THCS Thiết Ống (Bá Thước), 30 thành viên CLB đều đã có mặt. Như mọi lần, Đinh Thùy Trang, học sinh lớp 8A, chủ nhiệm CLB lại làm công việc quen thuộc của mình, đó là đọc nội dung buổi sinh hoạt trên loa truyền thanh của nhà trường. Chủ nhiệm Đinh Thùy Trang dõng dạc, nói: “Các bạn thân mến! Hôm nay, nội dung sinh hoạt của CLB sẽ cùng chia sẻ chuyên đề: “Trang bị các kỹ năng ứng xử, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh”. Thông qua chuyên đề này, với mong muốn các bạn sẽ có thêm những hiểu biết cho bản thân về vấn đề bạo lực học đường... Câu thảo luận của chúng ta hôm nay là: Làm thế nào để giúp các bạn học sinh có khả năng ứng xử một cách linh hoạt và phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể để phòng chống các hành vi bạo lực học đường. Nhiệm vụ của các nhóm sau buổi nói chuyện chuyên đề này là phải phân tích, đánh giá về thực trạng và hậu quả của bạo lực học đường...".
Một buổi sinh hoạt khác tại CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú
(PTDTBT) THCS Tam Chung (Mường Lát), với chủ đề: “Nói chuyện chuyên đề về phòng, chống xâm hại cho phụ nữ và trẻ em”. Để thực hiện chuyên đề này, CLB đã tổ chức “Hội nghị giả định” mà ở đó các thành viên trong CLB hóa thân vào vai cán bộ xã, cán bộ phụ nữ, trưởng bản, cô giáo... Những người này có trách nhiệm trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung về xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Giàng A Dụ, học sinh lớp 9A, trong vai trưởng bản là một thành viên tích cực của CLB. Em đã có nhiều ý tưởng, xây dựng kịch bản... Gia đình Giàng A Dụ thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn ở bản Ón, xã Tam Chung. “Tham gia vào CLB, không chỉ em mà các bạn đã tự tin hơn và thay đổi suy nghĩ tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tự bản thân thấy có trách nhiệm hơn với chính mình và cộng đồng...”, Giàng A Dụ nói.
Thực trạng bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều thách thức và khó khăn. Phụ nữ và trẻ em thường phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội cấp thiết, là giáo dục, y tế, kinh tế, bạo lực gia đình... CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025). Thông qua các tin, bài phản ánh theo chủ đề, các thành viên trong CLB này đóng vai trò là những hạt nhân tiên phong trong tuyên truyền về thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ tập tục lạc hậu...
Sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình
Sự ra đời CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã góp phần tạo chuyển biến lớn trong nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và trẻ em. Đặc biệt, đối với học sinh ở miền núi, vùng cao đây là vấn đề hết sức quan trọng. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chọn Trường PTDTBT THCS Tam Chung (Mường Lát) là đơn vị chỉ đạo điểm thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Ngày 16/12/2022, CLB của nhà trường được thành lập. Cô giáo kiêm dẫn trình viên CLB Ngân Thị An, cho biết: “Trước khi chưa có CLB, học sinh nhà trường phần lớn ngại nói, ngại bày tỏ... Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia CLB, học sinh đã có những thay đổi thực sự, các em mạnh dạn hơn, biết nói lên tiếng nói của bản thân thậm chí dám bày tỏ, chia sẻ cả những chuyện thầm kín với thầy, cô giáo”. Đồng quan điểm, thầy giáo Nguyễn Huy Sĩ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thiết Ống (Bá Thước) cũng cho rằng: “Đã có một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của các em về bạo lực học đường, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Đặc biệt, học sinh đã tự tin hơn trong các hoạt động, phong trào. Các em đã có thể tự dàn hòa khi có mâu thuẫn và biết cách động viên, góp ý để câu chuyện, vấn đề không đi quá xa...”.
Tại huyện Bá Thước, đến thời điểm hiện nay đã thành lập được 11 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 330 thành viên. Huyện đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho thành viên các CLB và cho học sinh các nhà trường đồng thời tổ chức 10 hội thi “Rung chuông vàng”. Đặc biệt, thông qua hội thi “Rung chuông vàng” đã tạo sức lan tỏa lớn, hiệu quả cao trong tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến trẻ em...
Nhiều câu chuyện thú vị, ý nghĩa về hoạt động của các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã được bà Lê Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước kể lại. Bà cho biết: “Khi thành lập CLB, yêu cầu của chúng tôi, thành viên phải là học sinh ở các thôn đặc biệt khó khăn. Thầy, cô giáo rất ngạc nhiên vì ở các em còn nhiều hạn chế thì làm khó hiệu quả. Nhưng phải cho các em một cơ hội thể hiện, khi được tiếp cận thì chắc chắn các em sẽ trưởng thành, sẽ thay đổi nên mới gọi là thủ lĩnh của sự thay đổi. Ngay như hôm ra mắt các CLB, toàn bộ dẫn chương trình, văn nghệ, truyền thông là học sinh làm chứ không phải giáo viên nữa. Và các em cũng chính là người chủ trì buổi sinh hoạt CLB... Rất tự tin, bản lĩnh và trách nhiệm”.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 72 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 2.160 thành viên. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình và tăng cường tổ chức tập huấn, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tu-khi-co-thu-linh-34942.htm