Tự hào truyền thống công nhân gang thép Thái Nguyên
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín, từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép, cán thép, bằng công nghệ sản xuất thép hiện đại chuyển giao từ các chuyên gia Danieli (Italia). Khu Gang Thép là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim nước nhà.
Ngày 4/6/1959, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Công trường khu Gang thép Thái Nguyên thu hút hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ, các bạn nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng tham gia xây dựng Khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của cả nước.
Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ đó là: "Để làm ra gang thép tốt thì người công nhân và cán bộ phải tôi luyện tinh thần cách mạng, lập trường giai cấp, ý thức làm chủ cho cứng rắn như thép, như gang…", Công đoàn và Ban chỉ huy Công trường đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước trong lao động, sản xuất và xây dựng, kiến thiết các công trình nhà máy. Chỉ trong 3 năm, hàng chục quả đồi đã được san phẳng, hàng chục triệu mét khối đất đá được di rời, hàng vạn khối bê tông, xi măng được chuyển đến để xây dựng các nhà xưởng, lò luyện gang, luyện cốc phục vụ sản xuất.
Vào thời khắc lịch sử 8h30 ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 đã rực rỡ ra lò, đánh dấu đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của Công ty và ngành luyện kim Việt Nam. Thành quả đó còn khẳng định ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, dám nghĩ, dám làm với tinh thần tự lực, tự cường của hơn 2,2 vạn cán bộ, công nhân toàn Công trường. Ngày 29/11 đã được chọn làm Ngày truyền thống Công nhân Gang Thép và được Công ty long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm hàng năm.
Tháng 12/1963, Phân xưởng tuyển quặng và Mỏ sắt Trại Cau được khánh thành, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho Khu công nghiệp Gang Thép (25-30 vạn tấn quặng sạch/năm). Hàng loạt các mỏ nguyên liệu ở nhiều địa phương các tỉnh miền Bắc cũng được cán bộ, công nhân Công trường hỗ trợ khẩn trương xây dựng, đưa vào sản xuất như: Mỏ đá Núi Voi (Thái Nguyên), Mỏ đất chịu lửa (Tuyên Quang), Mỏ quặng Quắc Zít (Phú Thọ), Mỏ đá Dolomit (Thanh Hóa), Mỏ quặng Mangan (Cao Bằng)…
Năm 1964, Công ty Gang Thép Thái Nguyên vinh dự được tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lần thứ 3 và trực tiếp chỉ đạo, tham mưu các chiến lược của đơn vị trong từng giai đoạn. Lò cao số 2 (đạt sản lượng phôi thép 240.000 tấn/năm), Xưởng thiêu kết (công suất 12 vạn tấn/năm), Lò cốc (công suất 13 vạn tấn/năm) đã được khánh thành. Năm 1965, Xưởng Vật liệu chịu lửa và lò cao số 3 tiếp tục được hoàn thiện, đưa sản lượng luyện gang thép từ các lò cao lên tới 14 vạn tấn/năm, đủ nguyên liệu phục vụ cho hệ thống luyện thép.
Giai đoạn này, giặc Mỹ liên tục phá hoại nhiều trọng điểm miền Bắc nước ta. Các cán bộ, đảng viên, công nhân, lực lượng tự vệ nhà máy vẫn ngày đêm hăng say lao động sản xuất và rèn luyện thể lực, trau dồi tư tưởng cách mạng, tham gia các khóa huấn luyện quân sự cấp tốc do Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc và Tỉnh đội Thái Nguyên tổ chức, để sẵn sàng chiến đấu chống quân thù, bảo vệ nhà máy, duy trì sản xuất.
