'Tự do' trong định nghĩa của bà tôi

Bà không được học nhiều, phải gồng gánh nuôi 3 con từ trẻ sau khi ông qua đời song định nghĩa 'tự do' mà bà dạy tôi đơn giản mà thật thấm thía.

- Tự do là gì hả bà?

Đó là câu tôi hỏi bà cách đây gần 6-7 năm, khi hai bà cháu xem thời sự và có nghe tới tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

- Là thích lấy chồng lúc nào thì lấy.

Bà nhìn tôi cười rồi bảo thế. Đợt đó, như một kịch bản truyền thống ở quê, mấy đứa con gái học xong đại học là bắt đầu được bàn tán chuyện bao giờ lấy chồng.

Bà bảo tôi rằng chẳng việc gì phải vội, chồng con là chuyện một đời, cứ lo học lo làm lo chơi đã, rồi muốn lấy thì phải chọn cho kỹ, đừng có nghe ai ép. Lúc đó, tôi mê tư tưởng của bà lắm, như một ngọn hải đăng để tôi nhìn theo giữa bao nhiêu tiếng giục giã bên ngoài.

28 tuổi, bà lấy ông, 36 tuổi, ông ra đi để lại bà và 3 đứa con nhỏ sàn sàn nhau. Sống ở thời bà mà phụ nữ thân cô thế cô, nhà nghèo lại nheo nhóc con nhỏ khổ cực vô cùng. Lo ma chay cho ông xong, nhà cũng không còn gì ngoài nợ. Bà phải làm chung ở hợp tác xã, đầu việc như một người đàn ông, buôn xuôi bán ngược để con không bị đói. Có những buổi chợ, bà gánh hàng đi bộ 30 km lượt đi, 30 km lượt về.

Bà tôi nhỏ lắm, gầy lắm. Lưng còng vì cả một đời vất vả lo toan. Trả hết nợ, xây nhà, dựng vợ gả chồng cho các con, bà vẫn không ngừng làm việc. Tóc bạc trắng và rất mỏng, bà hay chải gọn rồi túm một củ tỏi phía sau. Bà hay cười rồi mắng tôi là “cha bố mày!”.

Bà học không cao, ít đi khỏi làng quê chòm xóm. Nhưng bà lại là người dạy tôi thế nào là tự do. Tự do là khi cháu được quyết định cuộc đời mình mà không bị ai ép buộc, dù cháu học gì, làm gì hay bao giờ lấy chồng. Tự do là khi cháu muốn cuộc sống của mình theo hướng nào, thì hãy làm cho nó đi theo hướng ấy.

Bà tôi, như bà của mọi nhà, để cháu con chiếm trọn trái tim mình, trái tim mà tôi hay trêu bà là không được tự do như cách bà lấy chồng.

Khi anh họ tôi đi đám cưới uống rượu say mèm, bà luôn miệng mắng nhưng tay thì xoa dầu, lau trán, sờ chân sờ tay xem xét. Mỗi lần đi học, đi làm về tôi hay chạy sang bà chơi, khi nào về bà cũng dặn: "Bao giờ về lại sang với bà nhé". Lần nào nghe mũi tôi cũng cay cay.

Ngày em tôi đi Nhật, bà đứng bên cửa nhìn sang phía nhà tôi mắt nhòe nhoẹt nước, chỉ nói nhỏ: “Cháu đi nhé!”.

Đứa cháu nào đi xa cũng được bà nhắc bao giờ về, bao giờ đi. Những miếng bánh ngon, hộp sữa ngọt cứ được bà giữ lại, để đứa nào sang lại dúi cho, bảo: "Bà cho này, uống đi không phí".

Vậy mà bà tôi mất cũng được 2 năm rồi.

Những ngày cuối, bà đau nên không nói được nhiều. Gặp các cháu chỉ dặn nhớ sống tốt nhé. Bà muốn các cháu được nhìn thấy bà, nhưng bà đau nên không muốn bị giày vò nữa, nếu bà đi thì đừng có buồn.

Bà dặn vậy, nhưng làm sao chúng tôi nghe lời được. Bà là tuổi thơ của chúng tôi, những bảo bọc chăm lo, đồng quà tấm bánh. Ngày Tết, mừng tuổi như thế nào bà cũng bảo bà đầy tiền, tiêu gì đến đâu, rồi lì xì lại cho các cháu nhiều hơn nữa. Tôi lúc nào cũng là đứa được nhận bao lì xì đặc biệt nhất.

Bà mất rồi, ngày Tết bớt vui, đi qua nhà bà lại nhớ bóng bà dựa cửa mỗi chiều xem mấy đứa bọn tôi đi học đi làm về hết rồi mới yên tâm. Nhớ hình ảnh bà ngồi trên cái ghế đỏ trước cửa, lặng yên nhìn dòng người tan chợ.

Tôi nhớ về câu hỏi: "Tự do là gì hả bà?" mà thầm nghĩ bà tôi không bao giờ có được trái tim tự do, trái tim của bà chằng chịt những yêu thương.

(Lam Yên, Hà Nội)

Mai An

Illustrator: Anny Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tu-do-trong-dinh-nghia-cua-ba-toi-post1364598.html