Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ

Trong tư tưởng và hành động của hầu hết cha mẹ đều có ý thức muốn bảo vệ con em mình, vậy nhưng, chiếc mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu được chấn thương cho trẻ khi sự cố không may xảy ra lại đang bị xem nhẹ.

Trong những nguyên nhân khiến cả phụ huynh và học sinh ngại đội mũ bảo hiểm, có lý do đến từ chính chiếc mũ. Trong gần 20 năm thực hiện việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy, chúng ta dường như quan tâm tới các tiêu chuẩn và ưu tiên sản xuất mũ bảo hiểm dành cho người lớn; còn mũ bảo hiểm dành cho trẻ em thì đến nay vẫn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn; việc sản xuất và bày bán mũ bảo hiểm dành cho trẻ em trên thị trường còn hạn chế hoặc có giá thành cao.

Sản phẩm mũ bảo hiểm cho trẻ em trên thị trường nhìn chung ít hơn hẳn sản phẩm dành cho người lớn. Riêng loại mũ bảo hiểm chính hãng dành cho trẻ dưới 6 tuổi dù đã xuất hiện nhưng sản phẩm và hệ thống phân phối hạn chế nên người có nhu cầu rất khó tiếp cận. Như loại mũ xốp mềm dành cho trẻ dưới 6 được bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ trẻ em hiện chỉ có 1 nhãn hiệu và 1 kích cỡ duy nhất với giá bán khá cao.

Thực tế này khiến nhiều em phải sử dụng những chiếc mũ không vừa với kích thước vòng đầu, gây khó chịu, mệt mỏi. Còn phụ huynh thì lo lắng đội mũ bảo hiểm có thể dẫn đến ảnh hưởng cột sống cổ của trẻ nhỏ hoặc mũ không đảm bảo chất lượng cũng gây tác động tiêu cực và nhiều khi các con cũng khó hợp tác trong việc đội mũ.

Vì thế, trước tiên, để trẻ có thể đội được mũ bảo hiểm thì cần có những chiếc mũ phù hợp. Đó là những chiếc mũ có kích cỡ hợp với đầu của trẻ, tránh bị tuột, lệch trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, chiếc mũ cũng nên có những màu sắc, hình vẽ trẻ yêu thích để tạo cảm giác thích thú, yên tâm hơn cho trẻ khi đội mũ bảo hiểm.

Rất nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy

Hiện chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm dành cho trẻ dưới 6 tuổi nên cần sớm có những nghiên cứu thực tế, phù hợp để bổ sung những quy chuẩn cụ thể ở lứa tuổi cần đội mũ nào. Tiếp đến là cần xóa bỏ những quan niệm sai lệch của người lớn về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Có nhiều phụ huynh lo ngại rằng, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em sẽ gây ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những tác động đó. Các chuyên gia nhi khoa thế giới đã khẳng định, hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng quy chuẩn. Thậm chí, theo khuyến cáo của Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á, trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể đội mũ bảo hiểm khi cha mẹ cho lưu thông bằng phương tiện xe máy.

Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định tất cả người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng Nghị định 100/2019 quy định về mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm loại trừ trẻ dưới 6 tuổi. Điều này khiến nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ dưới 6 tuổi thì không cần đội mũ bảo hiểm còn lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định độ tuổi để xử lý hành vi này.

Để gỡ khó, cần bổ sung quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện chở trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho tất cả trẻ em khi ngồi trên xe máy.

Nhiều năm qua, Công ty Honda Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1. Qua đó, các em thích thú với những chiếc mũ được thiết kế phù hợp và làm quen với việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Nếu có thêm được những chương trình như vậy sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình tuyên truyền, gửi gắm thông điệp về an toàn giao thông trong giáo dục.

Để những hoạt động tuyên truyền có thể chuyển biến thành ý thức tự giác, các nhà trường cần chú trọng hơn đối với việc nội dung về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhằm giúp học sinh luôn ghi nhớ, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; kể cả khi phụ huynh có quên thì các em cũng nhắc nhở ông bà, cha mẹ nghiêm túc thực hiện.

Nguyễn Yên/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tu-giac-doi-mu-bao-hiem-bat-dau-tu-chinh-chiec-mu-post1092553.vov