12 ngày đêm lịch sử của chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” năm 1972, Khu công nghiệp Gang Thép bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Đội Tự vệ Công ty cùng lực lượng bộ đội Phòng không Thái Nguyên đã vào vị trí chiến đấu như những chiến sỹ quả cảm. Với khẩu hiệu “Lao động quên mình vì sự nghiệp Gang thép của Tổ quốc”, “Đổi máu lấy thép” và quyết tâm “Bám máy, bám lò, coi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu”, nhiều tấm gương cán bộ, công nhân Gang thép đã dũng cảm đánh trả máy bay giặc Mỹ, bám trụ sản xuất dưới mưa bom, bão đạn, để dòng gang, thép vẫn hối hả ra lò. Đội Tự vệ Gang Thép đã cùng với quân và dân tỉnh Thái Nguyên bắn rơi 59 máy bay Mỹ, bắt sống 5 giặc lái Mỹ. Công nhân nhà máy tự tháo gỡ, phá hủy thành công hơn 400 quả bom bi (rơi vào hầm than) được tuyệt đối an toàn.
Chiến tranh qua đi, các nhà máy, phân xưởng, hầm lò lại tích cực hoạt động và tiếp tục mở rộng, phát triển. Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng hình thành, cho ra mẻ luyện thép đầu tiên chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Xưởng cán thép Lưu Xá cũng ra đời đạt công suất lên tới 120.000 tấn/năm. Công trình sắt xốp (công suất 22.000 tấn/năm) cũng được khởi công xây dựng và cho ra sản phẩm lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á vào tháng 4/1989.
Năm 2001, Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn I được khánh thành. Đây là công trình của tình hữu nghị, hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa, do Thủ tướng Chính phủ hai nước trực tiếp chỉ đạo. Tiếp theo, năm 2002, công trình Nhà máy cán thép (300.000 tấn/năm) cũng được tiến hành xây dựng, hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả.
Năm 2007, Dự án cải tạo giai đoạn II tiếp tục được thực hiện. Công nghệ làm gang thép theo dây chuyền hiện đại hóa, tự động hóa, đạt sản lượng ở mức tăng trưởng bền vững 15% /năm, dẫn đến hiện tượng: Lần đầu tiên Công ty Gang Thép có thể sản xuất, tiêu thụ vượt ngưỡng 500.000 tấn thép thành phẩm/năm và đã xuất bán số lượng lớn thép mang hương hiệu TISCO ra thị trường trong và ngoài nước. Song hành với việc kinh doanh, sản xuất, chất lượng đội ngũ thợ lành nghề, CNVC-LĐ cũng liên tục được nâng cao, đáp ứng phù hợp với tiến trình phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2009, Công ty chuyển mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, hàng năm Công ty đều vượt kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng từ 10-15% so với thời kỳ trước, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục tăng trưởng.
Trải qua nhiều thăng trầm, Ban lãnh đạo Công ty và đội ngũ CNVC-LĐ vẫn luôn đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, duy trì truyền thống “Đoàn kết, cần cù, dũng cảm, sáng tạo vì sự nghiệp Gang thép”, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phong trào tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, liên tục cho ra lò những mẻ gang, thép chất lượng, cung ứng theo nhu cầu thị trường.
10 tháng đầu năm 2021, Công ty đã sản xuất trên 700.000 tấn thép cán, đạt doanh thu 15,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 120% kế hoạch năm, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 3,8 nghìn lao động. Sản phẩm thép TISCO được người tiêu dùng ưa chuộng và được lựa chọn sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm Quốc gia như: Nhà ga hành khách T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Tòa nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình... Thép TISCO còn thâm nhập được vào thị trường Quốc tế như: Canada, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia và nhiều quốc gia khác.
Sản phẩm thép TISCO đã giành được nhiều giải thưởng có giá trị như: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng đất Việt, Thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng, Nhãn hiệu có uy tín tại Việt Nam, Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, Ngôi sao Quốc tế về Quản lý chất lượng ISLQ, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam…
Với những thành quả nổi bật, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Chiến công và được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn các cấp tặng gần 1.500 Cờ, Bằng khen, Huy chương, Huy hiệu các loại.
Những người thợ gang thép cũng vinh dự và tự hào được đón nhận nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Chiến sỹ thi đua toàn quốc…